Bí mật của Bồ Tát đạo | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Bí mật của Bồ Tát đạo

2711
01/11/2020 - 20:24

 

Có một bí mật mà thông thường các bậc Thầy ít khi nhắc tới Bồ tát đạo. Hôm nay tôi quyết định tiết lộ với bạn. Theo lô-gíc thông thường chúng ta sẽ nói: Làm sao tôi có thể quan tâm tới mọi người mà lại bỏ qua không quan tâm tới chính mình? Điều này rất đúng! Con đường Bồ tát là con đường của trí tuệ, của sự giải thoát khổ đau nên dĩ nhiên không thể bỏ qua điểm cốt yếu này. Theo quan niệm chung về sự thực hành Bồ tát đạo, bạn không được nghĩ về mình, lo cho lợi ích riêng, không được chăm sóc bản thân dù chỉ là một giây. Bạn cần biết rằng khi quan tâm tới người khác thực chất là bạn đang tự quan tâm và giúp đỡ chính mình, cách thức này tốt hơn cả trăm lần so với bất kỳ ai có thể lo cho bạn.

Theo giáo lý Tiểu thừa - một trong ba truyền thống tu tập chính trong Đạo Phật, bạn sẽ thấy mình chỉ tìm cách giải thoát cho bản thân, vì vậy truyền thống này còn được gọi bằng cái tên khác là con đường “Biệt giải thoát”. Tuy nhiên, dù mục đích hướng biệt giải thoát nhưng để thành tựu, các hành giả cần phải có tâm từ bi, tình yêu thương và lòng nhân ái. Dù hướng tới sự giải thoát cá biệt, hành giả Tiểu thừa cũng không loại trừ sự quan tâm tới chúng sinh khác. Tương tự như vậy, Đại thừa, vốn hướng tới người khác, cũng không thể loại trừ sự quan tâm tới bản thân. Thông điệp của Đại thừa là hai vế bổ khuyết cho nhau: chăm sóc người khác cũng chính là chăm sóc bản thân hoặc chăm sóc bản thân cũng chính là chăm sóc người khác. Cả hai khía cạnh này đều cần thiết cho sự thực hành Bồ tát đạo.

Tiểu Thừa: xếp tay nải và ra đi

Ở phần trên, chúng ta nói rằng giải thoát khỏi nguyên nhân gây khổ còn quan trọng hơn giải thoát khỏi khổ đau. Giáo lý Phật giáo Tiểu thừa dù đề cao cả hai khía cạnh này song nhấn mạnh hơn vào việc thoát khỏi nỗi khổ. Về phương pháp thực hành, giáo lý Tiểu thừa tập trung tìm kiếm phương thuốc đối trị và giải thoát trực diện khỏi nỗi khổ. Nói như vậy không có nghĩa là Phật giáo Tiểu thừa không có các phương tiện diệt trừ nhân khổ đau. Phật giáo Nguyên thủy nhấn mạnh việc tức thời diệt khổ. 

Vì lý do này nên phương thức thực hành được gọi là biệt giải thoát, đặt sự xả ly vật chất lên hàng đầu. Cõi luân hồi đầy rẫy khổ đau, cần xả ly luân hồi, không còn gì khác ngoài đóng gói và lên đường xuất gia. “Thật quá khổ! Tôi không thể chịu đựng được nữa, tốt nhất là ra đi”. Đây là giáo pháp chung mà Đức Phật đã dạy và Ngài đã làm gương khi từ bỏ gia đình Hoàng tộc, ra đi khi người vợ và con thơ đang yên giấc ngủ. Bằng cách này, Ngài đã chỉ ra con đường xả ly xuất thế, giúp chúng ta khỏi bị mắc kẹt không lối thoát khi không thể đối mặt với Khổ. Ngài đã dùng chính hành động của mình làm tấm gương để chúng ta biết tới con đường xả ly và tự mình thoát thân khi nỗi khổ đau trở nên quá sức chịu đựng. 

Xả ly, vượt thoát khổ đau, không mất thời gian tìm kiếm nguyên nhân, xuất thế ngay lập tức là cách hành xử nên làm khi chúng ta theo con đường Tiểu thừa hay Nguyên thủy Phật giáo. Có rất nhiều điều cần chia sẻ về chủ đề này song ở đây tôi chỉ đề cập tóm lược như vậy.

Đại Thừa: dành thời gian để suy ngẫm

Mặc dù cả Đại thừa và Tiểu thừa đều cho rằng không nên chịu đựng khổ đau, nhưng hành giả Đại thừa lại cho rằng: “Hãy khoan! Tôi cần tìm ra nguyên nhân gây khổ. Tôi không tin gia đình là nguyên nhân duy nhất; tôi cũng không tin tiền bạc là nguyên nhân duy nhất. Hẳn phải còn nguyên nhân khác sâu xa hơn”. Từ đó, hành giả Đại thừa tìm cách suy ngẫm và dành thời gian để suy ngẫm. 

Đại thừa cho chúng ta cơ hội tìm kiếm nguyên nhân gây khổ, vốn không thực sự nằm trong hoàn cảnh nhất định. Bề ngoài, bạn thấy rất nhiều lý do: khổ đau bực bội có thể đến từ gia đình, công việc, sự ô nhiễm không khí hay sự phiền toái của người hàng xóm. Bạn có thể chỉ khắp xung quanh: “Loại cỏ này khiến tôi dị ứng, thời tiết này khiến tôi mỏi lưng, không khí nguồn nước ô nhiễm khiến tôi phát bệnh...” Dù viện dẫn đủ lý do song không bao giờ chúng ta tự nhìn nhận lỗi của mình. 

Đại thừa coi việc nhận ra nguyên nhân thực sự của khổ là điều vô cùng quan trọng. Dĩ nhiên trên quan điểm y học, ô nhiễm không khí có thể gây ho, ô nhiễm nguồn nước có thể gây bệnh tả. Song khi là hành giả Đại thừa, điều chúng ta quan tâm là sự lý giải sâu xa hơn luận giải thuần túy về ô nhiễm không khí hay nguồn nước. Chính sự nhiễm ô tinh thần, hay những phiền não bất tịnh trong tâm mới là điều bạn mong muốn được giải thoát. 

Nhất thời, chắc hẳn bạn thấy chạy trốn hoặc chống lại ô nhiễm là cách làm phù hợp. Chẳng hạn, bạn có thể tránh tới những nơi bụi bặm như Ấn Độ, Nepal và chỉ ở lại đất nước mình, như vậy bạn có thể tránh mắc bệnh viêm phế quản hoặc tiêu chảy, cũng đỡ phải chê trách sự ô nhiễm nguồn nước ở Ấn Độ và sự ô nhiễm không khí ở Nepal... Chiến lược như vậy gọi là thà tránh xa còn hơn phải phiền toái. 

Trong Tiểu thừa, hành giả xả ly gia đình không hề than vãn, chỉ đơn giản là từ bỏ. Giữa đêm tỉnh dậy ra đi tìm giải pháp thoát khổ. Chỉ vậy và sự xả ly bên ngoài như thế tốt hơn. Hành giả xuất gia không phải vì nóng nảy sân giận mà đơn giản vì không thể chịu đựng hơn nữa khổ đau luân hồi. Xả ly gia đình, xả ly thế tục, tránh xa nhiễm ô... chỉ là những ví dụ. Đối với Đại thừa, bạn cần tiến xa hơn nữa, không chỉ dừng lại ở nguyên nhân bên ngoài rồi phản ứng. Xét từ góc độ nhất định, phản ứng của bạn có thể đúng, nhưng ở đâu đó còn có những nguyên nhân sâu xa hơn thế khiến cách hành xử của bạn có thể khác đi.

(Trích ấn phẩm: “Sức mạnh tình yêu thương” - Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,116,211
Số người trực tuyến: