Bạn đang ở đây
Đối diện với kẻ thù bên trong
Ngục tù, sinh tử tự mình trói buộc
Dù Thượng đế, những người trong Tam giới
Không ai đủ năng lực cứu ta
Duy Tam Bảo - thuyền Từ chân cứu độ
Quy y nương tựa Bồ tát tìm về
Chúng ta luôn cần một nơi nương tựa, một sự bảo hộ để khỏi mắc bẫy của Tâm tiêu cực - kẻ thù bên trong, trước những ảnh hưởng của Môi trường tiêu cực - những người bạn xấu và nghịch cảnh bên ngoài. Khi kẻ thù bên trong lớn mạnh trong hình tướng của ngũ độc: sân giận, tham cầu, đố kị, si ám, ngã mạn, những biểu hiện của bản ngã và ích kỷ sẽ phát triển dễ dàng.
Loại trừ nhân của khổ
Có thể điều này không đúng với tất cả mọi người, nhưng đa số chúng ta đều đang sống trong vòng từ trường tiêu cực. Ngay cả các Phật tử, thậm chí các tu sĩ, hành giả Yogi cũng gặp phải những người bạn đồng hành tiêu cực, có ảnh hưởng không tốt đến sự tu dưỡng tâm linh và gieo những nhân tiêu cực vào tâm họ. Các nhân này là kẻ thù bên trong thường xuyên gây vô số khổ đau phiền não không đáng có. Thực tế, bạn có thể diệt trừ khổ bởi chúng không có cội rễ nào khác ngoài bản ngã, vốn là thứ không có nền móng căn bản. Khổ đau có hai đặc điểm: nó không kéo dài mãi tuy nhiên nỗi khổ này lại có thể là nhân sinh ra nỗi khổ khác, cứ nhân mãi lên ngày càng nhiều. Mối liên hệ nhân quả mắc mớ dính dấp tạo nên cõi luân hồi dường như không cùng tận, song thực chất hoàn toàn có thể được chấm dứt bất kỳ lúc nào.
Vì khổ không có cội rễ nên nó có thể bị diệt trừ. Cùng với việc tiêu trừ nhân khổ, quả khổ sẽ tự tiêu tan. Điều này cũng giống như không có lửa thì không thể có khói, một khi lửa tắt thì khói sẽ sớm tan. Tương tự, khi xả bỏ được bản ngã não nề tăm tối, cảm thọ khổ sẽ tan biến: nhân đã diệt thì sớm hay muộn, quả cũng sẽ không còn.
Quy y chân chính
Vì vậy, chúng ta cần quy y. Chúng ta cần sự bảo hộ trước nhân khổ luôn hiện hữu và cảm thọ khổ quá lớn trong cuộc sống. Chốn nương tựa vững bền đó chính là ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Vì đã tự vượt thoát khỏi luân hồi, các Ngài luôn sẵn lòng trợ giúp chúng ta. Có rất nhiều bậc hộ trì khác đang tồn tại trong cõi này nhưng do chưa tự siêu việt luân hồi, kẻ thù bên trong chính họ vẫn tiếp tục khuấy động phiền não. Do vậy, dù rất muốn giúp đỡ chúng ta, sự bảo hộ của họ vẫn chưa thể rốt ráo.
Phật tử Drukpa Việt Nam tham gia khóa chuyên tu Nyungne
Chúng ta hiểu rằng, chỉ có Tam Bảo mới là đối tượng quy y rốt ráo: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Thêm vào đó, trong Kim Cương thừa, chúng ta cần quy y bậc Thượng sư giác ngộ. Vì lẽ đó, như đã bàn trong phần trước, chúng ta cần cẩn trọng khi tìm chọn và điều tiên quyết là bậc Thượng sư phải thực sự chứng ngộ. Nếu không, bạn sẽ lầm đường lạc bước và điều này vô cùng nguy hiểm. Sẽ ra sao nếu bậc Thượng sư đó chưa thực sự chứng ngộ, vẫn bị giam cầm bởi bản ngã và tâm còn tràn ngập vô minh phiền não? Làm sao ai đó có thể giúp bạn nếu chính bản thân người đấy còn khốn khó, mông lung?
Có nhiều đệ tử của một vài truyền thống tín ngưỡng thường chọn đối tượng quy y là cây cối, mặt trời, mặt trăng, phiến đá. Ở Nepal, tôi đã từng thấy nhiều người chọn cây cầu làm đối tượng quy y. Khi nhìn thấy cây cầu, họ dừng xe lại, bước xuống và cúi chào. Cách hành lễ này thật buồn cười. Tôi nghĩ không phải họ hướng tới cây cầu, mà thực chất họ đang hướng đến các quỷ thần trú ngụ nơi đấy. Còn rất nhiều chuyện lạ lùng như vậy diễn ra trên thế giới. Dĩ nhiên, theo quan điểm của những người này, cách hành xử như vậy rất bình thường, còn tôi lại thấy thật kỳ cục.
Đối với Phật tử chúng ta, hay nói đúng hơn, đối với những hành giả tâm linh chân chính - không nhất thiết phải theo Đạo Phật - chúng ta cần biết quy y như thế nào, biết đặt sự nương tựa tâm linh vào đâu trên con đường đưa chúng ta tới chân hạnh phúc, trí tuệ và xa rời mọi hiểu biết sai lầm. Chúng ta gọi con đường đó là Pháp Bảo, theo tiếng Phạn là Dharma, song đây cũng chỉ là một cách gọi tên. Theo quan kiến vũ trụ, bạn cần nương tựa vào con đường này chứ không phải vào một cây cầu, con suối, mặt trăng hay mặt trời. Chúng ta nương tựa vào con đường mà mình có thể đi theo thực hành để xóa bỏ vô minh và chứng đạt chân hạnh phúc.
- 1112 reads