Vì sao chúng ta cần mở rộng trái tim? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Vì sao chúng ta cần mở rộng trái tim?

1720
10/02/2020 - 10:33
Thay vì chất chứa những tham muốn, phiền não, hận thù, chúng ta phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Ai cũng cần hiểu điều này, nhất là những hành giả Đại thừa, những người đang thực hành Bồ tát hạnh.
(Trích Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa từ ấn phẩm Sức mạnh Tình yêu thương, do Drukpa Việt Nam biên dịch và phát hành, 2015)
 

Tất cả chúng ta đều bị mắc kẹt và chìm nổi trong vòng quay luân hồi. Đức Phật dạy rằng: “Chúng ta nằm trong vòng khổ luân hồi”. Khổ mà Ngài nhắc tới là vô minh, không nhận ra được bản chất cuộc sống của chính mình. Đức Phật dạy như vậy, nhưng đó cũng là sự trải nghiệm của riêng ta: vô minh là một hình thái khổ đau, luôn đồng hành với chúng ta, đó không phải một chủ đề lý thuyết xa vời mà chính là cuộc sống. Tất cả chúng ta đều đã trải nghiệm những thăng trầm của cuộc sống trong từng phút, từng giờ, từng ngày. Có thể nói chúng ta và mọi loài đều chung một cảnh ngộ.  Vì thế, chúng ta cần trưởng dưỡng lòng yêu thương, tâm từ bi và khả năng đồng cảm thấu hiểu những nỗi khổ đau quanh mình. Đạo Phật, nhất là truyền thống Đại thừa, luôn đề cao và nhấn mạnh tới Bồ đề tâm
 
(Hoạt động cứu trợ người dân Sơn Trạch (Quảng Bình) của CLB Tuổi trẻ Thăng Long (YDA Việt Nam), tháng 10/2016)
 
Chúng ta cần tinh tấn trưởng dưỡng tâm từ bi, hỷ xả, tình yêu thương để giúp đỡ mọi người. Trong chủ đề của thời pháp này, chúng ta sẽ cùng bàn về 37 bảy Phẩm Bồ tát hạnh. Tuy gọi là 37 Phẩm thực hành, song thực tế có vô số thiện hạnh Bồ tát. Bồ tát hạnh chính là sự thực hành yêu thương và từ bi, không huân tập tâm sân giận, vị kỷ, đố kị hay ngã mạn. Đây là Pháp thực hành đối trị những xúc tình phiền não: chúng ta cần đoạn trừ bản ngã, thực hành yêu thương, theo nghĩa phát tâm hoan hỷ vì những điều tốt đẹp của người khác. Ví dụ, nếu ai đó đang thành đạt thì thay vì đố kị, chúng ta cần cảm thấy hoan hỷ như thể chính mình đang ân hưởng thành công ấy.
 

(Hoạt động cứu trợ người dân Sơn Trạch (Quảng Bình) của CLB Tuổi trẻ Thăng Long (YDA Việt Nam), tháng 10/2016)
 
Tương tự, bạn cần mở lòng quảng đại thay vì chất chứa những tham cầu vị kỷ. Chúng ta thường có khuynh hướng tham cầu mọi thứ: “Chiếc xe kia đẹp quá! Mình phải có căn nhà này nữa. Cô gái kia nom thật hấp dẫn: ước gì nàng thuộc về mình…” Cứ thế, chúng ta bị tham muốn dục vọng cuốn đi không ngừng. Để đối trị, bạn cần trưởng dưỡng tâm rộng lượng hào phóng. Việc không có gì để cho đi không quan trọng mà điều quan trọng là bạn hãy biết trải rộng tâm thay vì liên tục bị chi phối, dày vò bởi những tham cầu.
 
(Hoạt động cứu trợ người dân Sơn Trạch (Quảng Bình) của CLB Tuổi trẻ Thăng Long (YDA Việt Nam), tháng 10/2016)
 
Vì sao chúng ta cần mở rộng trái tim? Bất kể trong hoàn cảnh nào, bạn giàu tôi nghèo, tôi cao quý trong khi bạn thấp kém, bất kể sự khác biệt về màu da và ngôn ngữ, không phân biệt chúng ta là ai và làm gì, tất cả đều đang cùng chung một con thuyền: ai cũng phải đến với cuộc đời, trải nghiệm mọi sắc thái, cung bậc thăng trầm, rồi ra đi với đôi bàn tay trắng. Chúng ta cùng sống, cùng nếm trải những vui buồn và khổ đau luân hồi. Vì thế, thay vì chất chứa những tham muốn, phiền não, hận thù, chúng ta phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Ai cũng cần hiểu điều này, nhất là những hành giả Đại thừa, những người đang thực hành Bồ tát hạnh. 
 
 
-------------------------
Bồ đề tâm tiếng Phạn là “Bodhicitta”, trong đó” Bodhi” là “Giác ngộ” còn “citta” là Tâm, ghép lại là Tâm giác ngộ, mang nghĩa trí tuệ hiểu biết thấu triệt toàn vũ trụ. Bồ đề tâm cũng có nghĩa là sự hợp nhất của Từ bi và Trí tuệ. Để chứng đạt Giác ngộ hay Bồ đề tâm tuyệt đối, chúng ta cần thực hành Bồ đề tâm tương đối, bao gồm Bồ đề nguyện và Bồ đề hạnh. Bồ đề nguyện là tâm nguyện quảng đại muốn giải thoát hết thảy chúng sinh và dẫn dắt họ tới giác ngộ. Còn Bồ đề hạnh là sau khi phát Bồ đề nguyện, bạn bắt đầu thực hành Lục độ Ba la mật (bố thí, trì giới, cúng dàng, tinh tấn, nhẫn nhục, trí tuệ) vì lợi ích hết thảy chúng sinh. Sự phát nguyện và thực hành này cần luôn trang bị hai phẩm chất là trí tuệ và tình yêu thương vô điều kiện. Thực hành Bồ đề tâm là nội dung chính yếu của 37 Phẩm Bồ tát hạnh, bản Kinh quan trọng mà Đức Pháp Vương luận giảng trong cuốn sách này.
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,028,490
Số người trực tuyến: