Chuyển hóa các xúc tình tiêu cực | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Chuyển hóa các xúc tình tiêu cực

1217
07/04/2021 - 16:14

“Kim cương thừa nhấn mạnh đến sự chuyển hoá chứ không phải đè nén hay diệt trừ các xúc tình. Thông qua tiến trình này, chúng ta chuyển hoá mục đích ý nghĩa cuộc đời để thực hành các thiện hạnh Bồ tát vì lợi ích bản thân và hết thảy hữu tình. Như thế, ái dục chuyển thành Diệu quan sát trí, sân giận chuyển thành Đại viên cảnh trí, vô minh chuyển thành Pháp giới thể tính trí. Việc thực hành Kim cương thừa là phương tiện vô cùng hiệu quả giúp chúng ta chuyển hoá khổ đau”

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khai thị tại Pháp hội quán đỉnh Liên Hoa Bộ, chùa Phổ Quang, T/p Hồ Chí Minh, tháng 3/2010)

 
 

Trước tiên, tôi xin bày tỏ niềm tri ân sâu sắc tới quý Hòa thượng, Thượng tọa, chư Đại đức Tăng Ni, cùng toàn thể quý vị Phật tử gần xa đã cùng vân tập tới đây. Để bắt đầu, tôi xin được giới thiệu các Rinpoche thuộc Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa đang hiện diện tại Pháp hội. Chúng ta có Đức Nhiếp Chính Vương Kunga Rinpoche ở phía trái tôi. Ngài là hoá thân của một bậc Thượng sư Kim cương thừa vĩ đại trên dãy Himalaya. Trong Hiển giáo không có truyền thống đi tìm hoá thân của các bậc Thầy, còn trong Kim cương thừa, chúng tôi có truyền thống này. Xuất phát từ tâm nguyện vị tha và Bồ đề nguyện vô tận, các bậc Thượng sư chủ định hóa thân chuyển thế trong cõi luân hồi với mục đích đem đến niềm an vui chân thật cho tất cả hữu tình và đánh thức tiềm năng tâm linh vốn sẵn đủ từ bi và trí tuệ nơi mỗi người. Chừng nào chúng sinh còn trầm luân trong biển khổ luân hồi, các Ngài còn không ngừng thị hiện các Ứng Hóa thân để tận độ giải thoát. Đây là những yếu tố giúp duy trì mạng mạch Truyền thừa và lợi ích cho sự phát triển Phật pháp. Kế đến tôi xin hân hạnh giới thiệu Ngài Drubpon Ngawang Tenzin, một bậc Thành tựu giả về Thiền định và là đại diện của Truyền thừa Drukpa tại các quốc gia ở châu Âu. Nhờ duyên lành, chúng ta cùng hạnh ngộ các Ngài trong Pháp hội ngày hôm nay.

 

Tiếp theo, tôi xin giới thiệu ngắn gọn về Truyền thừa Drukpa, một truyền thống Phật giáo được trao truyền không gián đoạn từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni qua các bậc Thượng sư giác ngộ tới tận ngày nay. Truyền thừa được khai sáng bởi Đức Pháp Vương Tsangpa Gyare (1161 - 1211). Ngài là hoá thân của Đức Naropa, bậc siêu việt phi thường trong số 84 Đại thành tựu giả trứ danh của lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Truyền thừa Drukpa là Truyền thừa của các hành giả thực hành, với sự chứng ngộ thiền định và dòng pháp mạch được trì giữ trao truyền từ thời Đức Phật. Nguồn Pháp mạch quý giá này được truyền xuống theo con đường khẩu truyền và trì giữ bởi chư Thượng sư giác ngộ, các bậc xuất gia và cả những hành giả Yogi, những Phật tử tại gia có tín tâm thanh tịnh.

 

Dù thuộc truyền thống Kim cương thừa nhưng về pháp môn tu tập, Truyền thừa Drukpa lại kết hợp tinh túy của cả ba Thừa. Trên thực tế, Kim cương thừa không thể tồn tại nếu thiếu nền tảng Đại thừa. Đại thừa lại không thể tồn tại nếu không có Nguyên thủy Phật giáo. Cho nên mỗi Thừa trong ba Thừa không thể tồn tại riêng biệt mà phải kết hợp cùng nhau. Dù tu tập theo bất kỳ truyền thừa nào, bạn cũng cần kết hợp sự thực hành của cả Tam thừa Phật giáo.

 
 
 

Chúng tôi được biết truyền thống Đại thừa và Nguyên thủy Phật giáo được hoằng truyền mạnh mẽ tại đất nước các bạn. Nguyên thủy Phật giáo ban đầu được Đức Phật thuyết giảng tại Varanasi Ấn Độ, song ngày nay nếu đến đây, chúng ta lại không thấy nhiều dấu tích Phật giáo. Đây quả là điều đáng buồn và vì thế chúng ta cần nỗ lực trì giữ và hoằng truyền giáo pháp trân quý của Đức Phật. Để làm được điều này, sự thực hành và hoằng dương Phật pháp là rất quan trọng vì đây là hai nền tảng thiết yếu để duy trì Phật pháp trường tồn vì lợi ích hết thảy hữu tình. Chúng ta cần biết rằng đạo Phật không ép buộc mọi người cải đạo vì quan kiến Phật giáo là sống hòa bình trong sự hiểu biết, tôn trọng chân lý vũ trụ và nền tảng tâm linh không phân biệt tôn giáo. Đó là lý do vì sao đạo Phật từng phát triển rất tự nhiên tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Myanma,... Với bề dày lịch sử Phật giáo hơn hai nghìn năm, người dân Việt Nam dĩ nhiên có vai trò quan trọng trong việc trì giữ và hoằng truyền thông điệp từ bi và trí tuệ của Đức Phật.

 

Tới đây, tôi xin chia sẻ thêm nét đặc trưng của Tam thừa Phật giáo. Tinh túy Nguyên thủy Phật giáo là Tứ Diệu Đế. Giáo pháp này được Đức Phật tuyên thuyết ở vườn Lộc Uyển nhằm chỉ ra bốn chân lý cao quý: Khổ đế (khổ đau của thế giới), Tập đế (nguyên nhân của sự đau khổ), Diệt đế (sự giải thoát) và Đạo đế (con đường dẫn đến giải thoát). Bốn chân lý này rất dễ hiểu, là nền tảng tri thức căn bản mà hành giả Phật giáo phải quán chiếu thực hành. Trong giáo lý Đại thừa và đặc biệt là Kim cương thừa, bốn chân lý này được luận giải một cách sâu xa, theo đó các xúc tình phiền não như vô minh, tham dục, kiêu mạn, tật đố,[1]... đều là tác nhân dẫn đến khổ đau luân hồi. Đặc biệt, vô minh là cội nguồn của xúc tình tiêu cực. Do vô minh che chướng, chúng ta không hiểu được bí mật của vạn pháp mà thường bám chấp mạnh mẽ vào những gì bề ngoài mình thấy, nghe. Kết quả là tâm rồi thân đau khổ khiến chúng ta phiền não, ốm đau... Để hóa giải, chúng ta cần giảm bớt sự tin tưởng vào những gì mình nghe, thấy và nên quán chiếu đó chỉ là những hình ảnh hay âm thanh do tâm ta tự biến ra. Hãy để những hình ảnh hay âm thanh đó hòa tan trong trí tuệ tính không. Đây là giáo pháp vô cùng sâu sắc của Đức Phật, là giáo lý căn bản của Đại thừa và Kim cương thừa.

 

Trên thế giới có rất nhiều người tin rằng mọi khổ đau hay hạnh phúc của con người đều bắt nguồn từ một Đấng Sáng tạo. Đạo Phật không tin như thế mà tin vào Nghiệp và quy luật nhân quả. “Nhân” của khổ đau là tham, sân, si dẫn đến “quả” là cõi luân hồi thống khổ. Chúng ta không thể trốn chạy khỏi nhân quả mình đã tạo ra vì thế hãy thận trọng trong mọi hành động Thân - Khẩu - Ý. Đức Phật Thích Ca dạy rằng sứ mệnh của Ngài là chỉ ra con đường chấm dứt khổ đau, giúp chúng ta trở thành người hạnh phúc. Chúng ta phải tự có trách nhiệm với nhân quả của chính mình và sẽ không thể nương tựa vào bất kỳ ai khác. Giáo pháp hay chân lý vũ trụ mà Đức Phật đã chỉ bày là con đường chân chính duy nhất mà chúng ta nên nương theo.

 
 

Bạn cũng hoàn toàn tự do lựa chọn phương thức tu tập thích hợp theo con đường Nguyên thủy, Đại thừa hay Kim cương thừa để giải thoát chấm dứt khổ đau. Thuật ngữ Phật giáo gọi tự do tạm thời là Tục đế và tự do tuyệt đối là Chân đế. Thế giới này có rất nhiều sự thật tương đối và sự thật tuyệt đối. Tương đối tức là cần hiểu làm thế nào để sống tự do, an lạc ngay tại thế giới vật chất này. Tuyệt đối nghĩa là làm thế nào để giải thoát vĩnh viễn khỏi khổ đau và nhân đau khổ.

 

Giáo lý Kim cương thừa sử dụng phương tiện thiện xảo để trực tiếp chuyển hoá tất cả xúc tình tiêu cực như giận dữ, ái dục, vô minh, tật đố thành trí tuệ. Phương tiện thiện xảo này được thể hiện trong các giáo pháp quán đỉnh, ví như hôm nay chúng ta có quán đỉnh A Di Đà và quán đỉnh Quan Âm. Trong Kim cương thừa, pháp tu A Di Đà thực chất là một phương pháp thực hành nhằm chuyển hoá ái dục. Ái dục thiêu đốt cuộc sống rất mạnh mẽ, khiến chúng ta ham muốn đủ mọi thứ, từ tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, tiện nghi,... Sự ham muốn tự nó đã gây khổ đau, song nếu quán chiếu một cách trí tuệ, bạn sẽ hiểu rằng năng lượng tham ái này cần được chuyển hoá. Nếu loại bỏ tham dục, bạn sẽ trở nên khô khan, thiếu sinh lực như một cây gỗ mục. Bởi thế, chúng ta cần pháp tu A Di Đà để giúp chuyển hoá ái dục. Đây là phương tiện thiện xảo đặc trưng của Kim cương thừa.

 

Thực tế là thế giới này đang vận hành theo năng lượng của tham ái. Nếu loại bỏ ái dục thì mặt tích cực của năng lượng này cũng mất, bạn sẽ không yêu thương người khác, không còn tâm muốn giúp đỡ mọi người. Do đó, ái dục cần phải được chuyển hoá và sử dụng một cách đúng đắn. Hiện tại chúng ta chưa biết cách chuyển hoá ái dục vì chưa có sự gia trì của chư Phật, Bồ tát. Khi thiếu trí tuệ và năng lượng tích cực của tình yêu thương, các xúc tình tiêu cực sẽ dẫn tới vô vàn rắc rối khổ đau. Năng lượng ái dục một khi được chuyển hóa thành trí tuệ sẽ có thể trợ giúp cho những mục đích tốt, lợi ích cho sự nghiệp giải thoát cứu độ chúng sinh. Còn nếu không, chúng ta sẽ làm nô lệ cho ái dục và sẽ tạo rất nhiều ác nghiệp. Tương tự, sân giận cũng cần được kiểm soát và chuyển hoá nhờ vào sự thực hành. Hiện nay, sân giận đang như một vị vua và chúng ta như những kẻ nô lệ. Những xúc tình như sân giận, ái dục, tật đố, vô minh thống trị toàn bộ cuộc đời, dẫn dắt chúng ta vào những lầm lạc và hành động bất thiện nghiệp. Bởi thế, chúng ta cần học cách nhận diện, kiểm soát, chuyển hóa và làm chủ những xúc tình này.

 

Như thế, Kim cương thừa nhấn mạnh đến sự chuyển hoá chứ không phải đè nén hay nuôi dưỡng các xúc tình. Sự thực hành này không hướng tới việc thờ cúng đối tượng bên ngoài mà là tiến trình chuyển hóa các xúc tình tiêu cực nơi tự thân. Thông qua tiến trình này, chúng ta chuyển hoá mục đích ý nghĩa cuộc đời để thực hành các thiện hạnh Bồ tát vì lợi ích bản thân và hết thảy hữu tình. Điều đó cũng như thông qua việc phát Bồ đề tâm, chúng ta trưởng dưỡng tình yêu thương và chuyển hoá các xúc tình tiêu cực thành trí tuệ minh triết. Như thế, ái dục chuyển thành Diệu quan sát trí, sân giận chuyển thành Đại viên cảnh trí, vô minh chuyển thành Pháp giới thể tính trí. Việc thực hành Kim cương thừa là phương tiện vô cùng hiệu quả giúp chúng ta chuyển hoá khổ đau.

 
 

Đức Phật Thích Ca dạy rằng: Luân hồi hay Niết bàn chỉ là vấn đề vô minh hay trí tuệ. Vô minh tạo ra luân hồi, trí tuệ dẫn tới Niết bàn. Giáo lý Kim cương thừa cũng dạy rằng trí tuệ vốn sẵn có từ vô thủy, chỉ vì không nhận ra nên chúng ta sử dụng sai lệch nguồn năng lượng này thành các xúc tình dẫn đến khổ đau đọa lạc. Bởi thế, chúng ta cần trưởng dưỡng Đức Phật bên trong để có thể tự tạo hạnh phúc cho chính mình mà không lệ thuộc vào bất kỳ thế lực nào khác bên ngoài. Là những hành giả Kim cương thừa, chúng ta cần tin tưởng mình có thể chuyển hoá năng lượng của ái dục thành suối nguồn của hạnh phúc an lạc. Cùng với niềm tin như vậy, chúng ta cần thực hành các phương tiện thiện xảo khác của Kim cương thừa như quán tưởng, thực hành trì tụng chân ngôn, kết Mật ấn, tư thế thiền định. Hàng trăm phương tiện thiện xảo của Kim cương thừa đều có cùng mục đích chuyển hóa này.

 

Trong khi Nguyên thủy Phật giáo chú trọng nhiều đến Đức Phật lịch sử, và Đại thừa Phật giáo ngoài Đức Phật Thích Ca còn nhắc đến mười phương ba đời chư Phật, Bồ tát, thì giáo lý Kim cương thừa dẫn nhập chúng ta vào thế giới của vô số chư Phật, Bồ tát. Các Ngài thị hiện dưới hiện tướng của các vị Bản tôn Phụ tính, Mẫu tính, các bậc Không Hành, Không Hành Mẫu, chư Bồ tát Thiện thần, Kim cương Hộ pháp. Vì tâm có hàng ngàn khía cạnh như giận dữ, vui vẻ, đố kỵ,... nên Kim cương thừa cũng có hàng ngàn chư Phật Bồ tát. Các Ngài thị hiện trong các sắc thân xanh, trắng, lục, đỏ,... với thế ấn, hình tướng uy mãnh, an bình khác nhau. Mỗi Ngài đều là đối tượng thiền định quán tưởng giúp chúng ta chuyển hóa xúc tình tiêu cực, trở về bản chất Như lai tạng. Thông qua các thực hành này, sự chuyển hoá sẽ diễn ra và khi sự chuyển hoá diễn ra, thì đó là giác ngộ. Sự giác ngộ này đồng với sự giác ngộ được nói đến trong Nguyên thủy hay Đại thừa, chỉ có cách thức phương tiện là khác.

 

Như thế, thế giới chư Phật, Bồ tát của Kim cương thừa tượng trưng cho sự chuyển hóa các xúc tình tiêu cực trong tâm chúng ta. Hình tướng của chư Phật, Bồ tát chính là sự phóng chiếu của tâm bạn. Trong Kim cương thừa có bậc Kim cương Hộ pháp Mahakala với pháp tướng cực kỳ phẫn nộ và sắc thân màu đen. Nếu gọi Ngài là Phật chắc bạn không thể tin nổi vì trông Ngài rất uy mãnh khác với hình ảnh an bình của các vị Phật mà bạn đã biết. Đức Thắng Lạc Kim Cương, Lục Độ Phật Mẫu, Bạch Độ Mẫu, Kim Cương Hợi Mẫu,...cũng vậy. Tất cả các Ngài đều là Phật. Các Ngài thị hiện trong những tư thế và hình ảnh khác nhau để thể hiện cho các khía cạnh tâm. Giống như khi giận dữ thì mặt bạn xấu xí, khi vui thì hoan hỷ tươi tắn và khi buồn lại ủ dột nặng nề. Tất cả những bộ mặt đó đều là sự phản chiếu của tâm bạn. Chúng ta phải hiểu rằng chư Phật, Bồ tát là hiện thân hay là sự phản chiếu của các loại xúc tình khác nhau nơi tâm mỗi người.

 
 

Đây chính là lợi ích lớn lao của sự thực hành Kim cương thừa. Hành giả Kim cương thừa chuyển hóa phàm thân thành Phật thân, không từ chối giai điệu thế gian mà chuyển hóa chúng thành âm thanh chân ngôn, biến ý nghĩ tư tưởng nhị nguyên thành sự thiền định Đại Thủ Ấn. Trong nghi thức Mật thừa, chúng ta sử dụng các nhạc khí để trợ giúp cho sự thiền định, chứ không phải để vui theo giai điệu trầm bổng. Như vậy tinh túy Kim cương thừa là chuyển hoá Thân - Khẩu - Ý phàm thành Thân - Khẩu - Ý giác ngộ. Mặc dù trên góc độ phương tiện thiện xảo Kim cương thừa có đặc biệt hơn, nhưng bạn cần nhớ bản chất Tam Thừa Phật giáo không khác biệt, vì đều có cùng một mục đích là chứng ngộ tự tính tâm.

 

Trong Kim cương thừa bạn có thể nhìn thấy các pháp khí, biểu tượng khác nhau. Ví dụ cặp chày và linh Kim cương đều là những pháp khí quan trọng có ý nghĩa biểu trưng riêng. Chày Kim cương nêu biểu năng lượng Phụ tính còn linh Kim cương nêu biểu năng lượng Mẫu tính. Cả hai năng lượng này đều vốn ở trong tâm chúng ta từ vô thủy, là căn bản sinh khởi tất cả các loại xúc tình. Việc sử dụng hai pháp khí này có rất nhiều ý nghĩa, giúp bạn hiểu về thiền định và hướng sự thiền định của bạn tập trung vào trạng thái tâm mà không lạc lối. Dần dần, bạn sẽ cân bằng được hai năng lượng này và sự thực hành của bạn sẽ thành tựu viên mãn. Bạn sẽ có thể loại bỏ các chướng ngại và chứng đạt giác ngộ. Xin hãy cùng ghi nhớ và hiểu rõ những đặc điểm này và đó là những gì hôm nay chúng ta có thể cùng nhau chia sẻ.

 

(Trích ấn phẩm "Mandala - Sự hợp nhất từ bi và trí tuệ theo quan kiến Kim cương thừa" giới thiệu các kỳ Pháp hội Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn tại Việt Nam qua các năm cùng tập hợp các giáo Pháp tôn quý được Đức Pháp Vương chia sẻ trong những kỳ Pháp hội này, Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành)
File âm thanh

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,130,037
Số người trực tuyến: