Bạn đang ở đây
Thượng sư là hiện thân của tất cả phẩm hạnh giác ngộ
“Căn bản Thượng sư tượng trưng cho cả ba ngôi Tam Bảo. Thân Ngài là Tăng bảo, lời Ngài là Pháp bảo, tâm Ngài là Phật bảo. Thượng sư là hiện thân của tất cả thành tựu, tri thức và tất cả sự giác ngộ. Hình tướng bên ngoài của Thượng sư rất quan trọng nhưng điều quan trọng nhất bạn cần hiểu đó là Thượng sư biểu trưng cho những phẩm hạnh giác ngộ”
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khai thị tại Pháp hội quán đỉnh Đức Liên Hoa Sinh Guru Padmasambava, giảng về Guru Yoga, Quan Âm Tu Viện, Quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, tháng 3/2010)
Lời đầu tiên, tôi xin chân thành gửi lời chào đến tất cả chư Đại đức Tăng Ni và quý Phật tử. Mong nguyện tất cả chúng ta đều đón nhận sự gia trì từ Tam Bảo. Chương trình khóa lễ buổi sáng nay bắt đầu với phần Quy y, kế đến là Quán đỉnh Thượng sư Liên Hoa Sinh. Tôi cũng sẽ giảng về phần thực hành Guru Yoga (Thượng sư tương ưng pháp). Đây là pháp tu quan trọng nhất trong Kim cương thừa.
Trước tiên là phần Quy y: Chắc tất cả mọi người đều biết rõ nghĩa chung của Quy y ba ngôi Tam Bảo là Phật - Pháp - Tăng. Trong quan kiến Kim cương thừa, khi nói đến Quy y Phật thì đối tượng quy y không chỉ là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà còn là Đức Phật bên trong mỗi chúng ta, còn gọi là tự tính Phật, tự tính tâm, Như Lai Tạng, hay còn gọi là Đức Phật tuyệt đối. Dù Đức Phật Thích Ca là đối tượng chính yếu của Quy y, nhưng mục đích cuối cùng vẫn phải trở về nương tựa vào Đức Phật Nguyên thủy trong tâm chúng ta. Đó là Phật tính mà chúng ta cần quay về nương tựa.
Khi nói đến Quy y Pháp thì trước tiên chúng ta muốn đề cập đến Pháp bảo Tôn quý mà Đức Phật Thích Ca đã truyền dạy. Giáo pháp đó chính là sự phản ánh các quy luật của cuộc sống. Như vậy, thực tế đời sống, những biến đổi thăng trầm của thân - tâm - cảnh sẽ là những Pháp bảo thiết thực giúp chúng ta giác ngộ. Tuy nhiên giáo pháp căn bản chúng ta cần thực tập chính là Giới nguyện. Giới nguyện là phần quan trọng nhất, cần phải thực hành khi Quy y Pháp.
Trong Kim cương thừa, đối tượng của Quy y Tăng là Tăng già. Khác với các Thừa khác, khái niệm Tăng già trong Kim cương thừa bao gồm tất cả hành giả thực hành Phật pháp một cách chân thành nghiêm túc. Như vậy khi quy y, chúng ta hiểu rằng mình đang nhận được sự gia trì từ Phật, Pháp, Tăng hay phát nguyện theo con đường cao quý của Đức Phật Thế Tôn.
Giáo lý Kim cương thừa nhấn mạnh Quy y Kim Cương Thượng sư, coi đây là đối tượng quy y quan trọng nhất. Thượng sư theo tiếng Phạn gọi là “Guru”. Danh từ “Guru” là hợp âm của hai từ “Guna” - sự hợp nhất và “Rupa” - sự thành tựu. Như vậy, “Guru” có nghĩa là tất cả sự thành tựu cùng hợp nhất trong Căn Bản Thượng sư, là bậc Thầy linh thiêng tôn quý, hiện thân của tất cả phẩm hạnh giác ngộ. Một bậc Căn Bản Thượng sư cần phải có sự thành tựu trong các pháp tu tập của cả Nguyên thủy Phật giáo, Đại thừa và Kim cương thừa. Trên thực tế, sự hướng đạo của Thượng sư sẽ giúp chúng ta tiếp cận và thụ nhận các lợi ích quý giá của Tam Bảo. Ngài chính là đại diện của Tăng già, là bậc giác ngộ trong hình tướng Tăng già. Căn bản Thượng sư tượng trưng cho ba ngôi Tam Bảo. Thân Ngài là Tăng bảo, lời Ngài là Pháp bảo, tâm Ngài là Phật bảo. Thượng sư còn là hiện thân của tất cả sự thành tựu, tất cả tri thức và tất cả sự giác ngộ. Đó là nghĩa của Căn bản Thượng sư.
Hôm nay tôi sẽ hướng dẫn quý vị thực hành pháp tu Thượng sư Liên Hoa Sinh. Đức Liên Hoa Sinh thành tựu hợp nhất cả Nguyên thủy, Đại thừa và Kim cương thừa. Ngài được tôn xưng là Guru Padmasambhava hay Guru Rinpoche, bậc Thượng sư tối tôn kính. Kinh điển dạy rằng đức Guru Rinpoche cùng Đức Phật Thích Ca và Đức Quan Âm là đồng một thể. Chính Đức Phật Thích Ca đã từng huyền ký rõ ràng rằng Ngài sẽ hoá thân trở lại trong hình tướng của Thượng sư Liên Hoa Sinh. Bề ngoài Ngài hiện tướng là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, về mặt thế gian Ngài hiện tướng Đức Quan Âm - hiện thân của từ bi và trí tuệ, và đặc biệt trong Kim cương thừa, Ngài hiện thân là Guru Padmasambhava. Thượng sư Liên Hoa Sinh có rất nhiều hoá thân, như ba hoá thân, tám hoá thân hoặc một trăm hoá thân,... song tựu chung, Ngài là hiện thân tinh túy của tất cả mười phương chư Phật, Bồ tát, Daka, Dakini. Thông qua sự thực hành pháp Guru Padmasambhava, chúng ta thực hành pháp của tất cả chư Phật, chư Bồ tát cùng một lúc. Bởi vậy chúng ta hãy nương theo Ngài - một bậc Thượng sư đã chứng đạt giác ngộ tối thượng.
Mỗi hình tướng hoá thân của Thượng sư Liên Hoa Sinh đều có các thế ấn, màu sắc đặc trưng. Chúng ta cần phải biết hình tướng bên ngoài của Ngài vì việc quán tưởng vô cùng quan trọng, nhưng hình tướng bên ngoài chưa phải là quan trọng nhất. Quan trọng nhất là bạn phải hiểu được Thượng sư nêu biểu cho những phẩm hạnh giác ngộ!
Tiếp đến tôi sẽ truyền Lung (khẩu truyền) và Wang (quán đỉnh) cho các bạn. Để có thể đón nhận khẩu truyền, bạn hãy định tâm lắng nghe với tất cả tâm chí thành và lặp lại những gì tôi sẽ trì tụng. Tiếp theo đó là phần truyền quán đỉnh. Sau khi đã thụ nhận quán đỉnh, bạn có thể thực hành nghi quỹ này. Nếu không, bạn chưa được phép thực hành thiền định sâu mà chỉ có thể được trì tụng. Và nếu chưa thụ nhận quán đỉnh thì dù thực hành, bạn cũng không thể ân hưởng sự gia trì một cách trọn vẹn.
Nghi quỹ Thượng sư Liên Hoa Sinh mà tôi vừa khẩu truyền được truyền trao từ chính Thượng sư Liên Hoa Sinh. Trong một khoảng thời gian dài, nghi quỹ này được cất giấu một cách bí mật và chỉ gần đây mới được một Đại Thượng sư khám phá. Tiếp đến, Ngài đã truyền trao Mật pháp Yangti và tôi đã thụ nhận trực tiếp nghi quỹ này từ Hoá thân của Ngài. Bậc Hóa thân này là một bậc Thầy của tôi và hiện Ngài vẫn đang tại thế. Chính Ngài đã truyền trao phương pháp này và thỉnh cầu tôi giới thiệu nghi quỹ này rộng khắp. Ngài tiên đoán rằng Pháp tu này sẽ lợi ích cho vô số chúng hữu tình. Đây là lần đầu tiên tôi truyền trao nghi quỹ Yangti tại Việt Nam.
Khi thực hành nghi quỹ đặc biệt này, trước hết bạn quán tưởng tự thân là Thượng sư Đức Liên Hoa Sinh, tay phải Ngài cầm chày Kim cương an trí trước luân xa tim, tay trái trong tư thế thiền định, trì giữ bát sọ Pháp khí tràn đầy cam lộ, trên đó là bình Trường thọ. Ngài an tọa trong tư thế Kim cương và tựa trên vai trái của Ngài là pháp khí chĩa ba Kim Cương.
Bạn quán tưởng Bồ Tát Quan Âm an trụ nơi tim của Thượng sư Liên Hoa sinh vì mục đích của Pháp thực hành Guru Padmasambhva cũng là khai triển tâm Bồ đề. Sau khi thực hành sâu hơn nữa, bạn sẽ quán tưởng Đức Phật A Di Đà an trụ nơi tim của Đức Quan Âm. Điều này biểu trưng cho mục đích chính của nghi quỹ Liên Hoa Sinh, hay sự chứng ngộ pháp tu này chính là chứng đạt Pháp thân Phật, tức là Đức Phật A Di Đà Bản lai.
Tôi đã vừa truyền quán đỉnh, tiếp đến là khẩu truyền Guru Yoga Thượng sư tương ưng pháp. Để thực hành Kim cương thừa, trước hết hành giả phải thiết lập nhịp cầu nối với Thượng sư. Guru Yoga có nghĩa là hành động, thực hành kết nối tâm hành giả với tâm giác ngộ của Thượng sư. Trong pháp tu này hành giả cần quán tự thân là đức Kim Cương Hợi Mẫu Vajra Varahi, nhưng hiện nay bạn chưa thụ nhận quán đỉnh Vajra Varahi, nên trước mắt hãy chỉ quán tưởng trên hư không trước mặt là đức Liên Hoa Sinh bất khả phân với bậc Thượng sư của bạn.
Chúng ta tiếp tục tới Bảy lời cầu nguyện. Tôi sẽ khẩu truyền phần này cho các bạn bởi đây là phần chính của Guru Yoga mà bạn phải thực hành. Bạn nên trì niệm Bảy lời cầu nguyện này nhiều lần, thậm chí phải thực hành hàng trăm ngàn lần để có thể hiểu sâu được ý nghĩa bên trong của Guru. Hãy luôn nhớ rằng dù đã được khẩu truyền nhưng chúng ta phải thực hành mới có thể thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa của nghi quỹ.
Bảy lời cầu nguyện lên Đức Liên Hoa Sinh
Hung/ Orgyen Yulgyi Nubjang Tsham/
Hung! Xứ Orgen cõi thiêng Tây Bắc
Padma Gesar Dongpo La/
Đản sinh trong nhị đóa hoa sen
Ya Tshen Chogki Ngoedrub Nye/
Diệu kỳ thành tựu đã nên
Padma Djungne Zhesu Trag/
Liên Hoa Sinh đấy là danh gọi Thầy
Khortu Khadro Mangpoe Kor/
Không Hành Mẫu thường hằng vi nhiễu
Khyed Kyi Djesu Dagdrub Kyi/
Con theo Thầy từng bước chân tu
Jin Gyi Labchhir Shegsu Sol/
Xin Thầy rộng mở lòng từ
Giáng lâm ban phúc gia trì trong con!
Guru Padma Siddhi Hung!
Bằng việc trì tụng Bảy lời cầu nguyện với tâm chí thành, bạn có thể triệu thỉnh được Thượng sư Liên Hoa Sinh. Đây là phần cầu nguyện hay lời triệu thỉnh bằng uy lực mạnh mẽ nhất của nghi quỹ, với mục đích thỉnh cầu Ngài giáng lâm. Thông qua pháp thực hành này, nhiều Thượng sư đã thành tựu nhiều điều phi thường, thậm chí đã kết nối, nói chuyện và thỉnh cầu Ngài thị hiện, giúp khiển trừ chướng ngại và ban truyền giáo pháp siêu việt. Thực sự có rất nhiều câu chuyện phi thường về sự gia trì cảm ứng từ Đức Liên Hoa Sinh sau khi các hành giả nhất tâm thực hành trì tụng “Bảy lời cầu nguyện”. Đây không phải bài cầu nguyện thông thường như chúng ta thường tụng, cũng không phải do các bậc Thầy viết lên, mà đây là những lời cầu nguyện do các Dakini viết ra để triệu thỉnh Ngài. Bởi vậy, những lời cầu nguyện triệu thỉnh này chứa đầy uy lực mạnh mẽ.
Như vậy bây giờ bạn đã được thụ nhận Quán đỉnh khẩu truyền về pháp thực hành Thượng sư Liên Hoa Sinh. Hãy nhất tâm thực hành đủ số biến thành tựu của Bảy lời cầu nguyện để có thể viên mãn phần tu trì Thượng sư Liên Hoa Sinh trong pháp tu Guru Yoga. Cuối cùng, các bạn phải tập trung trì câu chân ngôn “Om Ah Hung Bendza Guru Padma Siddhi Hung”, câu tâm chú vô cùng thù thắng của Đức Liên Hoa Sinh.
Tôi đã giảng xong giáo pháp về phần tu Liên Hoa Sinh. Từ ngay giây phút này, chúng ta không nên lãng phí cơ hội và thời gian quý báu của đời người, không nên luống uổng phúc duyên hy hữu được hạnh ngộ Phật pháp. Hãy biết tận dụng thời gian quý báu cho việc thực hành giáo pháp nhiệm màu và học cách sống làm sao có ý nghĩa để mang lại lợi ích cho tất cả hữu tình.
Thay mặt Tăng đoàn Truyền thừa, tôi muốn gửi lời tri ân tới các cấp chính quyền, Thành hội Phật giáo Hà Nội và Ban tổ chức đã mời tôi tới đây để chúng ta có cơ hội chia sẻ giáo pháp. Xin gửi tới các bạn lời chúc nguyện cát tường, bình an!
(Trích ấn phẩm "Mandala - Sự hợp nhất từ bi và trí tuệ theo quan kiến Kim cương thừa" giới thiệu các kỳ Pháp hội Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn tại Việt Nam qua các năm cùng tập hợp các giáo Pháp tôn quý được Ngài chia sẻ trong những kỳ Pháp hội này, Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành)
- 2482 reads