Bạn đang ở đây
Thực hành quy y với trí tuệ hiểu biết
“Thực hành quy y là trưởng dưỡng, vun bồi những thiện hạnh tích cực được dẫn dắt bởi trí tuệ thay vì những hành vi tiêu cực do vô minh đem lại. Bồ đề tâm chính là dẹp bỏ tâm ích kỷ chật hẹp để có thể rộng mở lòng mình, chan trải lòng bi mẫn đến mọi người, mọi loài”
~ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khai thị tại Tịnh Thất Tây Thiên, Vĩnh Phúc, tháng 11/2011
Thangka Đức Bạch Độ Phật Mẫu Tara
Động cơ chân chính của Quy y cần dựa trên nền tảng hiểu biết về luân hồi hay bản chất khổ đau của cuộc sống. Là Phật tử, trước tiên chúng ta phải hiểu biết sâu sắc về chân lý này, đó là một trong Tứ Diệu Đế, cốt tuỷ giáo pháp của Đức Phật cũng như Tam thừa Phật giáo, được tuyên thuyết trong lần chuyển Pháp luân đầu tiên ngay sau khi Ngài thành đạo.
Ở một khía cạnh khác, Quy y phải được xem như sự phát triển nhận thức của người thực hành quy y và được thực hiện với trí tuệ hiểu biết, những hành động cụ thể thay vì lý thuyết suông, thờ cúng hay tin tưởng mù quáng.
Thực hành quy y là trưởng dưỡng, vun bồi những thiện hạnh tích cực được dẫn dắt bởi trí tuệ thay vì những hành vi tiêu cực do vô minh đem lại. Người thực hành quy y không làm tổn hại bất cứ ai, dù là loài vật, cỏ cây hay mọi loài chúng sinh.
Đối tượng của quy y là Tam Bảo Phật, Pháp và Tăng. Quy y Phật là phát nguyện nương tựa vào giáo pháp của Đức Phật, thực hành theo những lời Đức Phật dạy, noi theo con đường Ngài đã đi. Quy y Pháp là phát nguyện không làm tổn hại đến tất cả chúng sinh, cho dù hữu tình hay vô tình. Quy y Tăng là nương tựa vào và noi theo Tăng già, những người giữ tâm thanh tịnh, thực hành những thiện hạnh lợi ích hết thảy chúng sinh. Dù chúng ta chưa mang hình tướng xuất gia nhưng khi thực hành các thiện hạnh như vậy, chúng ta cũng là một phần của Tăng già.
Đối với hành giả Kim cương thừa, sau khi quy y, chúng ta cần phát Bồ đề tâm. Bồ đề tâm theo tiếng Phạn có nghĩa là tâm giác ngộ. Thông thường, cái tôi được đề cao quá mức khiến chúng ta ngày càng thêm mê mờ. Tâm hẹp hòi, chấp ngã là căn nguyên của mọi cảm xúc tiêu cực như tham lam, sân giận, ganh ghét,... dẫn đến vô số khổ đau, phiền não và bệnh tật. Phát Bồ đề tâm chính là dẹp bỏ tâm ích kỷ chật hẹp và rộng mở tấm lòng, ban trải tình yêu thương đến mọi người, mọi loài.
Đại thừa Phật giáo Mahayana mang nghĩa là cỗ xe lớn hay trái tim lớn, vì “yana” còn có nghĩa là “trái tim”. Bởi vậy, trưởng dưỡng Bồ đề tâm là phương pháp thực hành căn bản của Đại thừa Phật giáo. Việc thấu hiểu và trưởng dưỡng nền tảng căn bản của Đại thừa Phật giáo sẽ giúp chúng ta tu tập và phát triển cả Nguyên thủy Phật giáo và Kim Cương thừa Phật giáo.
Căn bản của Bồ đề tâm cần được chuyển hóa thành những hành động thiết thực và cần được thực hiện trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn như tập ăn chay và học cách quan tâm đến sự sống của những loài khác, chính niệm, tỉnh thức trong mọi hành động thân khẩu ý để luôn luôn hộ mạng cho các loài chúng sinh.
Tất cả chúng ta đều bình đẳng với nhau trong việc thực hành tu tập Phật pháp, dù là xuất gia hay tại gia. Không nên cho rằng những thực hành này chỉ dành cho bậc xuất gia như bậc Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, còn Phật tử tại gia thì không thể. Điểm khác biệt duy nhất là người xuất gia đã xả ly hoàn toàn các pháp thế gian nên có thể chuyên tâm vào tu tập trong khi người tại gia còn nhiều trói buộc, vướng bận phàm tình. Tuy vậy, chỉ cần dành trọn năng lượng, tâm lực của mình, chúng ta có thể thực hành bất cứ pháp tu tập nào mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy.
Tất cả chúng ta hàng xuất gia hay Phật tử tại gia đều có quyền và đồng thời có nghĩa vụ chăm sóc bảo tồn thiên nhiên, phụng sự dân tộc và nhân loại cũng như mọi chúng sinh. Đây là thông điệp căn bản nhất của Bồ đề tâm. Việc phát Bồ đề tâm không phải là đọc lại một cách vô cảm những lời khẩu truyền của các bậc Thầy, mà điều quan trọng là mọi người phải phát Bồ đề tâm từ trong sâu thẳm trái tim mình.
- 1567 reads