Trở lại cội nguồn tình yêu thương | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Trở lại cội nguồn tình yêu thương

838
02/03/2017 - 23:43

“Người dân Việt Nam có nguồn gốc Phật pháp từ rất lâu. Vì vậy, tôi tha thiết mong mỏi mọi người hãy trở lại cội nguồn tình yêu thương, nhận ra ý nghĩa đích thực của đạo Phật để đưa vào cuộc sống, áp dụng thực hành ngay trong hiện tại để trải rộng tình thương yêu, đem tới hạnh phúc an bình cho xã hội và muôn loài”

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khai thị tại Pháp hội quán đỉnh Đức Quan Âm, chùa Quan Âm, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, tháng 4/2010)



 

Lời đầu tiên, tôi xin chân thành cảm niệm công đức của Ban tổ chức đã thỉnh mời tôi và Tăng đoàn Truyền thừa tới đây chia sẻ Phật pháp. Đây là cơ hội hiếm có để chúng ta trao đổi kiến thức, ôn lại lời dạy của Đức Phật về mục đích ý nghĩa của cuộc sống. Ngày hôm nay là ngày vía Đức Quan Âm, tôi thấy trụ xứ nơi đây là thánh địa linh thiêng tràn đầy ân phúc gia trì của Đức Quan Âm, vị Phật tượng trưng cho trí tuệ và tình yêu thương. Đây chính là hai phẩm hạnh vô cùng cần thiết để chúng ta có được chân hạnh phúc.

 

Cũng nương nhân duyên này, hôm nay tôi sẽ truyền quán đỉnh gia trì Đức Quan Âm. Nói đến gia trì là nói đến trí tuệ và từ bi. Đức Quan Âm chính là trí tuệ và tình thương vũ trụ. Giáo lý của đạo Phật luôn đề cập đến từ bi và trí tuệ. Đó cũng là tình thương mà tất cả mọi người, mọi loài đều có, ngay một con chó, con mèo hay con chim cũng có. Tình thương này không phải chỉ dành riêng cho loài người, cho những người mình yêu mến, mà cần được ban trải bình đẳng và vô điều kiện tới khắp mọi loài. Nếu có trí tuệ thì tình thương yêu sẽ trở nên rộng lớn như hư không. Trên thực tế, tình thương yêu nguyên thủy vốn là năng lượng vũ trụ và tình thương này là vô hạn, không thể đo lường tính toán được.



 

Đức Phật Thích Ca đã chứng ngộ tình thương vô hạn này. Ngược lại, do thiếu trí tuệ, chúng ta vẫn chưa khai mở được tình thương rộng lớn đó. Có thể so sánh điều này với một cái ống nhòm. Nếu nhìn qua ống ngắm bạn chỉ có thể thấy một góc trời. Điều đó không có nghĩa là bầu trời thực sự nhỏ như bạn nhìn thấy. Giống như thế, nếu trí tuệ chúng ta nhỏ hẹp thì tình thương yêu cũng sẽ hạn hẹp.

 

Vì trí tuệ hạn hẹp nên chúng ta luôn chỉ nghĩ đến bản thân, luôn muốn mình được may mắn, hạnh phúc mà không bao giờ nghĩ về hạnh phúc, lợi ích của người khác. Chúng ta hãy đừng bao giờ làm tổn hại bất kỳ hữu tình nào trên thế giới này, thậm chí cả những côn trùng nhỏ nhất. Nếu không biết quan tâm, thương xót, mà cứ làm việc sát hại thì chúng ta không phải là người thực hành giáo pháp của Đức Phật một cách chân chính. Đạo Phật là Từ bi và Trí tuệ. Đức Phật Thích Ca đã dạy rằng Đức Quan Âm chính là hiện thân sự kết hợp trọn vẹn giữa hai phẩm hạnh này. Bởi thế, chúng ta cần đặt trọn niềm tin kính vào Ngài. Sự gia trì của Đức Quan Âm sẽ giúp chúng ta có được trí tuệ rộng lớn như vũ trụ. Khi có được trí tuệ này, tình thương yêu của chúng ta sẽ trở nên vô hạn một cách nhậm vận tự nhiên, và bạn có thể có thành tựu rất nhiều mong nguyện về tiền bạc, sức khoẻ, sự giàu có và trường thọ. Trí tuệ cũng giống như cửa sổ căn phòng. Căn phòng sáng hay tối phụ thuộc hoàn toàn vào cửa sổ và không phụ thuộc vào mặt trời. Mặt trời luôn chiếu sáng nhưng nếu cánh cửa kia không mở thì trong nhà vẫn tối tăm. Tương tự như vậy, nếu bạn cố gắng phát triển cửa sổ trí tuệ thì tất cả sự gia trì của tình thương, sức khoẻ, của cải,... hay bất kỳ sự gia trì nào mà bạn mong đợi sẽ sẵn ở đó.

 

Cuộc sống vốn đầy những thăng trầm thịnh suy. Đất nước Việt Nam các bạn lại trải qua bao thảm kịch chiến tranh và những khó khăn để tái thiết nền kinh tế. Nhưng ngày nay mọi chuyện đã qua, đất nước đang dần phát triển, nhân dân bắt đầu hạnh phúc thịnh vượng. Những khó khăn mà cuộc sống mang đến, chúng ta cần trải nghiệm như những bài học quý giá để tiến bước trên con đường đoạn trừ khổ đau. Chúng ta cần tìm hiểu xem những khó khăn này có nguyên nhân từ đâu. Triết lý Phật pháp không nhằm mục đích nào khác ngoài giúp đỡ chúng ta tự quán chiếu học hỏi kinh nghiệm từ quá khứ, thực hành trong hiện tại để cải thiện đời sống tương lai. Sự quán chiếu này là trí tuệ và đây chính là một trong hai khía cạnh thuộc phẩm hạnh của Đức Quan Âm. Khi có trí tuệ thì tình yêu thương sẽ tự nhiên xuất hiện, dẫn dắt những thiện hạnh yêu thương lợi ích không chỉ cho bản thân, người thân, cộng đồng mà cho cả đất nước và tất cả hữu tình trên cõi đời này. Nếu không có trí tuệ, bạn sẽ mãi chịu đựng những chướng ngại đến từ bên ngoài như bão lụt, hỏa hoạn,... cùng rất nhiều loại xúc tình phiền não, bệnh tật bên trong chính bạn.

 

Đạo Phật luôn trợ giúp sự phát triển những phẩm chất trong cuộc sống của mỗi người, không chỉ về mặt nhận thức tâm linh hay kỹ thuật thiền định, mà còn phát triển về cả khía cạnh vật chất, văn hoá, sức khoẻ, y học,... và tất cả mọi phương diện trong cuộc sống. Phật pháp chính là cách giúp chúng ta phát triển cuộc sống của mình. Bạn không nên coi đạo Phật đơn thuần là một tôn giáo mà nên nhận ra đây là phương tiện hay tiến trình để phát triển đời sống. Nếu không có trí tuệ, phẩm chất cuộc sống của chúng ta rất nghèo nàn. Bởi thế, chúng ta cần phát triển trí tuệ mỗi ngày bằng cách tư duy từ những bài học thực tế cuộc sống. Đây gọi là giáo lý của Phật hay Phật pháp. Nhờ đó, chúng ta có thể thực sự cải thiện chuyển hoá cuộc sống của mình ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta cần nhớ trí tuệ phải luôn dẫn đường cho tình yêu thương, nếu thiếu trí tuệ, tình yêu thương sẽ bị sử dụng sai đường. Trong lịch sử loài người đã có biết bao thảm kịch xảy ra vì năng lượng của tình thương yêu bị sử dụng một cách lệch lạc. Chúng ta biết năng lượng của tình yêu thương là năng lực mạnh mẽ vô cùng, nhưng trí tuệ lại là thứ cần được phát triển nhất. Dù thuộc tôn giáo, đất nước nào, nói ngôn ngữ gì, bạn vẫn cần tìm cách phát triển trí tuệ, vì chỉ trí tuệ mới là phương pháp duy nhất đem đến thịnh vượng, an bình, hạnh phúc dài lâu. Không có trí tuệ, tình yêu thương sẽ trở nên rất nguy hiểm. Chính vì thế chúng ta cần nương tựa và thực hành về Đức Quán Thế Âm - Ngài là sự kết hợp trọn vẹn của từ bi và trí tuệ.



 

Sự gia trì của Đức Quan Âm bắt đầu với việc thực hành lòng từ bi hay thực tập cách ban trải tình yêu thương cho chúng sinh. Sự “bắt đầu” được đánh dấu bằng lễ thụ nhận quán đỉnh, cho phép chúng ta thực hành pháp tu của Đức Quan Âm. Mỗi chúng ta có trách nhiệm phục vụ mọi người, phục vụ dân tộc và mọi loài, trong đó có cả cây cối, hoa cỏ, côn trùng, thiên nhiên. Theo luật nhân quả, nếu tiếp tục tàn phá hủy hoại thiên nhiên, môi trường thì chúng ta và con cháu về sau sẽ còn gánh chịu nhiều thảm họa thiên tai, bão lụt. Vì thế, chúng ta cần tôn trọng, bảo vệ cây cối và cố gắng giữ gìn màu xanh cho đất nước vì sức khoẻ của tất cả mọi người. Đây gọi là thực hành các thiện hạnh yêu thương, trưởng dưỡng trí tuệ theo hạnh nguyện của Đức Quan Âm. Trí tuệ và tình yêu thương cần thiết không chỉ cho mỗi cá nhân, mà còn để góp phần xây dựng một quốc gia an bình, hạnh phúc. Vì thế chúng ta cần sự gia trì của Đức Quan Thế Âm để phát triển từ bi trí tuệ với mục đích cải thiện và nâng cao cuộc sống mỗi người và của tất cả hữu tình trên thế giới này.

 

Giáo lý đạo Phật mở ra cánh cửa an lạc nhiệm màu ngay trong thực tại. Khoa học tâm linh này thu hút rất nhiều người tìm hiểu thực hành. Nhiều quốc gia phát triển tại Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ cũng đi sâu vào tìm hiểu giáo pháp của Đức Phật để nhận ra sự quý giá của giáo pháp từng được Đức Thế Tôn truyền dạy cách đây hơn hai nghìn năm.

 

Tại Việt Nam, chúng ta có nền tảng căn bản Phật pháp rất lâu dài. Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam nói chung và đặc biệt các Phật tử phải hiểu đầy đủ trọn vẹn ý nghĩa cao quý của đạo Phật. Tôi tha thiết mong mỏi mọi người hãy trở lại cội nguồn tình yêu thương, nhận ra ý nghĩa đích thực của đạo Phật để đưa vào cuộc sống, áp dụng thực hành ngay hiện tại để trải rộng tình thương yêu, đem tới hạnh phúc an bình cho xã hội và muôn loài. Nếu có thể tiếp cận đạo Phật một cách khoa học thực tiễn, đất nước các bạn sẽ thêm phát triển, từng gia đình sẽ có đủ điều kiện sức khỏe, vật chất và hạnh phúc, góp phần vào nền hòa bình thịnh vượng chung của xã hội cộng đồng và rộng ra là toàn nhân loại. Bạn nghĩ xem, thế giới hiện có hàng tỷ người nhưng mấy ai có may mắn phúc duyên được tiếp cận giáo pháp Như Lai và thụ nhận sự gia trì vĩ đại của Đức Quan Âm? Đây là suối nguồn cảm hứng giúp chuyển hóa khổ đau và thực hành các thiện hạnh yêu thương vì lợi ích của hết thảy chúng sinh trên thế giới.

 

Trong truyền thống Đại thừa, phương pháp thực hành Quan Âm là trì tụng cầu nguyện đến danh hiệu của Ngài. Chúng ta thường bắt đầu bằng từ “Nam mô” để thể hiện tâm chí thành. Đỉnh lễ là thể hiện sự chí thành của thân, trì tụng “Nam mô...” là thể hiện sự chí thành của khẩu, tâm chúng ta tha thiết hướng về Đức Quan Âm là sự chí thành của ý, như thế chữ “Nam mô” là thể hiện sự chí thành của cả thân, khẩu, ý.

 

Thực hành Quan Âm trong truyền thống Kim cương thừa chính là việc trì tụng câu chân ngôn Lục tự Đại minh “Om Mani Padme Hung”. Trong câu chân ngôn này, “Mani” tức là ngọc Như ý, còn “Padme” là hoa sen, một loài hoa vô cùng thanh tịnh, dù mọc từ bùn nhưng không hề bợn nhiễm tanh hôi. Đây là biểu tượng cho sự thanh tịnh nguyên thủy của tâm. Mặc dù tâm chúng ta đang hiện hữu ở thân bất tịnh và sống trong thế giới uế trược, dù trải qua vô số kiếp trôi lăn trong sáu đạo, nhưng bản chất tâm của chúng ta không hề bị nhiễm ô, vẫn hoàn toàn thanh tịnh như thuở nguyên sơ. Khi bạn đã phát triển trạng thái thanh tịnh của tâm thì kết quả là mọi sự như ý, mọi mong nguyện sẽ đều thành tựu. Nếu trì niệm hồng danh của Đức Quan Âm với tâm chí thành tha thiết, chúng ta sẽ chuyển hoá được cuộc sống sinh tử luân hồi đau khổ thành cuộc sống an bình, hạnh phúc và như ý.

 

Câu chân ngôn bắt đầu bằng chủng tử “Om” tượng trưng cho năng lượng vũ trụ mạnh mẽ bất tận giúp sự thực hành đạt kết quả tốt đẹp. Khi bạn sử dụng năng lượng vũ trụ để cứu độ chúng sinh với trí tuệ và từ bi thì công năng sẽ rất mạnh mẽ. Người thế gian thường phân biệt các loại năng lượng âm dương, còn trong Kim cương thừa, chúng ta có năng lượng Phụ tính và Mẫu tính là năng lượng vi tế mạnh mẽ, hài hòa của từ bi và trí tuệ. Để thực hiện những thiện hạnh yêu thương chúng ta cần có năng lượng Phụ tính. Muốn phát triển trí tuệ chúng ta cần sự trợ giúp của năng lượng Mẫu tính. Hai năng lượng này rất cần để phát triển sự thực hành Yoga, Yoga Mantra, Yoga Sutra, thiền định,... Để đưa hai loại năng lượng này vào sự thực hành phát triển từ bi trí tuệ, chúng ta thực hành sự hợp nhất vạn pháp và cả vũ trụ. Điều này có được khi chúng ta biết tôn trọng vạn pháp, từ động vật, con người, cây cối, cho đến cả những côn trùng nhỏ bé nhất chúng ta cũng đều tôn trọng bình đẳng như nhau.

 

Nói về năng lượng Phụ tính và Mẫu tính là nói đến giác ngộ không phân biệt giới tính. Đức Phật Thích Ca từng dạy rằng nữ giới có quyền và khả năng chứng ngộ bình đẳng như nam giới. Cho nên Ngài không chỉ cho người nam xuất gia thọ giới Tỳ kheo để chứng quả A la hán, mà còn cho phép người nữ xuất gia làm Tỳ kheo ni và cũng có thể chứng A la hán như các vị Tỳ kheo. Giáo lý Kim cương thừa cũng thể hiện rõ quan kiến này. Chúng ta có các hành giả Yogi (nam) và Yogini (nữ), các vị Không hành (nam) và Không hành mẫu (nữ), các vị Phật Bản tôn Phụ tính và Mẫu tính. Đó chính là nét cao quý của giáo lý của Đức Phật, là từ bi và trí tuệ của Ngài, và cũng là thông điệp của Đức Quan Âm.

 

Buổi lễ gia trì quán đỉnh Quan Âm hôm nay đến đây kết thúc. Chúng tôi mong rằng tất cả quý vị có duyên thụ nhận Quán đỉnh hãy cố gắng duy trì nguồn ân phúc gia trì của Đức Quan Âm qua sự trưởng dưỡng các phẩm hạnh từ bi trí tuệ để có thể chuyển hoá cuộc sống khổ đau thành hạnh phúc an vui, và chia sẻ suối nguồn hạnh phúc này tới mọi hữu tình trên thế giới!

 

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Thành hội Phật giáo Hà Nội, Thành hội Phật giáo Đà Nẵng, các ban ngành, lãnh đạo, các cấp chính quyền, cùng tất cả quý vị chư Tăng Ni Phật tử đã ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận duyên để chúng tôi có cơ hội chia sẻ giáo pháp tôn quý của Đức Phật. Cầu nguyện quý vị, mỗi người sẽ trở thành một Đức Quán Âm, đem bàn tay yêu thương xoa dịu khổ đau, đem sự bình an hạnh phúc đến với muôn loài.


(Trích ấn phẩm "Mandala - Sự hợp nhất từ bi và trí tuệ theo quan kiến Kim cương thừa" giới thiệu các kỳ Pháp hội Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn tại Việt Nam qua các năm cùng tập hợp các giáo Pháp tôn quý được Đức Pháp Vương chia sẻ trong những kỳ Pháp hội này, Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành)
File âm thanh

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,123,717
Số người trực tuyến: