Bạn đang ở đây
Đức Phật của năng lực chữa lành
“Tất cả mọi bệnh tật khổ đau đều bắt nguồn từ vô minh.
Vô minh không còn thì tất cả bệnh tật khổ đau cũng không còn.
Khi bệnh tật khổ đau tan biến thì hạnh phúc chân thật sẽ đến”
(Đức Gyalwang Drukpa khai thị tại Pháp hội quán đỉnh Đức Phật Dược Sư, Chùa Quang Ân, Thanh Trì, Hà Nội, tháng 3/2010)
Hôm nay, chúng tôi sẽ truyền Quán đỉnh và nghi quỹ tu trì về Đức Phật Dược Sư. Bài kệ đầu tiên là trì tụng Quy y Tam Bảo: Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng. Nếu không đón nhận và thực hành ba pháp Quy y này, chúng ta sẽ không thể tu tập trên con đường Phật pháp.
Thứ hai là phát Bồ đề tâm hay tâm cầu giác ngộ phát triển Từ bi và Trí tuệ.
Thứ ba là cúng dàng: Chúng ta dâng phẩm vật cúng dàng Phật - Pháp - Tăng. Khi cúng dàng với tâm thành như vậy, chúng ta mong nguyện rằng tất cả chúng sinh được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Vì nguyên nhân chính của ốm đau bệnh tật bắt nguồn từ ích kỷ nên trong bài kệ này, chúng ta cầu nguyện cho tất cả mọi người, tất cả chúng sinh được hạnh phúc an vui. Đây là phương pháp làm giảm bớt ích kỷ, bám chấp của mình. Thay vì cầu nguyện cho bản thân, từ giây phút này, bạn hãy phát tâm rộng lớn cầu nguyện cho tất cả mọi người, mọi loài cùng an vui hạnh phúc.
Chúng ta bắt đầu quán tưởng Đức Phật Dược Sư trên đỉnh đầu, hoặc có thể quán chính bản thân mình là Đức Phật Dược Sư, rồi quán tưởng mười phương ba đời chư Phật, chư Bồ tát đang vây quanh. Việc quán tưởng như vậy là cách tốt nhất để thiết lập sự kết nối tâm linh với các Ngài. Sự kết nối này đem lại cho chúng ta năng lượng bình an hạnh phúc. Muốn có được hạnh phúc chân thật, chúng ta cần phải phát triển được nguồn năng lượng miễn dịch có khả năng chống lại sự yếu đuối của tâm và sự suy kiệt của thân thể vật lý. Khi tâm không đủ mạnh, chúng ta luôn cảm thấy sợ hãi lo âu, rất dễ cáu giận, buồn phiền, tuyệt vọng. Ngược lại, nếu biết trưởng dưỡng sức mạnh nội tâm, chúng ta sẽ giảm bớt giận dữ, ưu phiền và hạnh phúc chân thật sẽ đến. Như vậy, điểm trọng yếu là chúng ta phải biết cách giữ cho tâm mình luôn cân bằng mạnh mẽ.
Chư Phật ứng hiện vô số hóa thân, mỗi vị có một sắc thân, hình tướng khác nhau để phù hợp thời điểm, căn cơ vì lợi ích chúng sinh. Ví dụ, Đức Phật A Di Đà có sắc thân đỏ tượng trưng cho năng lực của tình thương yêu, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có sắc thân vàng ròng tượng trưng cho sự thành tựu viên mãn. Đức Phật Dược Sư có sắc thân xanh dương chính là biểu trưng cho sức mạnh của năng lượng chữa lành thân tâm mà tất cả chúng ta đều cần đến!
Bạn hãy quán tưởng ở ba vị trí luân xa trán, cổ và tim Ngài an trí ba chữ chủng tử OM, AH, HUNG tượng trưng cho năng lượng Thân - Khẩu - Ý giác ngộ. Chữ “OM” tượng trưng cho năng lượng giác ngộ của Thân, chữ “AH” là năng lượng giác ngộ của Khẩu, chữ “HUNG” là năng lượng giác ngộ của Tâm. Trong ba năng lượng này thì năng lượng giác ngộ của Tâm là quan trọng nhất.
Chúng ta bắt đầu quán tưởng Đức Phật Dược Sư trên đỉnh đầu, hoặc có thể quán chính bản thân mình là Đức Phật Dược Sư, rồi quán tưởng mười phương ba đời chư Phật, chư Bồ tát đang vây quanh. Việc quán tưởng như vậy là cách tốt nhất để thiết lập sự kết nối tâm linh với các Ngài. Sự kết nối này đem lại cho chúng ta năng lượng bình an hạnh phúc. Muốn có được hạnh phúc chân thật, chúng ta cần phải phát triển được nguồn năng lượng miễn dịch có khả năng chống lại sự yếu đuối của tâm và sự suy kiệt của thân thể vật lý. Khi tâm không đủ mạnh, chúng ta luôn cảm thấy sợ hãi lo âu, rất dễ cáu giận, buồn phiền, tuyệt vọng. Ngược lại, nếu biết trưởng dưỡng sức mạnh nội tâm, chúng ta sẽ giảm bớt giận dữ, ưu phiền và hạnh phúc chân thật sẽ đến.
Khi thiền định về chân ngôn Dược Sư, chủng tử “HUNG” nằm ở giữa đĩa mặt trăng, chuỗi chân ngôn của Đức Phật Dược Sư: “Tayatha Om Bekanze Bekanze Maha Bekanze Radza Samudgate Soha” bao quanh. Chuỗi chân ngôn này xoay quanh chữ HUNG theo chiều kim đồng hồ, chuyển động trong thứ ánh sáng nhẹ nhàng, trong suốt. Việc quán tưởng ánh sáng là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Các truyền thống Phật giáo thường được chia thành hai Thừa là Nguyên thủy Phật giáo và Đại thừa Phật giáo. Đại thừa Phật giáo lại được chia thành Kinh thừa và Mật thừa. Lý thuyết cơ bản của cả Mật thừa và Kinh thừa đều tin chắc rằng mỗi chúng sinh đều có sẵn Phật tính hay Như Lai Tạng. Như vậy cả hai thừa đều giống nhau về đức tin vào Phật tính, nhưng đặc biệt trong Mật thừa có những phương pháp tu tập thiện xảo, giúp hành giả dễ dàng nhận ra Phật tính của mình một cách nhanh chóng, đó chính là phương pháp quán tưởng tự thân mình là Phật, Bồ tát, bên cạnh các phương tiện thiện xảo đặc trưng khác như Quán đỉnh, cúng dàng Hỏa tịnh, các Yoga của Naropa,...
Nếu không phải là Phật tử, không có sự hiểu biết chân chính về Phật tính như trên, chúng ta luôn cho rằng Đức Phật ở bên ngoài và không phải là bản chất thật của mình. Chính vì cách nghĩ này mà sự chứng ngộ trở nên rất khó khăn. Đức Phật Thích Ca đã dạy rằng: “Đức Phật chân thật không ở bên ngoài mà ở nơi Tâm mỗi chúng ta”. Để chứng ngộ Phật tính, chúng ta không cần thay đổi bất cứ điều gì bên ngoài. Chứng ngộ chỉ là sự chuyển hoá tâm ở mức độ cần thiết để nhận ra được bản chất Phật của chính mình. Ngay thời điểm đó, chúng ta trở thành Phật, còn nếu cứ nhọc công tìm cầu Phật như đối tượng bên ngoài, bạn sẽ chỉ uổng phí thời gian, ngày càng xa rời tự tính Phật nơi mình và không bao giờ đạt được giác ngộ.
Đức Phật Thích Ca cũng dạy mỗi người nên phát triển trí tuệ của chính mình, khi phát triển được trí tuệ này, chúng ta sẽ đạt được toàn tri và chứng ngộ được vạn pháp. Song trước đó, nếu muốn biết tâm người khác, bạn cần tự hiểu tâm mình. Hiện giờ, chúng ta chưa có trí tuệ hiểu rõ về bản thân mình và mọi người. Mặc dù có đủ sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhưng chúng ta lại rất vô minh, luôn sống bằng sự ước đoán, với những hy vọng mong cầu. Tất cả điều này rốt cuộc cũng chỉ là suy đoán viển vông vì xa rời với thấu hiểu Phật tính. Nếu nhận ra Phật tính, chúng ta sẽ không cần suy đoán mà vẫn biết mọi chuyện một cách rõ ràng bằng trí tuệ toàn tri. Lúc đó hiển nhiên chúng ta sẽ không còn trải nghiệm khổ đau. Nhờ có trí tuệ toàn tri mà nguyên nhân của đau khổ, tất cả mọi lỗi lầm bất thiện nghiệp sẽ được tiêu trừ. Tất cả mọi bệnh tật khổ đau đều bắt nguồn từ vô minh. Khi vô minh không còn thì tất cả bệnh tật khổ đau cũng không còn để nhường chỗ cho hạnh phúc chân thật.
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều bệnh tật khác nhau thuộc về thân thể và tâm lý. Một số bệnh ngay khoa học hiện đại cũng không tìm ra nguyên nhân. Sự thực là tất cả chúng ta không ai muốn tật bệnh, nhưng theo quan kiến Phật giáo, chúng ta vẫn cứ ốm đau dưới ảnh hưởng của vô minh và những bất thiện nghiệp đã tích lũy từ nhiều kiếp. Dù không muốn tạo nên những nghiệp xấu, do năng lực của vô minh, chúng ta vẫn tiếp tục tích lũy bất thiện nghiệp. Đó có thể là những nghiệp xấu như sát sinh đoạt mạng các sinh vật sống để mưu cầu sự khoái khẩu của bản thân. Nếu có thể hỏi những con vật tội nghiệp là chúng muốn gì, chắn hẳn chúng sẽ trả lời: “Không, chúng tôi không muốn chết, chúng tôi muốn sống, muốn có hạnh phúc”. Phương pháp chân thật để đạt được hạnh phúc là sự ban tặng, như chăm lo mang đến niềm vui hạnh phúc cho người khác hoặc phóng sinh để cứu sống các loài. Theo cách này, chúng ta sẽ đạt được chân hạnh phúc, sức khỏe và sự trường thọ. Như thế, điều quan trọng nhất chúng ta cần làm là loại bỏ vô minh, là nguồn gốc căn nguyên của mọi đau khổ.
Quý vị trì tụng theo nghi quỹ giản lược: http://drukpavietnam.org/nghi-quy-tu-tri-gian-luoc-duc-ban-ton-phat-duoc-su
- 2480 reads