Đức Phật Quan Âm, hiện thân của lòng Từ bi | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Đức Phật Quan Âm, hiện thân của lòng Từ bi

2827
30/04/2017 - 08:00

Trong tất cả chư Phật, chư Bồ tát thì Đức Quan Âm là một đức Phật siêu đẳng đầy năng lực, ngời sáng, lừng danh với tinh thần đại vô úy cứu khổ cứu nạn. Ngài là hiện thân đại từ bi của mười phương chư Phật, với bản nguyện muốn khai mở, hiển lộ Bồ đề tâm và công đức đại bi sẵn có nơi tâm tất cả hữu tình. Với bản nguyện này, Ngài đã từ chối nhập Niết bàn thanh tịnh để hiện thân trong luân hồi khổ não cứu độ chúng sinh. Chính vì Ngài có nhân duyên rất thân thiết với chúng sinh trong cõi Sa bà, nên thế gian tôn kính Ngài là một biểu tượng tối cao của tâm đại từ đại bi. Thệ nguyện của Đức Quan Âm là tùy loại ứng hiện thân tế độ tất cả chúng sinh và trong vô số ứng thân, Ngài đã ứng hiện Báo thân Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay (Avalokiteshavara) và Quan Âm Tứ Thủ (Chenrezig). Trong Kinh dạy rằng: nếu có chúng sinh bị các khổ não nhất tâm trì tụng chân ngôn và niệm danh hiệu Đức Quan Âm, tức thời quán sát âm thanh được giải thoát.
 


(Tôn tượng Bản tôn Quan Âm Tứ thủ)

Trong đời sống thường nhật, thực hành pháp tu trì Quan Âm là phương tiện thiện xảo đem lại rất nhiều lợi ích. Chúng ta biết rằng lòng từ bi hướng về chúng sinh là thái độ tích cực thanh tịnh nhất, vì thế các hành động xuất phát từ lòng từ là đức hạnh tạo ra nhân của hạnh phúc không chỉ trong đời sống hiện tại mà cả cho các kiếp sống tương lai, với kết quả cao nhất là sự tự do  thoát khỏi biển khổ luân hồi và đạt hạnh phúc tuyệt đối của sự giác ngộ. Ở một khía cạnh khác, nếu biết sống với một trái tim rộng mở vị tha không vì nuông chiều bản ngã thì cuộc sống của bạn sẽ tràn đầy tích cực và hỷ lạc. Bạn sẽ không còn trôi lăn theo những xúc tình phiền não, không còn thấy khoảng cách giữa mình và người khác, thế giới và vạn loài hữu tình xung quanh sẽ trở nên thân thiết, quý giá và dần dần bạn sẽ nhận được tình yêu thương, sự quan tâm hỗ trợ, cảm thông chia sẻ chân thành từ mọi người. Bằng cách sống với tâm từ bi thanh tịnh mỗi ngày, bạn có thể nói lời vĩnh biệt với những tuyệt vọng cũng như tâm ích kỷ mà từ đó phát sinh những xúc tình phiền não. Bởi vậy, lòng từ bi có năng lực chuyển hóa những khó khăn, nghịch duyên trong đời sống thành hoàn cảnh thuận lợi. Lòng từ bi đem lại sự an bình cho thế giới, cho đất nước, sự hòa hợp bình an cho các thành viên trong gia đình và trong một cộng đồng. Nhờ lòng từ bi, tất cả mong cầu hạnh phúc sẽ được viên mãn. Tất cả những điều trên là chân lý và đều phụ thuộc vào bạn, dù bạn có là Phật tử hay không.
 

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, bậc được kính ngưỡng là Hoá thân chân thật của Bồ Tát Quán Thế Âm)

Trái ngược với lòng từ bi là những tư tưởng và hành vi ích kỷ, và tiêu cực. Bạn có thể tuyên bố muốn mang lại lợi ích cho người khác nhưng thực ra lại không quan tâm đến họ. Tư tưởng ích kỷ này rất độc hại, có thể khiến bạn làm tổn hại rất nhiều chúng sinh với các nghiệp tiêu cực từ thân - khẩu - ý của mình. Từ những hành động nhân quả này, đến lúc nào đó bạn sẽ đón nhận hậu quả tương ứng người khác làm tổn hại bạn. Thế là, thay vì tạo nhân hạnh phúc, bạn lại liên tục trải nghiệm đau khổ và chướng ngại. Bởi vậy, phát triển lòng từ bi là sự thực hành quan trọng nhất và là cách tốt nhất để hướng cuộc sống của bạn về phía mọi người. Cho dù bạn có là lãnh đạo, thương gia, học giả, diễn viên, bác sĩ... hay mang bất cứ thân phận nào thì lòng từ bi là cách tốt nhất để hướng cuộc đời của mình đạt được chân hạnh phúc.

Tuy vậy, để phát triển lòng từ bi thì sự cầu nguyện không đủ, sự hiểu biết thông minh hay kiến thức uyên bác về triết học hay cuộc sống bên ngoài cũng không đủ mà chúng ta cần thực hành thiền định. Hơn thế nữa, điều quan trọng nhất là bạn cần có sự hướng đạo từ một bậc Căn bản Thượng sư giác ngộ để đón nhận quán đỉnh gia trì đặc biệt của Bản tôn Quan Âm (Chenrezig). Bởi vậy, chúng ta cần hành trì về Đức Quan Âm và trì tụng chân ngôn của Bản tôn Quan Âm. Câu chân ngôn này được biết đến là Lục Tự Đại Minh OM MANI PADME HUNG và là tâm từ bi của tất cả chư Phật. Nhờ việc trì tụng chân ngôn này, bạn có thể viên mãn những tâm nguyện của bạn và tất cả chúng sinh. Đây chính là chân ngôn mà bất kỳ ai cầu tìm chân hạnh phúc đều cần thực hành và có thể trì tụng! 

(Trích từ Khai thị Hướng dẫn thực hành Nghi quỹ tu trì Đức Phật Quan Âm từ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Bài liên quan 
Cách họa hình ngọc Như Ý - Kiến lập Bảo Tháp Quan Âm

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,129,399
Số người trực tuyến: