Bạn đang ở đây
Bảo tháp - Lịch sử và Ý nghĩa
Theo lịch sử Phật giáo, Bảo tháp xuất hiện từ thời Phật còn tại thế. Thời đó Ngài Xá Lợi Phất, một đệ tử trí tuệ của Đức Phật đã thị hiện viên tịch trước Phật. Sau lễ trà tỳ, nhục thân của Ngài Xá Lợi Phất để lại xá lợi. Xá lợi được cất giữ trong Tăng xá để mọi người đến chiêm ngưỡng lễ bái. Tuy nhiên, có hôm Tăng xá bận công việc đi ra ngoài, phải đóng cửa khiến dân chúng buồn khổ và phiền não.
Vì nhân duyên đó Phật dạy phải xây dựng Bảo tháp để chứa đựng xá lợi. Bảo tháp không chỉ chứa đựng xá lợi, pháp khí, tượng Phật mà còn là một Mandala hoàn hảo, nơi vân tập của hải hội chư Phật Bản tôn, Không Hành Mẫu, Hộ pháp, và cũng là biểu tượng trí tuệ của Phật.
(Bảo Tháp Boudha, Nepal)
Bảo tháp bên ngoài
Đối với giáo lý thế gian thông thường, mọi người nghĩ rằng vũ trụ được hình thành nhờ ngũ hành (kim, thủy, hỏa, mộc, thổ), sự sinh khắc của ngũ hành tạo nên cảnh sống và đời sống của con người. Theo quan điểm Phật giáo Kim cương thừa, vũ trụ được hình thành dựa vào lục đại duyên khởi - địa, thủy, hỏa, phong, không, (năm đại thành lập nên vạn pháp) và thức đại (thuộc về tâm - tinh thần).
Chính vì vậy khi một Bảo tháp được xây lên dựa trên ngũ đại nêu biểu một vũ trụ nhỏ hoàn hảo của cảnh giới giác ngộ:
-
Đại đầu tiên gọi là Địa đại theo khối hình vuông màu vàng.
-
Đại thứ hai là Thủy đại theo hình tròn.
-
Đại thứ ba là Hỏa đại theo hình tam giác, đó là tầng mắt Phật và 13 tầng của Bảo tháp. Mười ba tầng này nêu biểu cho Thập Địa, tức là 10 phần Pháp thân mà các Bồ tát phải chứng ngộ, cộng với Diệu giác, Đẳng giác và Viên giác thành 13 quả vị Pháp thân Phật.
-
Kế đến trên đó có một Bảo cái nêu biểu sự che chở cho tất cả chúng sinh khỏi những sự đau khổ, phiền não.
-
Trên Bảo cái là hình mặt trăng và mặt trời nêu biểu cho Phong đại và Không đại.
Đỉnh cao nhất của Bảo tháp gọi là đỉnh Bất nhị.
(Mô hình cấu trúc một Bảo tháp)
Và ngay từ thời Phật, các đệ tử của Ngài, vua và quần thần đã xây dựng các bảo tháp, đặc biệt tám Bảo tháp tương ứng với tám sự kiện, gọi cách khác là tám công hạnh của cuộc đời Đức Phật (Bát Tướng Thành Đạo) từ lúc Ngài đản sinh, xuất gia, tu khổ hạnh, đạt giác ngộ, chuyển pháp luân, báo ân cha mẹ, cầu nguyện trường thọ, cho đến khi thị hiện nhập Niết Bàn.
Trên phương diện lịch sử kiến trúc, chúng ta thấy có tám loại tháp đều khởi nguồn từ thời Đức Phật.
1. “Như Lai tháp” hay “Tích Liên tháp” do vua Tịnh Phạn xây dựng tại Lâm Tỳ Ni thành Ca Tỳ La Vệ vào lúc Đức Phật Thích Ca đản sinh. Tháp hình tròn được trang sức bằng những cánh hoa sen, có bốn hoặc bảy bậc thềm.
2. “Tháp Giác Ngộ” hay “Tháp Bồ Đề" do vua Tần Bà Sa La cho xây dựng tại thành Vương Xá khi đức Phật thành đạo. Tháp có bốn bậc thềm.
3. “Tháp Pháp Luân” hoặc “tháp Cát Tường”: do năm anh em Ông Kiều Trần Như xây dựng vào lúc đức Phật chuyển Pháp luân lần đầu tiên tại nước Ba La Nại. Tháp này hình vuông có bốn bậc thềm, bậc thang ngoài Tháp được bố trí có nhiều cửa.
4. “Đại Thần Biến tháp” hoặc “Tháp Hàng Phục Ngoại Đạo” do những người thuộc dòng tộc Ly Giá Tỳ ở thành Xá Vệ xây dựng khi đức Phật thị hiện thần thông. Tháp này hình vuông có bốn bậc thềm ở bốn phương, ở giữa bốn bậc thềm có vật kiến trúc nhô ra.
5. “Thần Giáng tháp” hay “Tam Thập Tam Thiên Giáng tháp”: khi đức Phật an cư kết hạ 33 ngày; buổi sáng Ngài lên thiên giới thuyết pháp cho chư Thiên, buổi chiều giáng lâm xuống Nam Thiện Bội Châu. Những người ở thành Gia Thi đã xây dựng Tháp này. Tháp có bốn hoặc tám bậc thềm, có cửa ở chính giữa mỗi mặt của tháp.
6. “Quang Minh tháp” hoặc “Chân Từ tháp”: sau khi Đề Bà Đạt Đa chia rẽ tăng đoàn, hai vị Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã giúp Tăng đoàn hòa hợp, đoàn kết trở lại, vì thế ngài Kỳ Đà và một số người ở Kim Cương tọa đã xây dựng Tháp này tại thành Vương Xá.
7. “Gia Bị tháp” hoặc “Tôn Thắng tháp” do người ở thành Quảng Nghiêm xây dựng khi đức Phật thực hiện lễ cầu nguyện trường thọ tại đây.
8. “Tháp Niết Bàn” do người ở thành Câu Thi La xây dựng khi đức Phật nhập Niết bàn. Tháp này không có bậc thềm, tháp hình chuông úp trên nền đỉnh tháp có 13 tầng pháp luân.
Hiện nay trên thế giới có một số Bảo tháp nổi tiếng như Bảo tháp Mandala Kim Cương giới tại Indonesia, Bảo tháp Bodhgaya ở Bồ đề đạo tràng Ấn Độ, Bảo tháp Swayambhu, Bảo tháp Boudhanath ở Nepal, bảo tháp Ăng-co ở Campuchia… Đặc biệt, trên đỉnh núi Punakha, ở vương quốc Bhutan, có 108 Bảo tháp do hoàng hậu xây dựng để cầu nguyện cho vị Vua được trường thọ. Bởi vì theo lời nguyền, tất cả vua ở các triều đại Bhutan không sống quá 50 tuổi. Lúc đó vua chỉ khoảng 47 hoặc 48 tuổi, hoàng hậu rất lo lắng và nghĩ rằng để có thể chuyển định mệnh của vua cũng như đem lại bình an cho đất nước cách tốt nhất là kiến lập 108 bảo tháp từ đỉnh Thimphu sang Punakha. Sau khi xây cất xong 108 Bảo tháp, vị vua đó duy trì ngôi vị đến ngoài 50 tuổi, đợi hoàng tử trẻ kế vị.
(108 Tháp tại Bhutan)
Tương truyền kể rằng người dân ở trên đỉnh Punakha trong quá khứ thường bị ma quỷ quấy nhiễu không an, chết bất đắc kỳ tử rất lạ lùng. Ngài Thánh điên Drukpa Kunley khi đó đã dò tìm được nơi huyệt đạo của vùng đất, biết được khí tiêu cực từ đó xuất ra nên cũng đã xây một Bảo tháp trấn yểm, lập tức từ đó không xảy ra những tai nạn xấu nữa.
Vì vậy việc kiến lập Bảo tháp theo quan kiến Phật giáo Kim Cương Thừa có thể tịnh trừ chướng ngại, đem lại sự bình an. Ngay cả trong phương pháp thực hành Mật Thừa, khi chúng ta gặp những chướng ngại, đến những nơi lạ lùng, chúng ta phải quán tự thân là một Bảo tháp giác ngộ, lập tức chướng ngại được tiêu trừ.
- 13000 reads