Viên mãn công đức trì tụng một Bảo tháp Hoàn Hảo | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Viên mãn công đức trì tụng một Bảo tháp Hoàn Hảo

1323
22/01/2017 - 09:00
Ý nghĩa sắc thân Đức Phật Quan Âm: Trong Kinh Phổ Môn có dạy Đức Phật Quan Âm tùy hiện ba mươi hai ứng thân để lợi ích chúng sinh. Trong Mật Thừa, chúng ta thấy Đức Quan Âm hiện vô số hóa thân như Quan Âm bốn tay, Quan Âm Thập Nhất Diện nghìn tay, Quan Âm hai tay, thậm chí Quan Âm hiện thân phẫn nộ như Mã Đầu Minh Vương. Tất cả là sắc tướng bên ngoài của Đức Phật Quan Âm nêu biểu cho phẩm hạnh, sự chứng ngộ và công hạnh khác nhau của một vị Phật và cũng chính là phẩm chất giác ngộ còn tiềm ẩn trong mỗi chúng ta.

(Tôn tượng Bản tôn Phật Quan Âm)
 
Tiếp theo, Bản tôn Quan Âm bên trong là tình yêu thương, lòng bi mẫn, là Bồ đề tâm, sự giác ngộ. Bởi vậy chúng ta không chỉ quán tưởng, phóng chiếu một hình ảnh màu sắc trắng, đỏ, vàng mà thực sự phải cảm nhận, trải nghiệm sự rung động, truyền cảm của tình yêu thương, lòng từ bi, trí tuệ bên trong sắc thân một vị Phật.
Ngay khi chúng ta trải nghiệm được bên trong sắc thân của một vị Phật chính là chúng ta đang trải nghiệm nội tâm mình. Bởi vì Phật mà chúng ta quán tưởng không là gì khác mà đó là những trải nghiệm nội tâm nơi mình.
Ý nghĩa thứ ba là Đức Phật Quan Thế Âm bí mật - chính là tự tính Phật hay Đại Thủ Ấn.
Sau khi an vị Phật Bản tôn Quan Thế Âm ở trung tâm một Bảo tháp, chúng ta trì tụng chân ngôn để kết nối viên mãn thành tựu mọi tâm nguyện.


 
Chân ngôn Đức Phật Quan Âm
  • Ý nghĩa chân ngôn, chân ngôn là Khẩu giác ngộ hay gọi một cách khác là sinh lực giác ngộ. Mục đích trì tụng chân ngôn là để tịnh hóa khẩu nghiệp đã tạo trong quá khứ và hiện tại, và tịnh hóa khẩu nghiệp liên quan đến lời nói không được rõ ràng, bị ú ớ, trì trệ và nói lời phù phiếm không lợi ích gây tổn hại người khác, những lời nói mặc dù không phải là gươm giáo nhưng làm tan nát rất nhiều trái tim, thù hận từ kiếp này sang kiếp khác. Bởi vậy chúng ta phải chuyển hóa khẩu nghiệp của mình.
Quan trọng hơn là việc trì tụng chân ngôn sẽ chuyển hóa toàn bộ sinh lực nghiệp đã có ở thân vi tế - sinh lực này tạo ra các ác nghiệp và chúng ta phải gánh chịu. Âm thanh chân ngôn chính là Mật ngữ không thể giảng nghĩa vì giảng nghĩa là đi xuống khái niệm phân biệt nhị nguyên còn nằm trong vòng vọng thức. Cho nên việc trì chân ngôn giúp chúng ta định tâm. Còn giải thích ý nghĩa các chữ chủng tử trong câu chân ngôn, giúp chúng ta hiểu biết và củng cố thêm niềm tin nhưng khi lúc trì tụng cần phải bỏ qua sự phân biệt nhị nguyên ấy.
Bằng cách trì tụng lập lại liên tục một mật ngữ, một chân ngôn, chúng ta có khả năng tịnh hóa được khẩu nghiệp và sinh lực nghiệp. Toàn bộ thân của chúng ta trở nên thuần khiết thanh tịnh. Có rất nhiều minh chứng, nhiều các bậc thầy giác ngộ khi tu tập các Ngài đều để lại xương cốt hay xá lợi có khắc những hình tướng trí tuệ hay những chủng tử OM, AH, HUNG. Nhục thân của các Ngài chuyển hóa từ chất thành lượng, từ lượng thành khí, thành thần. Đấy là việc chuyển hóa toàn bộ thân thô trược tứ đại thành thân cầu vồng. Điều linh thiêng và diệu kỳ là khi Đức Pháp Vương đời thứ I thị tịch, sau lễ Trà tỳ nhục thân Ngài, người ta đã chứng kiến vô số điềm cát tường như cầu vồng, mưa hoa, thiên nhạc, hương thơm lan tỏa khắp không gian và Ngài đã để lại nguyên vẹn xá lợi tim, lưỡi và đôi mắt. Đặc biệt, nơi đầu cốt của Ngài xuất hiện hình thánh tướng Đức Quan Âm, Văn Thù và Kim Cương Thủ, 21 đốt sống lưng của Ngài thành 21 xá lợi thánh tượng Đức Quan Âm như: Quan Âm nghìn tay, Quan Âm bốn tay, Quan Âm hai tay.
 
  • Kết quả của việc trì tụng:
  • những người tu tập chân ngôn, lời nói của người đó sẽ hiệu quả, có uy lực, lợi ích người khác.
  • Ngay cả việc nói không trôi chảy, ú ớ cũng được tịnh hóa.
  • Đạt được các khả năng biện tài vô ngại lợi ích chúng sinh.
  • Về khả năng tuyệt đối, đạt được 64 diệu âm của Phật, trở thành một bậc Thượng sư hiện thân để chuyển Pháp luân, dùng lời thuyết pháp để lợi ích chúng sinh.
  • Ý nghĩa chân ngôn OM MANI PADME HUNG là chân ngôn của tình yêu thương và trí tuệ hợp nhất.
  • OM nêu biểu thân khẩu ý giác ngộ, nói một cách trọn vẹn là Pháp thân, tự tính thân.
  • Còn MANI, nêu biểu cho ngọc báu trong mỗi chúng ta, đó là tình yêu thương; ngọc báu quý giá nhất là sự giác ngộ.
  • Và PADME là trí tuệ, nói một cách ẩn dụ là hoa sen.
  • HUNG là trí tuệ hợp nhất giữa hoa sen và ngọc báu, hay nói một cách khác, là sự hợp nhất của tình yêu thương và trí tuệ toàn tri để trở về với tổng thể của chữ OM.
 

(Chân ngôn Lục Tự Đại Minh OM MANI PADME HUNG)
  • Cách thức trì tụng: chân ngôn mang tính biểu đạt về tự tính tâm giác ngộ. Đối với chân ngôn Đức Phật Quan Âm, vị Phật Lòng Bi Mẫn, chúng ta phải trì tụng trong giai điệu ấm áp, nhẹ nhàng, xuất phát từ tim mình. Chúng ta phải cảm nhận âm thanh, tần số rung động của thân tâm trùng với tình yêu thương vô điều kiện của Đức Quan Âm. Thêm nữa, chúng ta phải trì tụng như đứa trẻ gọi mẹ, bởi chúng ta khẩn cầu Đức Quan Âm là bậc từ phụ giúp chúng ta trưởng dưỡng được trí tuệ và tình yêu thương trong mình nên lời tụng phải tha thiết như vậy.
Như vậy, để trì tụng một Bảo tháp hoàn hảo thân khẩu ý giác ngộ và trọn vẹn công đức, viên mãn mọi tâm nguyện thế gian, xuất thế gian:
  • Chúng ta cần phải hiểu về ý nghĩa Bảo tháp, trì tụng chân ngôn và thiền định Bảo tháp để tịnh hóa các nơi chốn sống, cảnh sống nhiễm ô và cũng tịnh hóa được nơi chốn tái sinh trong tương lai, đồng thời để tích lũy vô lượng công đức bằng cách xây viên ngọc Như Ý hình Bảo tháp.
  • Chúng ta phải quán được sắc thân Phật Quan Âm để trưởng dưỡng được tình yêu thương, lòng bi mẫn.
  • Để có được sinh lực tốt và tịnh hóa bất thiện tạo ra từ khẩu nghiệp (hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, vọng ngữ, nói lời vô nghĩ),  chúng ta cần trì tụng chân ngôn.
  • Thực hành trì Tháp, đồng thời cùng một lúc, thân khẩu ý của chúng ta hợp nhất Thân Khẩu Ý giác ngộ. Bảo Tháp là sự hiển bày Tâm Giác ngộ, Chân ngôn Quan Âm là Khẩu Giác Ngộ, Đức Quan Âm ứng với Thân Giác Ngộ.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,133,418
Số người trực tuyến: