Tại sao chúng ta lại phải quán tưởng Phật Bản tôn? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tại sao chúng ta lại phải quán tưởng Phật Bản tôn?

2531
09/08/2022 - 13:29
Trong kinh điển Mật Thừa, Đức Phật Thích Ca có dạy về sự kiến lập Mạn Đà La vũ trụ bằng cách an vị chư Phật Bản tôn tương ứng với các phẩm chất giác ngộ.
Phật Bản tôn không là gì khác, là sự phản chiếu giác ngộ đích thực sẵn có nơi mỗi người, các Ngài hiển diện làm phương tiện thiện xảo để chúng ta tu tập tự thân giác ngộ.
Sau khi chúng ta đã hiểu về ý nghĩa và cách kiến lập Bảo tháp; biết cách đánh dấu mỗi một viên ngọc Như Ý khi kết thúc trì tụng một chuỗi tràng chân ngôn OM MANI PADME HUNG. Với ai chưa thuần thục quán tưởng, chúng ta có thể đánh dấu một cạnh của Bảo tháp. Còn ai đã thuần thục cách quán tưởng Bảo tháp không gian ba chiều, có thể xây bốn cạnh bảo tháp, bốn chiều không gian, sau đó sẽ tích số lượng trì tụng theo mặt sau của Hình Trì Tháp.
Nhưng nếu chúng ta chỉ kiến lập một bảo tháp mà không triệu thỉnh Phật Bản tôn an tọa nơi trung tâm Bảo tháp thì chưa đủ, bởi việc kiến lập Bảo tháp mà chưa an vị Phật Bản tôn cũng ví như chúng ta đã xây được một cung điện, một ngôi nhà đẹp đẽ mà không có chủ.

 

Tại sao chúng ta lại phải quán tưởng Phật Bản tôn?
Phải chăng trong cuộc đời quá nhiều thứ phức tạp, bây giờ lại tưởng tượng, phóng chiếu ra rất nhiều hình thù khác nhau dường như chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng thực chất việc quán tưởng Phật Bản tôn và cảnh giới Tịnh Độ của chư Phật sẽ giúp chúng ta giảm bớt sự chấp trước, tăng trưởng trí tuệ, tích lũy công đức. Bởi vậy phần thiền định của giáo pháp Mật thừa chỉ giản dị trong hai điều:
  • Thứ nhất quán tưởng toàn bộ sắc thân của một vị Phật để tích lũy công đức.
  • Việc thứ hai hòa tan các sắc thân Phật Bản Tôn đó vào chính tự tâm mình để tích lũy trí tuệ.
Hai phương tiện này hợp lại mới đầy đủ phần thực hành. Vì vậy trong mỗi lần trì tụng, mỗi lời cầu nguyện dù là đơn giản đứng trước bàn thờ hay bất cứ nơi nào chúng ta phải nhớ hai điều này.
Khi quán tưởng sắc thân Phật Bản Tôn, chúng ta cần nhớ mấy điểm chính:

 

(Sắc thân Bản tôn Phật Quan Âm)

 
Tự tính của Phật Bản tôn chính là Tam thân Phật, Pháp thân, Báo thân, Hóa thân.
Mục đích thiền định sắc thân Phật Bản Tôn để tịnh hóa thân, khẩu, ý nhiễm ô. Nói một cách khác là để tịnh hóa tứ sinh, tịnh hóa bốn cách thức tái sinh trong luân hồi
  • Thứ nhất sinh bằng thai sinh,
  • Thứ hai sinh bằng noãn sinh (tức là sinh bằng trứng),
  • Thứ ba là thấp sinh (sinh bằng ẩm ướt và nhiệt),
  • Thứ tư sinh bằng hóa sinh (như cảnh sống của ma quỷ hay chư thiên).


Chúng ta thiền định và tu tập về Bảo tháp sẽ tịnh hóa được nơi chốn tái sinh.
Về cách thức tu tập, chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối rằng sắc tướng của một vị Phật Bản tôn, dù an bình hay phẫn nộ đều bất khả phân với Thượng sư. Đối với Nguyên Thủy Phật giáo, Đức Phật lịch sử như Đức Phật Thích Ca là đối tượng thực hành quan trọng nhất. Đối với Đại Thừa Phật giáo, thực hành Bồ tát đạo là con đường thực hành lấy việc trưởng dưỡng tình yêu thương, từ bi, lợi ích chúng sinh làm trọng. Đối với Kim Cương thừa, Thượng sư là quan trọng nhất vì Thượng sư là tinh túy của toàn bộ Tam Bảo, Tam căn bản, Tam thân Phật, Tam thế Phật. Vì Thượng Sư đã trải nghiệm sự chứng ngộ cho nên các phẩm chất giác ngộ hiển diện trong Ngài. Vì vậy, mỗi chân ngôn mà chúng ta trì tụng, mỗi sắc tướng Phật Bản tôn dù là Quan Âm, Di Đà hay Thích Ca đều là hiện tướng của Thượng sư. Khi chúng ta bị bệnh tật, cần chữa lành, chúng ta quán tưởng Thượng Sư là Đức Dược Sư, khi cần trí tuệ thì chúng ta tin Thượng Sư là Đức Văn Thù. Khi cần trường thọ, chúng ta lại tin Thượng Sư là Bạch Độ Phật Mẫu, Tôn Thắng Phật Mẫu hay Đức Phật Vô Lượng Thọ.

 
Đấy chỉ là những cách thức khác nhau để chúng ta thỉnh cầu sự gia trì của Thượng sư, đồng thời đánh thức phẩm chất giác ngộ nơi tự tâm. Chính vì vậy Phật Bản tôn là sự quán tưởng từ nơi tâm mình. Mỗi lần nghĩ về Phật là lúc chúng ta đánh thức tình thương yêu và lòng từ bi có sẵn nơi chính mình.
Chúng ta có hai loại tình yêu thương vô điều kiện và tình yêu thương có điều kiện. Tình yêu thương có điều kiện dựa trên cảm xúc buồn vui, yêu ghét, và kết thúc là sự lo sợ, tham vọng, bất an, và đôi khi lại tuyệt vọng bởi vì cảm xúc thay đổi vô thường và dẫn đến sự không thỏa mãn. Còn tình yêu thương vô điều kiện dựa trên trí tuệ, không có đối tượng năng sở, không cần đáp trả nên trải rộng tự nhiên và vững bền.
Ở đây chúng ta chỉ cần tưởng tượng và quán chiếu về sắc thân Phật Bản tôn Quan Âm. Bằng phương pháp thực hành này tự nhiên lòng từ bi vô điều kiện trong bạn được trưởng dưỡng bởi Phật Bản tôn, Thượng sư, là tình yêu thuộc về sự kính ngưỡng, thuộc về lòng chí thành không có dục vọng.
  • Kết quả việc thiền định về Phật Bản tôn giúp chúng ta đạt được Tam thân Phật. Tam thân Phật không là gì cả, là thuật ngữ chúng ta phải có thời gian thực hành, trải nghiệm thực chứng nhiều hơn là lý thuyết. Tam thân Phật chính là Pháp thân, Báo thân, Hóa thân, tương ứng với thân, khẩu, ý giác ngộ của chúng ta: Pháp thân là tâm, Báo thân là khẩu, Hóa thân là thân của chúng ta. Chúng ta phải trải nghiệm được tinh túy thân, khẩu, ý nơi mình. Đây là kết quả của việc thực hành Phật Bản tôn.
Quý vị phát tâm thực hành trí chân ngôn Hoạ hình Bảo tháp có thể theo hướng dẫn tại đây và có thể download Hình hoạ theo ảnh dưới.

 
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,454
Số người trực tuyến: