Sắc thân Đức Phật Quán Thế Âm mang ý nghĩa gi? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Sắc thân Đức Phật Quán Thế Âm mang ý nghĩa gi?

2305
15/01/2017 - 09:00
Avalokiteshvara là đức Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn của lòng từ bi phương tiện thiện xảo thì Chenrezig hay đức Quan Âm Tứ thủ chính là đức Phật của lòng từ bi vô lượng, hiện thân của sự chứng ngộ Tứ Vô Lượng Tâm Từ - Bi - Hỷ - Xả.
 
 
Trên phương diện ý nghĩa hình ảnh Bản tôn, trong khi các truyền thống Đại thừa, Tiểu thừa giữ gìn bảo trì kinh tạng bằng kinh điển ngôn ngữ, tạng ngữ Pali, Phạn ngữ thì truyền thống Kim Cương thừa không chỉ nhấn mạnh lưu giữ Tam tạng Kinh - Luật - Luận và các Mật điển mà còn bảo tồn tinh hoa kinh điển qua biểu tượng, đồ hình Mandala và các bản tranh Thangka. Thangka là những bức tranh họa được mô tả theo ý nghĩa kinh điển, không được tự ý sáng tạo, vì cảm hứng đó còn nằm trong nhận thức chấp ngã tương đối, chưa giác ngộ. Người đời sau nếu dựa vào sáng tác cảm hứng để sử dụng tu tập thì ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và tự tạo chướng ngại cho tiến trình giác ngộ của họ. Vì vậy, tiến trình sáng tạo tranh họa Kim Cương thừa không được theo ý thích thông thường mà phải là những trải nghiệm chứng ngộ. Thangka, đồ họa trở thành đối tượng linh thiêng để hành giả Kim Cương thừa tu tập, tích lũy công đức trí tuệ. Vì vậy kho tàng nghệ thuật quý giá nhất trong Kim Cương thừa là pháp khí, biểu tượng, đồ hình Mandala. Những biểu tượng đồ hình này không dùng chữ nghĩa văn tự, vì chữ nghĩa còn có thể biến đổi sau hàng nghìn năm nhưng đồ hình Mandala, Thangka thì không
 
 

 

Những biểu tượng linh thiêng này có phẩm chất giác ngộ vô thủy, tồn tại với mục đích giải thoát khỏi vô minh, trải qua mọi thời đại, xuyên suốt mọi thế hệ. Bởi vậy, hành giả tu tập Kim Cương thừa không dựa nhiều trên kinh điển mà dựa trên sự thiền định trực giác sâu xa về nguồn cội ý nghĩa hình ảnh Mandala, Thangka hay nghi quỹ. Nhờ những hình ảnh như những tấm bản đồ là tâm điểm của tinh túy Phật pháp này, hành giả có thể quay trở lại nội tâm mình, sống với sự hợp nhất của niềm đại hỷ lạc và tính không bất nhị hướng tới sự giải thoát tối thượng.

Đức Quan Âm Tứ Thủ được mô tả an tọa trên tòa sen trắng và đĩa mặt trăng, thân sắc trắng, một mặt và bốn tay, hai tay chắp lại trì giữ ngọc Mani như ý, tay phải thứ hai cầm tràng pha lê, trong khi tay trái thứ hai cầm hoa sen. Ngài an tọa trong tư thế Kim Cương, trang sức các thiên y lụa là và trang hoàng quý báu nêu biểu cho tất cả phẩm hạnh giác ngộ của Ngài. Ngài có một đầu nêu biểu tự tính tuyệt đối của vạn pháp. Ngài an tọa trong tư thế Kim Cương nêu biểu tính nhất như của sinh tử và Niết bàn. Tòa sen trắng tượng trưng cho lòng từ bi. Áo da thú trên vai nêu biểu hạnh nguyện nhập thế đồng sự cứu giúp chúng sinh của ngài. Ngài mỉm cười bi mẫn với sự hiểu biết trong tình yêu thương bình đẳng. Cặp mắt của Ngài tràn đầy lòng từ bi nhìn hướng về chúng sinh. Bốn tay nêu biểu cho Tứ Vô Lượng Tâm Từ - Bi - Hỷ - Xả. Ngài là vị Phật có lòng từ bi vô lượng, là hiện thân chứng ngộ Tứ Vô Lượng Tâm. Tứ Vô Lượng Tâm này là phương tiện thiện xảo cứu độ chúng sinh của ngài. Tay phải thứ hai cầm tràng pha lê nêu biểu sự liên tục cứu giúp chúng sinh mà không bỏ xót một ai, chuỗi tràng cũng nêu biểu chân ngôn của Ngài. Trong khi tay trái thứ hai cầm hoa sen nêu biểu Bồ đề tâm thanh tịnh dù ứng hiện thân vào các cõi luân hồi nhiễm ô để cứu giúp chúng sinh, nhưng Ngài vẫn thanh tịnh vô nhiễm như hoa sen mọc trong bùn.

- Một mặt là nghĩa Thông đạt Pháp tánh
- Bốn tay nêu biểu Tứ vô lượng tâm
- Thân màu trắng nêu biểu tự tánh thanh tịnh vô cấu, không bị phiền não chướng, sở tri chướng quấy động.
- Đầu đội vương miện Ngũ trí Phật nêu biểu ngũ Trí.
- Tóc màu đen nêu biểu vô cấu.
- Ngũ sắc Thiên y nêu biểu Ngũ Phương Phật.
- Quần lụa màu đỏ nêu biểu Diệu Quang Sát Trí của Liên Hoa Bộ.
- Sáu thứ trang sức từ khuyên tai trở xuống nêu biểu Lục độ.
- Vòng Anh Lạc thứ nhất nêu biểu Bất Động Như Lai do Thiền Định thành tựu.
- Vòng Anh Lạc thứ hai nêu biểu Đức Phật Bổn Sinh do Bố Thí thành tựu.
- Vòng Anh Lạc thứ ba nêu biểu Đức Bất Không Thành Tựu Như Lai do Tinh Tiến thành tựu.
- Vòng Hoa trang nghiêm toàn thân nêu biểu vạn hạnh.
- Ngồi Kiết già phu nêu biểu Không Trụ Sinh Tử
- Tay ấn nêu biểu Không Trụ Niết bàn.
- Hai tay ở giữa chắp lại trước ngực nêu biểu Trí tuệ và Phương tiện hợp nhất song vận.
- Mỗi hạt Tràng thuỷ tinh ở tay phải nêu biểu cứu độ mỗi chúng sinh thoát ly Luân hồi.
- Tay trái cầm Hoa Sen nêu biểu thanh tịnh hết thảy phiền não

Tất cả đặc điểm trong hình ảnh Đức Quan Âm là nêu biểu những đức hạnh, thần lực và công hạnh Ba la mật vi diệu của Ngài.
Câu chân ngôn  OM MANI PADME HUNG là Pháp tu hợp hành nhất giữa Phương tiện và Trí tuệ, giúp hành giả đem thân, khẩu, ý bất tịnh của mình mà chuyển hoá thành Thân Khẩu Ý thanh tịnh tôn kính như chư Phật. Chúng ta không nên tìm cầu Phật quả ngoài tâm, phải biết phương pháp cốt yếu thành Phật đều từ trong tự tâm của chúng ta.

 
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,129,429
Số người trực tuyến: