Bạn đang ở đây
Không có sự khác biệt giữa Sống để Yêu thương và thực hành Phật pháp
Toàn bộ giáo pháp của Đức Phật đều là Sống để Yêu thương. Thật ra, không có nhiều sự khác biệt giữa Sống để Yêu thương và thực hành Phật pháp. Thật không may, chúng ta phải tách rời hai điều này, bởi vì chúng ta không thực sự biết làm thế nào để kết hợp hai điều này với nhau cùng một lúc.
Chư ni Kungfu với thiện hạnh cứu trợ nhân đạo sau trận lũ và sạt lở đất tại Nepal năm 2019
Bởi vì theo một cách nào đó, chúng ta rất cuồng tín về Sống để Yêu thương, về việc thực hành Phật pháp. Thực hành Phật pháp được cho rằng không phải là Sống để Yêu thương, cũng như Sống để Yêu thương không được coi là thực hành Phật pháp. Nhưng thực tế, hai điều này phải thực sự đi cùng nhau.
Thực tế mà nói, đôi khi không hẳn là không may mắn, mà chúng ta sống ở các thời điểm khác nhau, ở những nơi khác nhau, những quốc gia khác nhau và có những hoàn cảnh khác nhau. Song điều đó khiến chúng ta có xu hướng phân biệt và tách rời hai việc này.
Chúng ta chủ đích phân biệt như vậy, bởi vì mọi người luôn có xu hướng cho rằng bảo vệ thiên nhiên là trồng trọt cây xanh, làm sạch rác và các mặt hàng không phân hủy sinh học như nilon, nhựa và những thứ khác. Đây dường như không phải là thực hành Phật pháp. Đây là lý do tôi nói thật không may, khi mọi người nghĩ rằng đây không phải là thực hành Phật pháp. Họ cho rằng có thể là thực hành của Kitô giáo hoặc là một phong trào ngoại đạo, hoặc của một tổ chức X nào đó.
Họ nghĩ thực hành Phật pháp là ngồi an tọa, thiền định, tụng kinh và đi nhiễu tháp hay hành hương triều bái thánh địa, trì chân ngôn. Còn bước ra ngoài để trồng cây, đi xuống thung lũng để bảo vệ nguồn nước, hay quan tâm đến băng tan, dường như không phải là thực hành Phật pháp. Đây là những gì những người cuồng tín nghĩ.
Song thực tế, chúng ta cần quan tâm tới bản chất, và khi nói đến thực hành, tức chúng ta nói về Đại Thủ Ấn.
Khi chúng ta nói về Đại toàn thiện, khi chúng ta nói về bản chất sự thực hành chân chính, chúng ta đang góp phần bảo vệ thiên nhiên một cách nhậm vận tự nhiên.
Tự tính tối thượng là Đại Thủ Ấn, là Đại Toàn thiện. Nhưng rõ ràng, cho đến lúc đạt được sự hiểu biết về Đại Thủ Ấn, chúng ta có những cách khác nhau để thực hành. Nhưng về cơ bản, chúng ta thực sự cần quan tâm tới thiên nhiên, tới tự tính tự nhiên dưới các hình thức khác nhau.
Cây cối không phải là yếu tố tự nhiên duy nhất chúng ta cần quan tâm. Nước cũng là một yếu tố tự nhiên, song đó cũng không phải là điều duy nhất. Tương tự với không khí, chúng ta cũng cần quan tâm, nhưng không phải thứ duy nhất chúng ta nói đến. Như vậy, mọi yếu tố thiên nhiên thực sự cần phải được quan tâm đồng thời.
Mục tiêu của chúng ta là Đại Thủ Ấn, là Đại Toàn thiện, chứng ngộ Phật tính. Chúng ta nói đến Tathagatagarbha nghĩa là tự tính Phật.
Như vậy, điều đó có nghĩa là tự tính Phật chính là toàn bộ thiên nhiên, khái niệm thiên nhiên theo nghĩa là toàn bộ vũ trụ. Điều này rất quan trọng.
Vì vậy, từ giờ trở đi, khi nói đến Sống để Yêu thương, cho dù bạn có tin hay không, bạn có cảm thấy thoải mái hay không, chúng ta nói về những thiện hạnh Sống để Yêu thương. Nhưng với tư cách là một hành giả, bạn phải hiểu hai điều này cần được thực hành đồng thời.
(Trích khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tại Hongkong, 2018)
- 252 reads