Bạn đang ở đây
Hạnh phúc thực sự đến từ bên trong nội tâm mỗi người
“Đạo Phật không tin vào sự cải đạo, không bắt buộc người khác phải cải đạo theo tôn giáo của mình. Đức Phật dạy rằng mỗi cá nhân cần có sự tự do trong đức tin. Tự do có nghĩa là họ sẽ tự chọn cho mình một lối sống hòa hợp và đầy hiểu biết, không quan trọng sắc màu tôn giáo. Sự hiểu biết trọn vẹn chính là trí tuệ giúp mọi người có được thành công, hạnh phúc và an lạc”
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khai thị tại Pháp hội quán đỉnh Đại bi Quan Âm, chùa Ân Hậu, Nghệ An, tháng 3/2010)
Hôm nay tôi rất hoan hỷ khi lần đầu tiên viếng thăm ngôi chùa này. Được sự thỉnh cầu của Thượng tọa trụ trì, tôi sẽ truyền quán đỉnh Đức Phật Bản tôn Quan Âm. Đạo Phật có những phương tiện giúp cải thiện cuộc sống, đó là phương pháp thực hành về Bồ Tát Quán Thế Âm hay Đức Phật của lòng bi mẫn. Thực hành và thành tựu pháp này sẽ giúp đời sống chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.
Nhưng trước hết, tôi muốn giải thích một chút về ý nghĩa của Đức Quan Âm. Theo truyền thống Hiển giáo, chúng ta gọi Ngài là “Vị Phật của lòng Từ bi”, bậc luôn quán chiếu và ban trải tình thương cứu độ mọi loài hữu tình. Trong Kim cương thừa, Ngài cũng được tôn xưng là Đức Phật của tình yêu thương.
Tâm từ bi là sự hiểu biết, tình thương yêu, lòng cảm thông, bao dung lẫn nhau. Đây là phẩm hạnh quan trọng và cần thiết để chúng ta có thể sống và tồn tại trên thế giới này. Bởi Đức Quan Âm biểu trưng cho phẩm hạnh này nên Ngài được thờ phụng rộng khắp. Những người theo đạo Phật và cả những người không theo đạo Phật cũng đều kính ngưỡng và đặt trọn niềm tin nơi Ngài.
Trên thực tế, loài người ai cũng mong cầu an vui, hạnh phúc. Để có hạnh phúc chân thật, bạn cần trưởng dưỡng trí tuệ hiểu biết. Với trí tuệ hiểu biết, chúng ta hướng sự tôn trọng, cảm thông về người khác. Nhờ có điều này chúng ta sẽ được cùng chung sống trong hòa bình, hạnh phúc. Điều này rất ý nghĩa bởi dù muốn hay không muốn, chúng ta vẫn phải cùng tồn tại trên thế giới. Chúng ta không có nhiều lựa chọn và cũng chẳng thể trốn thoát hoàn cảnh cuộc sống. Hạnh phúc thực sự đến từ bên trong nội tâm mỗi người. Bởi thế, điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra chìa khóa hạnh phúc an lạc ngay trong hoàn cảnh hiện tại. Như tôi đã nói, tất cả chúng ta đều muốn tạo dựng hạnh phúc cho mình, nhưng vấn đề là làm thế nào? Câu hỏi tiếp đến là nếu đã có hạnh phúc cá nhân thì làm thế nào để sống hòa thuận vui vẻ với mọi người. Bạn cần biết rằng có những thứ hạnh phúc không đem lại sự hòa thuận mà lại tạo nên kiêu mạn, ghen tỵ, giận dữ, tham lam,... Bởi vậy, chúng ta cần phải hiểu biết toàn diện về các khía cạnh của hạnh phúc để có thể sống tốt đẹp, có ý nghĩa hơn. Các khía cạnh này được chỉ bày trong giáo pháp của Đức Phật. Đây là những phương pháp thiện xảo thù thắng giúp chúng ta tìm được chân hạnh phúc cho mình và trong mối quan hệ với mọi người.
Bạn cũng cần biết để cải thiện cuộc sống, chúng ta không nên đơn thuần chú trọng các phương diện vật chất như của cải, tiền bạc, nhà cửa, danh vọng,... mà còn cần đi kèm với sự phát triển tâm linh, nói cách khác là trưởng dưỡng trí tuệ và tình thương yêu.
Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm làm thế nào để tạo nên một bầu không khí an lành, cảm thông và hòa hợp trong cộng đồng. Tôi được biết có những tôn giáo khác nhau cùng phát triển tại địa phương này. Trách nhiệm của mỗi chúng ta là làm thế nào để đạt được sự hòa hợp giữa các tôn giáo, các gia đình, những người bạn và hàng xóm khác nhau. Biết tôn trọng lý tưởng tôn giáo, đối xử trên tinh thần cảm thông, trân trọng, tràn đầy hiểu biết chính là phương pháp để thế giới này được hòa bình và an lạc.
Muốn đời sống có ý nghĩa thì sự hiểu biết hay trí tuệ cần được phát triển. Đó là công việc mà chúng ta phải mất khá nhiều thời gian, đôi khi là nhiều tháng, nhiều năm, có khi nhiều đời để phát triển trọn vẹn trí tuệ hiểu biết này. Vì thế, mỗi chúng ta cần nỗ lực rèn luyện, thực tập để phát triển trí tuệ ngay trong từng phút giây của đời sống này.
Đạo Phật không tin vào sự cải đạo, không bắt buộc người khác phải cải đạo theo tôn giáo của mình. Đức Phật dạy rằng mỗi cá nhân cần có sự tự do trong đức tin. Tự do có nghĩa là họ sẽ tự chọn cho mình một lối sống hòa hợp và đầy hiểu biết, không quan trọng sắc màu tôn giáo. Sự hiểu biết trọn vẹn chính là trí tuệ giúp mọi người có được thành công, hạnh phúc và an lạc.
Chúng ta nên sống thuận với tự nhiên để hướng đạo cuộc đời mình. Phương cách tự nhiên để hướng đạo cuộc đời chính là tình yêu thương. Một phương cách tự nhiên khác để có được tự do giải thoát chính là sự hiểu biết. Từ “giải thoát” có nghĩa là sự hiểu biết hay trí tuệ vĩ đại, đó là con đường mà cả Tam thừa Phật giáo đều tin theo. Giận dữ, tham ái và tật đố là những xúc tình phiền não mà trong đời sống chúng ta phải đấu tranh hay đối diện. Để thoát khỏi sự chi phối của xúc tình phiền não, chúng ta phải hiểu các trạng thái xúc tình đó là gì, từ đâu đến, tác hại của nó ra sao. Chỉ cần hiểu ba ý chính này, tự nhiên bạn sẽ làm chủ các xúc tình phiền não.
“Giải thoát” có nghĩa là biết trực diện, dàn xếp và làm chủ những xúc tình chứ không phải là trốn chạy hay loại trừ chúng. Thực sự không có con đường nào để chạy trốn những xúc tình bởi chúng là một phần cố hữu bên trong chính bạn. Có những người xúi giục chúng ta chạy trốn khỏi xúc tình, phủ nhận gia đình, rũ bỏ mọi ràng buộc vật chất trên thế giới này. Đó không phải là tinh thần của đạo Phật và điều này cũng chẳng hề thực tiễn trong xã hội hiện đại. Phật giáo dạy chúng ta làm thế nào để có thể dàn xếp, chuyển hóa với Ngũ độc hay năm loại xúc tình phiền não, “những người bạn” lâu đời và gần gũi nhất của chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay. Thông thường những loại xúc tình phiền não này dẫn dắt và làm chủ cuộc đời bạn. Chúng khiến bạn thống khổ và vì thế chúng ta cần tìm phương pháp thoát khỏi “kẻ thống trị” này để có lại tự do. Chúng ta cần làm bạn, không phải chạy trốn, mà cần sống và làm việc một cách hòa hợp, thoát khỏi sự kiềm tỏa chi phối của chúng.
Có thể mọi người không hiểu tại sao chúng ta lại phải “làm việc” với các xúc tình thay vì chối bỏ chúng. Trên thực tế, nếu thiếu những xúc tình này sẽ không có cuộc sống. Đời sống của chúng ta liên hệ rất mật thiết hay được thiết lập trên các xúc tình. Cho nên nói một cách hiểu biết thì xúc tình là cội nguồn của tâm lý, cội nguồn của mọi hoạt động trong đời sống. Xúc tình là sự chuyển động, hoạt động, là chất liệu và nguồn sinh lực của đời sống. Nếu không có xúc tình thì đời sống của chúng ta sẽ cằn cỗi như cỏ khô, sỏi đá, hay chúng ta sẽ như những kẻ sắp chết không còn chút mảy may sinh lực nào. Chúng ta cần sống với xúc tình một cách tự tại. Sự phát triển của thế giới bên ngoài chính là kết quả của loại xúc tình này.
Chúng ta luôn nỗ lực phát triển cuộc sống, gia đình, sự nghiệp,... rất nhiều thứ để giúp cho đời sống của mình và mọi người trở nên tốt đẹp, chính vì thế chúng ta cần chuyển hoá và làm chủ tình cảm của mình. Nếu không thể làm chủ được tình cảm thì năng lực và sức mạnh của xúc tình tiêu cực sẽ phá hủy đời sống của chúng ta. Chúng ta sẽ phá hủy thế giới, làm khổ bạn bè và tự hủy hoại chính mình. Xúc tình tiêu cực khi ấy sẽ trở nên rất nguy hại. Bởi vậy, tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng sự phát triển hay hạnh phúc bên ngoài là không cần thiết, bạn bè thân hữu cũng không cần thiết. Tôi tin rằng chúng ta cần bạn bè, chúng ta cũng cần những thành tựu trên phương diện vật chất, kinh tế, khoa học,... nhưng hơn hết chúng ta cần phải biết cách làm chủ và kiểm soát được các xúc tình của mình. Đó chính là sự tự do, giải thoát theo quan kiến Phật giáo.
Chúng ta cần thực hành để có được sự hiểu biết và tình thương yêu. Trí tuệ và tình yêu thương là đôi cánh của toàn giác. Nếu có hoạt động thương yêu nhưng không có trí tuệ hiểu biết thì điều này cũng giống đi trên đường nhưng không có mắt. Ngược lại, có sự hiểu biết mà không có hoạt động yêu thương thì giống như có mắt để nhìn nhưng lại không có chân để đi. Bởi thế chúng ta cần cả hai phương diện này. Chân và mắt giống như yêu thương và trí tuệ phải được kết hợp với nhau giúp chúng ta tiến bước trên con đường hạnh phúc an lạc.
(Trích ấn phẩm "Mandala - Sự hợp nhất từ bi và trí tuệ theo quan kiến Kim cương thừa" giới thiệu các kỳ Pháp hội Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn tại Việt Nam qua các năm cùng tập hợp các giáo Pháp tôn quý được Đức Pháp Vương chia sẻ trong những kỳ Pháp hội này, Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành).
- 2868 reads