Bạn đang ở đây
Khai mở năng lượng tình yêu thương
“Trí tuệ sẽ giúp chúng ta khai mở tình yêu thương, nếu không có trí tuệ thì tình yêu thương sẽ mãi khép kín, tâm chúng ta sẽ mãi chật hẹp và đầy thủ chấp”
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khai thị tại Pháp hội quán đỉnh Quan Âm, chùa Quan Âm, Biên Hòa, Đồng Nai, tháng 3/2010)
Lời đầu tiên tôi xin bày tỏ niềm tri ân sâu sắc đến chư Tôn đức Tăng Ni, đặc biệt là Ni trưởng trụ trì và chư Tăng, Ni trụ xứ Quan Âm Tu Viện cùng tất cả Phật tử gần xa có duyên câu hội về đạo tràng này.
Xin cảm niệm sự ủng hộ nhiệt thành của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thành hội Phật giáo Hà Nội đã mời tôi và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa tới Việt Nam để cầu nguyện quốc thái dân an và chia sẻ những giáo pháp quý giá của Đức Phật.
Hôm nay chúng tôi được thỉnh trao truyền quán đỉnh về Đức Quan Âm, là vị Phật Bản tôn với câu Lục tự Đại minh chân ngôn rất nổi tiếng “Om Mani Padme Hung”. Trước hết, tôi xin giảng sơ qua về ý nghĩa của câu chân ngôn này.
Đầu tiên, các bạn cần biết chủng tử “Om” tượng trưng cho năng lượng vũ trụ, là sự kết hợp hài hòa của năng lượng từ bi và trí tuệ. “Mani” là ngọc như ý tượng trưng cho lòng từ bi không thể bị phá hủy. “Padme” là hoa sen tượng trưng cho trí tuệ hay bản chất thanh tịnh bản lai. Âm “Hung” tượng trưng cho sự viên mãn thành tựu. Như vậy “Om Mani Padme Hung” tượng trưng cho năng lượng vũ trụ, năng lượng bất hoại và bản chất thanh tịnh nguyên sơ cùng với những phẩm chất của sự chứng ngộ viên mãn. Bất kỳ ai thực hành trì niệm câu chân ngôn này sẽ thành tựu sự hợp nhất diệu kỳ của năng lượng và sự thanh tịnh. Đạo Phật thường nói về sự kết hợp từ bi và trí tuệ hay trí tuệ và tình thương yêu. Ở đây sự kết hợp giữa Mani và Padme cũng là hợp nhất của từ bi và trí tuệ. Ngọc như ý Mani tượng trưng cho tình yêu thương, Padme tượng trưng cho sự hiểu biết hay tự tính thanh tịnh. Hiểu biết rằng vạn vật vốn thanh tịnh từ nguyên sơ gọi là trí tuệ, nếu không có trí tuệ này chúng ta còn bị luân hồi làm nhiễm ô. Chúng ta cần ban trải tình thương tới tất cả mọi người, mọi loài và đặc biệt cho chính bản thân mình. Trước hết, bạn cần phải có trí tuệ biết cách thương yêu chính mình để rồi có thể thương yêu người khác.
Kinh điển Phật giáo dạy rằng loài người, loài vật hay các loài hữu tình nói chung trên thế giới này đều có tình yêu thương. Đây là bản năng gốc của mọi loài hữu tình. Tình yêu thương hiển diện ở khắp nơi, thậm chí những người xấu xa hay những động vật hung ác nhất trên thế gian này cũng có sẵn tình thương tự nhiên. Tuy nhiên, tình yêu thương đó còn đang tiềm ẩn chỉ vì chưa hợp nhất được với trí tuệ. Thêm nữa, năng lượng của nó bị sử dụng sai trái dẫn đến muôn vàn khổ đau. Chính vì thế, việc trưởng dưỡng trí tuệ nơi mỗi người là điều vô cùng cần thiết. Câu chân ngôn “Om Mani Padme Hung” có rất nhiều ý nghĩa thể hiện sự kết hợp giữa trí tuệ và tiềm năng yêu thương. Tình yêu thương phải được trưởng dưỡng bằng trí tuệ. Trí tuệ cần phát triển thông qua thiền quán. Thiền quán có hai khía cạnh: Một là tư duy hiểu biết theo đúng chân lý, đúng sự thật. Hai là sự cầu nguyện, gia trì để có thể mở rộng trái tim yêu thương mẫn cảm. Nếu hoa sen tượng trưng cho trí tuệ thì tư duy thiền quán giống như mặt trời giúp hoa sen được khai nở. Câu chân ngôn Lục tự đại minh chính là lời cầu nguyện diệu kỳ có khả năng đánh thức năng lực từ bi trí tuệ vỗn sẵn đủ nơi mỗi người.
Dưới phương diện thực hành, chúng ta có thể trưởng dưỡng tình yêu thương thông qua sự gia trì đầy bi mẫn của Đức Quan Âm. Đức Quan Âm là vị Phật của lòng Từ bi được nhiều người biết đến, không chỉ Phật tử mà cả những ai chưa là Phật tử cũng tán thán và nương tựa vào Ngài. Câu chân ngôn “Om Mani Padme Hung” có công dụng kết hợp tình thương yêu tự nhiên mà chúng ta sẵn có với trí tuệ hiểu biết. Vì thế, đây là câu chân ngôn có tầm quan trọng đặc biệt và người ta thường trì tụng chân ngôn này như bài nhật tụng cùng với sự nhất tâm hướng tới Đức Quan Âm. Chúng ta cũng trì tụng thỉnh cầu Ngài ban gia trì để được che chở, bảo hộ, có được thành công trên cả phương diện thế gian và xuất thế gian, được thành tựu trong kiếp này và những kiếp tương lai, trở thành một người tốt, một hành giả thực hành Phật pháp chân chính.
Bạn cũng cần nhớ rằng bất kỳ sự gia trì nào của Đức Phật Thích Ca, Đức Quan Âm, Đức Văn Thù hay Đức Liên Hoa Sinh cũng đều là sự gia trì của Phật, của Như Lai tạng, hay là sự gia trì của Bản tính tâm tự nhiên, đó là sự gia trì quan trọng nhất mà chúng ta cần tìm cầu. Không phải chúng ta mong cầu một sự thần bí, huyền hoặc nào bên ngoài mà chúng ta hướng tới sự chuyển hoá chính ngay trong đời sống thường nhật của mình. Đời sống chúng ta mỗi ngày cần phải được cải thiện, như vậy được coi là sự gia trì. Sự gia trì của Đức Quan Âm có thể được thực hiện theo nhiều cách thức khác nhau. Trong Kim cương thừa, chúng ta có truyền thống ban nước cam lộ gia trì hay ban sợi dây cát tường để bảo vệ bạn tránh khỏi các chướng ngại, bệnh tật, tai nạn, và gia trì cho bạn sức khỏe, trường thọ. Tất cả những lễ phẩm Ganachakra được dâng cúng và sau đó được chia lại cho các bạn cũng chính là phẩm vật gia trì. Theo Kim cương thừa, cuộc sống trên thế gian này tràn ngập sự gia trì. Có rất nhiều loại gia trì ở bên ta như mưa, gió, cầu vồng hay thậm chí một bóng cây che mát, nhưng chỉ vì vô minh che chướng mà chúng ta không nhận ra và bị lỡ cơ hội đón nhận. Tuy thế, sự gia trì vẫn luôn sẵn ở bên ta, chỉ cần trì tụng câu chân ngôn “Om Mani Padme Hung” nhiều lần để khai mở hoa sen trí tuệ, chúng ta sẽ đón nhận và hân hưởng được trọn vẹn sự gia trì đó.
Trong Kim cương thừa có rất nhiều phương pháp để thực hành hạnh yêu thương. Pháp hội cúng dàng hợp nhất từ bi và trí tuệ Ganachakra là một trong những phương pháp thiện xảo quan trọng ấy. Ví dụ: trong pháp cúng dàng này, tất cả lễ phẩm được chia như hoa quả, bánh kẹo,... hay thức ăn đều tượng trưng cho hoạt động yêu thương, còn những thứ có thể uống được như sữa, nước trái cây, nước ngọt thì tượng trưng cho trí tuệ, sự hiểu biết hay giác ngộ. Hai loại thực phẩm và nước cúng dàng này tượng trưng cho phương tiện thiện xảo của tình yêu thương. Cho nên chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa chân thực của việc nhận được các phẩm vật này. Bạn cần uống nước, ăn bánh và hãy tự nhủ với mình rằng: “Ta cần nắm giữ các phương tiện thiện xảo của từ bi và trí tuệ”. Hãy khai mở, duy trì, trưởng dưỡng hai phẩm hạnh này trong cuộc đời và bạn sẽ tự nhiên thụ nhận sự gia trì đầy ân phúc của chư Phật.
Ganachakra là một thuật ngữ mới lạ đối với các bạn, ý nghĩa của Ganachakra hay ý nghĩa của thuật ngữ “Sống để yêu thương” không khác biệt nhau. “Chakra” là tình yêu thương, tượng trưng cho các hoạt động của tình yêu thương, còn “Gana” tượng trưng cho cuộc sống hay sự hợp nhất. Tất cả mọi sự vật hiện tượng trên thế giới đều được tạo thành từ những duyên khác nhau. Ví dụ: nếu bạn muốn vỗ tay thì cần phải sử dụng hai tay, không thể dùng một tay. Nếu bạn muốn có lửa, thì cần phải có gỗ đốt, gió và lửa hợp lại. Đó là sự kết hợp của nhân duyên, hợp nhất của cuộc sống hay là Gana. Chakra là bánh xe; Gana là sự hợp nhất, Ganachakra nghĩa là bánh xe của sự hợp nhất, là sống để yêu thương mà Đại thừa gọi là Bồ đề tâm. Các bạn cũng nên hiểu rõ những nghĩa này. Mọi người thường nhìn vào buổi lễ và cho đó là bữa tiệc, nhưng nó còn có nghĩa là một Pháp hội cúng dàng các thiện hạnh sống để yêu thương hay Pháp hội cúng dàng từ sự phát triển trọn vẹn Bồ đề tâm.
Đến đây là kết thúc những hướng dẫn vắn tắt về nguyên lý của Kim cương thừa về Bồ đề tâm, hay là sự kết hợp giữa từ bi và trí tuệ. Cầu nguyện rằng chúng ta sẽ có nhiều nhân duyên gặp lại và tiếp tục trợ giúp để cùng nhau xây dựng cuộc sống cho mình và mọi người ngày càng tốt đẹp hơn. Xin chân thành cảm ơn các bạn!
(Trích ấn phẩm "Mandala - Sự hợp nhất từ bi và trí tuệ theo quan kiến Kim cương thừa" giới thiệu các kỳ Pháp hội Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn tại Việt Nam qua các năm cùng tập hợp các giáo Pháp tôn quý được Đức Pháp Vương chia sẻ trong những kỳ Pháp hội này, Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành)
Viết bình luận
- 1565 reads