Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên - Suối nguồn trí tuệ và ân phúc gia trì | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên - Suối nguồn trí tuệ và ân phúc gia trì

3295
17/03/2022 - 17:13

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2012, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã giải đáp một số câu hỏi về Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên tại khu danh thắng chùa Tây Thiên Phù Nghì (xã Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ngôi Đại Bảo tháp này do đích thân Đức Pháp Vương thiết kế theo sự kiến lập vũ trụ Mandala và đặt nền móng xây dựng có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang dần hoàn thiện các hạng mục cuối.



 

Hỏi: Với tư cách bậc lãnh tụ tâm linh và bậc Thượng sư giác ngộ, kính xin Đức Pháp Vương chia sẻ về ý nghĩa của Đại Bảo tháp Tây Thiên đối với vùng linh địa Tây Thiên nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung?

 

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Nói chung, Bảo tháp là biểu trưng của đại trí tuệ  của Phật pháp, sự giác ngộ toàn tri của Đức Phật. Riêng Đại Bảo tháp Tây Thiên là ngôi Bảo tháp linh thiêng và tôn quý đầu tiên được xây dựng theo kiến trúc nghệ thuật Mandala Phật giáo Kim cương thừa ở Việt Nam, có lẽ chưa từng được xây cất ở Đông Nam Á. Như một suối nguồn trí tuệ, ngôi Đại Bảo tháp này sẽ bắt đầu ban trải năng lực ân phúc gia trì từ Tây Thiên tới khắp cả tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, hướng tới phương Nam, ban trải suốt từ Bắc đến Nam và bao trùm cả đất nước Việt Nam. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu đơn vị bảo trợ, đơn vị xây dựng đặt hướng Bảo tháp và tượng Phật quay về phương Nam để năng lượng gia trì được ban trải tới từng miền, từng tỉnh thành, và từng người trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là điều tôi luôn mong mỏi và cầu nguyện sẽ thành hiện thực.



 

Hỏi: Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên là kỳ quan đặc trưng phong cách Kim cương thừa đích thực đầu tiên tại Việt Nam, lại được chính tay Ngài thiết kế. Vậy hẳn phải có mối nhân duyên đặc biệt giữa Ngài với đất nước Việt Nam và đặc biệt là miền đất Tây Thiên?

 

Đúng vậy, đây là một mối nhân duyên đặc biệt thù thắng, không chỉ có ở đời này mà vốn sẵn có từ rất nhiều đời trước. Nhưng cũng không nhất thiết phải kể về những chuyện xảy ra ở các đời trước, vả lại cũng nhiều người không tin vào chuyện kiếp trước, nói thêm e mất thời gian. Và dĩ nhiên trong đời này, khi đến đây, tôi đã có một cảm nhận thiện lành về vùng đất Tây Thiên. Những người dân ở Tây Thiên, Vĩnh Phúc và đặc biệt là chư Ni ở đây đã trưởng dưỡng một mối thiện duyên rất mạnh mẽ với tôi và giáo pháp của tôi. Bản thân chư Ni Tây Thiên cũng đã có thiện duyên kết nối và phát triển tâm chí thành dâng hiến với các bậc Thầy của Truyền thừa Drukpa từ trước khi hạnh ngộ với tôi. Hơn thế nữa, tôi đã có những linh kiến đặc biệt về ngôi Đại Bảo tháp này khi tới thăm Tây Thiên. Chính vì thế tôi đã truyền trao quan kiến ấy và hướng dẫn chi tiết chư Ni Tây Thiên thiết kế xây dựng ngôi Đại Bảo tháp này ngay trên miền đất thiêng Dakini Không Hành Mẫu để mang lại lợi ích cho rất nhiều người.

 

Tôi đã chọn chính địa điểm này làm nơi xây dựng Đại Bảo tháp với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, của các tổ chức và cá nhân phát tâm cúng dàng ủng hộ. Lúc này, mọi việc diễn tiến rất tốt và tôi rất hào hứng. Đặc biệt là với chuyến đi ngắn ngày ngoài kế hoạch mà nhiều người gọi vui là “chuyến du hành trong mơ”, tôi muốn chắc chắn mọi việc đều ổn thỏa trước khi chư Đại đức Tăng Ni ở đây yểm các xá lợi linh thiêng vào Bảo tháp. Tôi đã dành ra hai ngày tại đây vì muốn đích thân đảm bảo mọi chi tiết của Bảo tháp đều được triển khai cẩn thận và được ban phúc gia trì thực sự. Và bây giờ tôi hoàn toàn yên tâm về điều này. Tôi hy vọng Đại Bảo tháp sẽ được khánh thành trong thời gian ngắn nữa, và khi đó chúng ta sẽ lại có khoảng thời gian tái ngộ đầy phúc lạc.

 

Hỏi: Xin Đức Pháp Vương từ bi khai thị và có lời dặn dò các Phật tử, vốn được truyền cảm hứng qua những buổi giảng pháp và trao truyền quán đỉnh của Ngài ở Việt Nam gần đây, và bắt đầu phát nguyện thực hành Phật pháp!

 

Ví dụ, ngôi Đại Bảo tháp này, nhìn bên ngoài giống như một đài kỷ niệm. Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ hạn định nó như một đài kỷ niệm linh thiêng và hoành tráng, chúng ta cần thấy đây chính là biểu tượng của trí tuệ giác ngộ, là nguồn cảm hứng đích thực thúc đẩy sự thực hành để gieo trồng những hạt giống của tình yêu thương vô ngã đầy trí tuệ, đem lại lợi ích cho hết thảy chúng sinh hữu tình. Trí tuệ sẽ đem lại tình yêu thương, và đến lượt tình yêu thương sẽ được biến thành hành động cụ thể. Như thế hàm chứa trong ngôi Đại Bảo tháp có cả tình yêu thương, trí tuệ và hành động.



 

Vì thế, ngôi Đại Bảo tháp chính là bài giảng trực quan có tác dụng khơi gợi cảm hứng trong mỗi người chỉ bằng việc chiêm bái. Chúng ta thực sự cần tới cảm hứng để mở rộng trái tim đối với thế giới và mọi người. Thường thì người ta rất hiếm khi có cảm hứng với Phật pháp, thay vào đó, tâm trí mê vọng thường dẫn dụ họ hướng tới việc ăn nhậu, trộm cắp, lừa đảo, giết chóc,... Nguồn cảm hứng của con người phần lớn đã bị định hướng sai lệch thay vì hướng tới trí tuệ và tình yêu thương bi mẫn.

 

Đại Bảo tháp được xây cất hiển nhiên là để đem lại sự ban phúc gia trì trải khắp đất nước và trên khắp địa cầu. Sự ban phúc gia trì ấy cần được hiểu là một nguồn cảm hứng. Nếu tâm bạn tràn đầy cảm hứng, và cảm hứng đó lại được truyền vào đời sống thì đời sống đó sẽ tràn đầy ý nghĩa, có sự tập trung cân bằng hơn, có định hướng rõ ràng hơn thay vì tán loạn vô định. Sống vô định không thể gọi là thực sống. Chính ngôi Đại Bảo tháp như thế này sẽ giúp chúng ta định hướng. Đó là lý do vì sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ ra Bảo tháp là biểu trưng cho trí tuệ. Có thể có những pháp khác là biểu trưng cho thân của Đức Phật hay lời của Đức Phật, nhưng những ngôi Đại Bảo tháp như thế này luôn nêu biểu cho trí tuệ. Do đó, khi chiêm bái ngôi Bảo tháp, chúng ta sẽ phát khởi nguồn cảm hứng và từ nguồn cảm hứng ấy trí tuệ sẽ hiển lộ và khích lệ chúng ta tiến tới giúp đỡ mọi người, mọi loài.

 

Trí tuệ luôn sẵn có trong chính mỗi người, nhưng vì vô minh chúng ta không nhận ra và tận dụng khả năng trí tuệ này đem lại lợi ích cho mình và nhân sinh. Nên ngôi Bảo tháp không chỉ là đài kỷ niệm mà còn là Pháp Bảo chân thực không thể hiện trên ngôn ngữ, lời nói mà bằng các biểu tượng giác ngộ. Vạn pháp chân thực sẽ được trao truyền thông qua ngôi Bảo tháp Mandala như thế này. Tôi thật hoan hỉ vì điều đó!

 

(Trích ấn phẩm "Mandala - Sự hợp nhất từ bi và trí tuệ theo quan kiến Kim cương thừa" giới thiệu các kỳ Pháp hội Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn tại Việt Nam qua các năm cùng tập hợp các giáo Pháp tôn quý được Đức Pháp Vương chia sẻ trong những kỳ Pháp hội này, Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành)

 
File âm thanh

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,129,481
Số người trực tuyến: