Bạn đang ở đây
Phần thưởng lớn nhất cho bản thân
Bây giờ, hãy tự mình nghĩ xem điều gì xảy ra khi bạn nảy sinh mâu thuẫn với một người bạn. Đừng tìm cách thanh minh với ai khác bởi như vậy sẽ chỉ làm sự việc thêm phức tạp. Bạn hãy suy nghĩ thật kỹ, nhắm mắt lại, đặt bàn tay nơi tim hoặc nếu muốn có thể ngả người cho thoải mái. Bạn sẽ thấy mọi việc hiện lên thật rõ ràng: “Mình đã giúp cậu ấy việc này, việc kia. Mình tốt thế mà cậu ấy thật quá đáng! Sao lại vô ơn bội nghĩa thế?” Điều này có nghĩa vì tôi đã đối xử tốt với người khác nên người khác cũng phải đối xử tốt với tôi. “Tôi đã vô cùng yêu thương chồng (hoặc vợ) mình, thế mà tại sao anh ấy (cô ấy) lại đối xử với tôi như vậy? Thật bất công! Lẽ ra anh ấy (cô ấy) phải đối xử với tôi tốt hơn hoặc tối thiểu cũng phải ngang bằng những gì tôi đã bỏ ra. Thật tệ bạc!” Rồi bạn thấy đau lòng. Sự đau khổ này từ đâu mà ra? Chính từ tâm mong chờ đáp trả của bạn!
Nếu suốt mười năm kể từ khi kết hôn, bạn chưa từng mong đợi và luôn cư xử bằng tình yêu thương và lòng nhân hậu, tuyệt đối không mong cầu báo đáp, bạn cho đi tất cả hơi ấm trái tim thì ngày hôm nay bạn sẽ chẳng gặp vấn đề gì. Dù anh ấy (cô ấy) có làm gì, thậm chí lừa dối bạn cũng chẳng hề quan trọng. Bạn đơn giản đã cho và chỉ một lòng cho đi, hành động với tâm hoan hỷ và giữ lại niềm hạnh phúc. Bạn vẫn tiếp tục hạnh phúc bởi bạn không mong chờ gì và niềm hạnh phúc đó sẽ còn mãi với bạn.
Đó chẳng phải phần thưởng lớn nhất bạn tự tạo nên cho chính mình? Yêu thương một người, chăm sóc và chia sẻ tình cảm là phần thưởng lớn bạn đem lại cho bản thân và niềm hạnh phúc đó không bao giờ vơi cạn.
Thật không may, vì không nghĩ như vậy nên hôm nay tôi đau khổ vô cùng. Tại sao? Bởi vì anh ấy không trung thực với tôi. Chừng ấy năm kết hôn, tôi đã rất chung thủy với anh ấy. Tôi đã phục vụ anh ấy như một ông hoàng, đã yêu anh ấy hơn ai hết, để rồi giờ đây tôi biết sự thực anh ấy đã lừa dối tôi suốt bao năm. Thật đau khổ, đến không thiết sống nữa.
Lễ phóng sinh của Phật tử Drukpa Việt Nam
Đau khổ này bắt nguồn từ đâu? Từ sự mong cầu của bạn. Nó không phải do người kia mang lại. Người ấy chỉ tạo duyên còn nhân đau khổ thực sự nằm ở tâm mong cầu của bạn. Điều này hoàn toàn đúng, Đức Phật Thích Ca đã từng thuyết giảng và chỉ ra con đường Bồ tát. Nếu thấy không đúng, bạn hoàn toàn có quyền phản biện lại giáo lý của Đức Phật, chư Bồ tát và các bậc Thượng sư. Nếu cảm thấy lập luận không hợp lý, bạn hoàn toàn có quyền phản biện. Tuy nhiên, lý luận của bạn phải hợp lý và có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống của chính bạn.
- 1288 reads