Bạn đang ở đây
Sự an bình nội tâm
Dù tu thiền định được thành tựu
Mà không phát triển trí giác ngộ
Làm sao nhổ tận gốc não phiền
Chỉ chân trí tuệ năng đoạn hết
Bởi vậy hãy rời Tứ vô sắc
Thiền định Ba la mật, Phật tử hành.
Bài kệ này đề cập tới một phạm trù rất khó giải thích, đó là Thiền định, khả năng định tâm, sự an lạc của tâm - điều vốn rất cần thiết để thành tựu Đại Thủ Ấn.
Nhắc tới “định” là nói về khả năng tập trung tâm vào một điểm, kiểm soát được tâm trong một khoảng thời gian nhất định. Hành giả thực hành Bồ tát hạnh cần rèn luyện khả năng điều phục tâm thông qua nhiều phương pháp khác nhau. Nhìn chung, mọi pháp thực hành Ba La Mật - Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục... - đều giúp rèn luyện định tâm, chính khả năng định tâm này giúp tâm được an lạc. Việc giữ được sự an bình bên trong giúp chúng ta có thêm nhiều cơ hội để nhận biết tự tính tâm (nhận biết về tự tính của chúng ta và về thế giới, vượt qua sự nhận biết mê lầm và những tạo tác của tâm). Chừng nào tâm chưa thể an trụ do vọng tưởng tán loạn chừng đó chúng ta còn không thể nhận ra tự tính, Đại Thủ Ấn, tính không hay Phật tính.
Vì vậy, chúng ta phải biết cách định tâm. Trước khi bắt đầu thiền định, chúng ta cần biết lấy lại một chút an bình nội tâm, một chút an lạc thông qua phương pháp thực hành. Nhờ sự an bình trong tâm này, chúng ta có thể dễ dàng đạt tới tầm nhìn cao hơn về vạn pháp để từ đó không gặp khó khăn trong việc chế ngự những độc trong tâm.
Hãy cố gắng đạt được sự định tâm như vậy. Có thể chọn bất cứ đối tượng nào để thực hành: một pho tượng, một thân cây, một hòn đá, mặt trời hay mặt trăng, một ngôi sao…, mục đích là để tập trung tâm vào đối tượng đó, không phân tán tư tưởng. Có thể coi đây là pháp tu mở đầu để nhận ra Trí tuệ Bát nhã, tức sự thực hành Trí tuệ Ba La Mật.
- 993 reads