Quy y có thật sự quan trọng không? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Quy y có thật sự quan trọng không?

1827
25/05/2023 - 20:04
Bạn đừng lầm tưởng Quy y là tìm cầu, nương tựa hay dựa dẫm vào một yếu tố nào đó ở bên ngoài. Vì vậy, quy y chính là “quay về” để khám phá nguồn sức mạnh nội tại và nương tựa, sống trọn vẹn với Phật tính hay phẩm chất giác ngộ sẵn có tự thân mỗi chúng ta, đó là tâm tự nhiên thanh tịnh và trong sáng. 

Quy y thực chất là một phương pháp để đạt được trí tuệ thấu hiểu chính bản thân mình. Theo định nghĩa đơn giản nhất, Quy là “quay về”, Y là “nương tựa”. Theo Đại thừa Hiển giáo, Quy y là quay trở về nương tựa, đặt trọn niềm tin nơi Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Trong Kim Cương thừa, Quy y chính là quay về nương tựa, trưởng dưỡng tâm chí thành hướng đến bậc Kim Cương Thượng sư - hiện thân của Tam Bảo,Tam Căn Bản và Tam thế Phật.
Tại sao lại nói rằng “quay về” để “nương tựa”? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy: “Phật không ở bên ngoài mà vốn sẵn trong Tâm mỗi người”. Quy y Tam Bảo hay Quy y Kim cương Thượng sư cũng đều hướng tới mục đích tối hậu này. Quy y được chia làm ba cấp độ sẽ được đề cập ở phía dưới: Quy y bên ngoài, Quy y bên trong và Quy y bí mật.

2. LỢI ÍCH VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA QUY Y
Vô thủy kiếp trôi lăn trong sáu đạo luân hồi, con người thường nương tựa vào bốn đối tượng để tìm cầu hạnh phúc: thân thể, tiền bạc, tình cảm và danh vọng. Chúng ta tin rằng hạnh phúc do những đối tượng này mang lại sẽ trường tồn mãi mãi. Ảo tưởng này tạo thành sự bám chấp nên khi không đạt được điều mình mong muốn hay gặp chuyện bất như ý, chúng ta chìm trong đau khổ, chán chường. Tiệc tùng, những thú vui giải trí không thể khỏa lấp được những trống trải và chênh vênh trong tâm hồn. Rồi khi vô thường ập đến, phải đối diện với tử thần chúng ta mới cảm thấy tuyệt vọng, hụt hẫng không nơi bám víu. Thực ra, tất cả những đối tượng bên ngoài ấy chỉ là tạm bợ, nếu có mang lại một chút cảm giác hạnh phúc cũng sẽ không bền vững và chẳng thể giúp được gì khi ta phải ra đi. Ngay cả cha mẹ, người thân cũng không thể giúp được nhiều vì bản thân họ cũng đang bị vô minh, khổ đau chi phối và chưa tìm được chân hạnh phúc.
 
Vậy đâu là nơi nương tựa vững chắc? Theo quan kiến Kinh thừa, Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng là bậc bảo hộ giúp chúng ta vượt thoát khổ đau và đạt được chân hạnh phúc. Đức Phật là bậc Toàn giác, Ngài siêu việt luân hồi, giải thoát hoàn toàn đau khổ. Giáo Pháp là tinh túy xuất phát từ kim khẩu của Phật, là con đường dẫn tới giác ngộ. Tăng già là những bậc trì giữ Giáo Pháp sống đời sống lục hòa thanh tịnh. Trong Kim Cương thừa, Quy y còn mang ý nghĩa sâu sắc và vi diệu hơn. Đó là sự kết nối để đón nhận dòng ân phúc gia trì từ chư Phật, từ Truyền thừa Giác ngộ thông qua bậc Căn bản Thượng sư. Căn Bản Thượng sư chính là tinh túy của Tam Bảo, sự gia trì, dẫn dắt của Ngài sẽ theo bạn cho tới khi đạt được giác ngộ. Là Phật tử, chúng ta nên hướng về nương tựa Thượng sư và Tam Bảo để được che chở dưới bóng mát của trí tuệ và tình yêu thương.
 
Thực hành quy y đem lại lợi ích không thể nghĩ bàn. Quy y giúp chúng ta xác định rõ phương hướng cho tương lai của mình và mở ra con đường đến chân hạnh phúc. Chúng ta có nơi nương tựa vững chắc để vượt qua những gian nguy, sợ hãi của đau khổ luân hồi và cái chết. Đây chính là sự thực hành tâm linh hướng tới giác ngộ, giải thoát vì lợi ích bản thân và hết thảy chúng sinh.
Quy y rất quan trọng đối với một hành giả bởi đây là nền tảng cho toàn bộ sự thực hành tâm linh. Nếu không Quy y hoặc sự thực hành Quy y không đúng đắn, mọi công phu tu tập của bạn sẽ không có kết quả và bạn chẳng thể nào đạt được giải thoát giác ngộ.
 
II. ĐỘNG CƠ QUY Y
Sự Quy y chân chính sẽ giúp hành giả định hướng đúng đắn cho hành trình tu tập của mình, từ đó đạt được mục đích tối hậu giải thoát giác ngộ. Quy y chân chính phải được xuất phát từ động cơ chân chính. Vì vậy, trước khi thực hành Quy y, hành giả cần quán xét xem động cơ của mình là gì, liệu đó có phải là động cơ đúng đắn hay không?
 
Một trong những phương pháp giúp chúng ta soi xét lại động cơ của mình để có chính kiến trong việc Quy y chính là thiền quán về “Tứ Niệm Pháp”. Đây là pháp thiền quán vô cùng quan trọng mà bất kỳ ai tu tập cũng đều nên thực hành. “Tứ Niệm Pháp” bao gồm bốn đề mục cần được suy niệm và thiền quán một cách sâu sắc với mục đích mang lại cho chúng ta những tri kiến đúng đắn về bản chất của cuộc sống vô thường, vô ngã, khổ và không. Từ đó, chúng ta có thể phá bỏ những chấp trước sai lầm, biết trân trọng giá trị kiếp người và tận dụng từng giây từng phút của đời sống một cách hữu ích. Do vậy, pháp tu này được gọi là bốn pháp quán “xoay tâm về với Pháp”, đưa tâm trở về với hiểu biết chân thực.
Bốn đề mục để quán niệm đó bao gồm: Thiền định về Thân người khó được; Thiền định về cái Chết và Vô thường; Thiền định về luật Nhân quả; Thiền định về Khổ của các đạo luân hồi.

Trích từ ấn phẩm "Thực hành Quy y - Pháp tu mở đầu" , Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,115,799
Số người trực tuyến: