Lễ lạy - Phương pháp tích lũy công đức và tiêu trừ nghiệp chướng | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Lễ lạy - Phương pháp tích lũy công đức và tiêu trừ nghiệp chướng

6606
25/04/2023 - 19:00
Khi thực hành lễ lạy hãy ý thức rằng, tay phải chúng ta tiêu biểu cho từ bi, còn tay trái tiêu biểu cho trí tuệ. Khi chúng ta chắp hai tay lại, điều đó tiêu biểu cho sự hợp nhất của từ bi và trí tuệ trong tâm. Hai bàn tay khum lại nêu biểu Ngọc Bảo Châu Như Ý mà bạn đang trì giữ để cúng dàng lên Căn bản Thượng sư và mười phương chư Phật. Khi chắp tay, chúng ta chụm hai ngón cái lại và hướng vào trong lòng bàn tay, điều này nêu biểu sự thể nhập cõi Tịnh độ của chư Phật. Khoảng trống bên trong lòng bàn tay nêu biểu tính không, chân lý tuyệt đối.

Trước khi bắt đầu một lễ mới, bạn đặt tay ở trước ngực trong tư thế trì giữ Bảo Châu Như Ý
 
Đầu tiên, bạn dang thẳng hai tay, vươn lên, chắp lại và kéo xuống đỉnh đầu. Hành động này biểu trưng cho sự thu gom công đức.
Bạn chạm tay lên đỉnh đầu, tiêu biểu cho nhục kế Vô Kiến đỉnh tướng tức trí tuệ tối thượng của chư Phật. Mỗi lần đỉnh lễ như vậy sẽ giúp bạn gieo một nhân để sau này có được hảo tướng Vô kiến đỉnh tướng như Đức Phật.
Sau đó, bạn chạm tay xuống luân xa ấn đường, đồng thời quán tưởng ánh sáng trắng từ luân xa ấn đường của Đức Phật chiếu vào luân xa ấn đường của bạn, tràn ngập khắp thân thể bạn và tịnh hóa tất cả các nghiệp bất thiện của thân như sát sinh, trộm
cắp… Đồng thời, ánh sáng này cũng ban gia trì cho bạn tất cả các phẩm hạnh giác ngộ từ bi trí tuệ của chư Phật. Nhờ đó, bạn sẽ thành tựu tướng Bạch hào của Phật trong tương lai.
 
Tiếp đến, bạn chạm tay vào luân xa cổ họng, quán tưởng ánh sáng sắc đỏ từ luân xa cổ họng của Đức Phật chiếu vào luân xa cổ họng của bạn, giúp tịnh hoá tất cả các ác nghiệp của khẩu như nói dối, nói hai lưỡi, thêu dệt, ác khẩu và mang đến cho bạn sự gia trì từ khẩu giác ngộ của chư Phật. Nhờ đó, bạn sẽ đạt được phúc báo có Pháp âm vi diệu như Đức Phật.
 
 
Sau đó, bạn chạm tay vào luân xa tim, quán tưởng ánh sáng màu xanh lam từ luân xa tim của chư Phật chiếu thẳng vào luân xa tim của bạn, tịnh hóa tất cả những ác nghiệp của ý như sân giận, bám chấp và tà kiến… đồng thời ban cho bạn sự gia trì từ tâm giác ngộ của chư Phật.
Kế đến, bạn bắt đầu lễ dài. Bạn cần lưu ý hai bàn chân luôn dựng đứng và giữ nguyên vị trí ban đầu trong suốt quá trình lễ lạy.
Trước tiên, bạn chạm hai bàn tay xuống đất và giữ đầu gối không chạm đất.
Tiếp đến, toàn thân bạn trượt theo hai tay để đạt tư thế nằm dài trên mặt đất.
Thẳng hai cánh tay sải sang hai bên để thu gom công đức rồi đưa lên trước đỉnh đầu. Lưu ý các ngón tay cần hướng thẳng phía trước.
 
Tiếp đến, bạn chắp tay lại…
Đưa lên cao quá đỉnh đầu ở vị trí vuông góc thẳng đứng… …rồi hạ xuống, các ngón tay hướng thẳng phía trước.
Sau đó, bạn vòng hai tay sang hai bên trong tư thế như hình vẽ dưới và thu về sát cạnh thân để chuẩn bị đứng dậy. Động tác này tiêu biểu cho việc bạn thu gom tất cả công đức lại. Bạn chống hai tay lên, thu người và đứng dậy.
Cuối cùng, trước khi bắt đầu một lễ mới, bạn lại đặt tay ở trước ngực trong tư thế trì giữ Bảo Châu Như Ý trước khi bắt đầu vươn hai tay lên trên đỉnh đầu.
   
Trong khi lễ lạy, mỗi khi chạm tay vào các luân xa trán, cổ họng và tim, bạn hãy quán tưởng ba luồng hào quang sắc trắng, đỏ, xanh dương từ các luân xa tương ứng của chư Phật chiếu đến và tịnh hóa ác nghiệp thân, khẩu, ý của bạn. Khi bắt đầu lễ dài xuống sát đất, bạn cũng có thể quán tưởng hào quang màu trắng từ các Ngài chiếu xuống qua luân xa đỉnh đầu, tràn ngập thân thể để tịnh hóa tất cả nghiệp ác và các chướng ngại của bạn. 



Khi đứng lên, bạn quán tưởng hào quang màu vàng ròng từ chư Phật chiếu vào luân xa đỉnh đầu tràn ngập thân thể, ban cho bạn phẩm tính giác ngộ của chư Phật.
Ngoài phương pháp lễ dài, bạn cũng có thể thực hành lễ ngắn như sau:
Đầu tiên, bạn chắp tay trong tư thế trì giữ ngọc Mani với hai ngón tay cái chụm lại và hướng vào trong lòng bàn tay giống như khi lễ dài. Sau đó, chạm tay lên đỉnh đầu, trán, cổ họng và tim giống như trên.
Tiếp đến, bạn cúi xuống phía trước, đặt hai bàn tay lên mặt đất….
…rồi quỳ gối xuống…
Bạn chạm trán xuống đất trong khi giữ nguyên tư thế quỳ.
Lưu ý: năm vóc sát đất gồm hai tay, hai đầu gối và trán chạm sát đất, tượng trưng cho việc chuyển hóa ngũ độc (tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ) thành Ngũ Trí Phật.
Sau đó, bạn đứng lên bằng cách nhấc đầu lên khỏi mặt đất trước tiên, sau đó là hai đầu gối…
… cuối cùng nhấc hai tay và đứng thẳng dậy.
Bạn bắt đầu lễ tiếp theo bằng cách đặt tay lên đỉnh đầu.
Lễ ngắn thường được sử dụng vào lúc bắt đầu hoặc kết thúc một thời giảng pháp, hay trong các nghi lễ thông thường và tịnh hóa.
Như vậy, mỗi thời khoá thực hành quy y, bạn sẽ đồng thời thực hành ở cả ba khía cạnh thân, khẩu, ý: Thân thực hành lễ lạy, sám hối; Khẩu thực hành trì tụng lời phát nguyện quy y;  Ý thực hành quán tưởng thiền định về cây Quy y Phúc điền. Tinh tấn thực hành như vậy giúp bạn tịnh hoá mọi ác nghiệp của thân, khẩu, ý đã tích tập từ vô thuỷ kiếp, đón nhận các phẩm tính giác ngộ tuyệt hảo từ bậc Kim cương Thượng sư và Cây Quy y Phúc điền. Từ đó bạn sẽ dần phát triển các phẩm tính thanh tịnh hoàn hảo của ba Kim Cương giác ngộ nơi chính mình.

Trích từ ấn phẩm "Thực hành Quy y", Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành.


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,391
Số người trực tuyến: