Tại sao nói vạn pháp duy tâm biến hiện? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tại sao nói vạn pháp duy tâm biến hiện?

1396
25/10/2018 - 09:37

 

Ông A nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật chắp tay, quỳ dài bạch Phật: “Thưa Thế tôn, nếu cái thấy nghe đó thật không sinh diệt thì làm sao đức Thế tôn lại gọi bọn chúng tôi bỏ mất chân tính, làm việc trái ngược? Xin Phật mở lòng từ bi, rửa sạch trần cấu cho chúng tôi”.

 

 

Khi ấy Đức Như lai duỗi cánh tay kim sắc, ngón tay chỉ xuống, bảo ông A nan rằng: “Ông nay thấy tay Mẫu đà la tôi là chính hay là ngược?”

Ông A nan bạch: “Chúng sinh thế gian cho đó là ngược, còn tôi thì không biết thế nào là chính, thế nào là ngược”.

Phật bảo ông A nan: “Nếu người thế gian cho đó là ngược, thì người thế gian gọi thế nào là chính?”

Ông A nan bạch Phật: “Đức Như lai đưa cánh tay lên, tay Đâu la miên chỉ lên trên không thì gọi là chính”.

 

 

Phật liền giơ cánh tay lên và bảo ông A nan rằng: “Cái trái ngược như thế, chỉ là đầu đuôi thay đổi lẫn nhau; các người thế gian lắp đi lắp lại mà xem thấy. Nay lấy cái thân ông và pháp thân thanh tịnh của chư Như lai, so theo đó mà phát minh, thì thân của Như lai gọi là chính biến tri, thân của các ông gọi là tính trái ngược; tùy ông xét kỹ nơi thân ông và thân Phật, cái gọi là trái ngược đó, do ở chỗ nào mà gọi là trái ngược?”

 

 

Khi ấy ông A Nan cùng cả đại chúng chăm chăm ngó Phật, tròng con mắt không lay động, chẳng biết thân tâm chỗ nào trái ngược. Phật phát lòng từ bi, thương xót ông A nan và đại chúng, phát tiếng hải triều, khắp bảo trong Hội: “Các thiện nam tử, tôi thường nói rằng : “Sắc, tâm, các duyên và các tâm sở, các pháp sở duyên, đều duy tâm tính biến hiện. Thân ông, tâm ông đều là những vật hiện ra trong tâm tính. Làm sao các ông lại bỏ mất tâm tính quý báu ấy, nhận cái mê trong ngộ. Mê muội thành có hư không, trong hư không mê muội ấy, kết cái mê muội thành ra có sắc; sắc xen với vọng tưởng; tưởng tướng làm thân, nhóm các duyên lay động bên trong, giong ruổi theo cảnh vật bên ngoài; rồi lấy cái tướng mờ mịt lăng xăng đó làm tâm tính. Một phen lầm cái tướng ấy làm tâm thì quyết định lầm cho rằng tâm ở trong sắc thân, mà không biết sắc thân, cho đến núi sông, hư không, đất liền bên ngoài đều là những vật hiện trong tâm tính; ví như bỏ cả trăm nghìn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một cái bọt nước; rồi cho nó là toàn hết cả nước, cùng tột các biển lớn. Bọn ông tức là những người mê lầm nhiều lớp, như cánh tay tôi rủ xuống, không có sai khác. Như lai gọi là đáng thương xót đó”.

 

~ Trích “Kinh Thủ Lăng Nghiêm” - Việt dịch: Cư sĩ Tâm Minh

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,585
Số người trực tuyến: