Bạn đang ở đây
Tâm núp sau con mắt
Phật bảo ông A-nan: "Như lời ông nói: Thật do tâm và con mắt mà có ưa muốn. Nếu không biết tâm và con mắt ở đâu thì không thể hàng phục được trần lao; ví như ông vua một nước bị giặc xâm lấn, phát bệnh đánh dẹp, thì bệnh ấy cần biết giặc ở chỗ nào mới đánh dẹp được. Hiện ông còn mắc phải luân hồi là lỗi tại tâm và con mắt của ông". Nay tôi hỏi ông: "Tâm và con mắt ấy hiện ở chỗ nào?"
Chấp tâm núp sau con mắt
Ông A-nan bạch Phật: "Thưa Thế tôn, như lời Phật dạy: vì không thấy bên trong, tâm không ở trong thân, vì thân tâm cùng biết, không thể rời nhau, tâm không ở ngoài thân, nay tôi suy nghĩ, biết tâm ở một chỗ!"
Phật dạy: "Chỗ ấy ở đâu?"
Ông A-nan bạch Phật: "Cái tâm hay biết đã không biết bên trong mà lại thấy bên ngoài, theo ý tôi nghĩ thì nó núp sau con mắt. Ví như có người lấy chén lưu ly úp vào hai con mắt, con mắt tuy có vật úp vào nhưng không làm ngăn ngại, con mắt kia liền thấy thì liền phân biệt được ngay. Song tâm hay biết của tôi không thấy bên trong là vì tâm ở nơi con mắt; nhưng lại thấy bên ngoài rõ ràng, không bị ngăn ngại, là vì tâm núp sau con mắt".
Phật bảo ông A-nan: "Như ông vừa nói: Tâm núp sau con mắt như con mắt núp sau chén lưu ly; vậy người kia đương khi lấy chén lưu ly úp vào hai mắt, trông thấy núi sông thì có trông thấy chén lưu ly không?"
-Thưa Thế tôn, đúng thế, người ấy đương khi lấy chén lưu ly úp vào hai mắt, thật có thấy chén lưu ly.
Phật bảo ông A-nan: "Nếu tâm ông núp sau con mắt như con mắt núp sau chén lưu ly thì trong khi trông thấy núi sông sao không trông thấy con mắt? Nếu trông thấy con mắt thì con mắt hình như ngoại cảnh, không thể liền thấy mà liền biết được. Nếu không thấy được con mắt thì sao lại nói rằng tâm hay biết núp sau con mắt như con mắt núp sau chén lưu ly? Vậy nên biết rằng ông nói cái tâm hay biết núp sau con mắt như con mắt núp sau chén lưu ly, thật không có lẽ nào như vậy".
Chấp mắt thấy tối là thấy bên trong thân
Ông A-nan bạch Phật: "Thưa Thế tôn, nay tôi lại nghĩ như vầy: Trong thân thể chúng sinh này, phủ tạng ở trong, khiếu huyệt ở ngoài, có tạng thì tối, có khiếu thì sáng. Nay tôi trả lời Phật rằng: Mở mắt thấy sáng gọi là thấy bên ngoài, nhắm mắt thấy tối gọi là thấy bên trong. Nghĩa ấy thế nào?"
Phật bảo ông A-nan: "Đương khi ông nhắm mắt thấy tối, cái cảnh tối ấy là đối với mắt hay không đối với mắt. Nếu đối với mắt thì cái tối trước mắt, sao lại ở trong thân? Nếu thành ở trong thân thì khi ở trong phòng tối, không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn, cái gì ở trong phòng tối đó đều là tam tiêu lục phủ của ông hay sao? Còn như cái tối không đối với mắt, thì làm sao thành ra có thấy? Dầu tách rời lối thấy bên ngoài mà cho rằng con mắt đối vào trong nên thấy tối, thì nhắm mắt thấy tối, gọi là thấy bên trong thân; vậy mở mắt thấy sáng sao lại không thấy cái mặt. Nếu không thấy cái mặt thì cái nghĩa con mắt đối vào trong, không thành lập được. Còn như thấy được cái mặt thì cái tâm hay biết ấy và con mắt đều ở ngoài hư không, sao lại thành ở trong thân được? Nếu tâm và con mắt ở ngoài hư không thì tất nhiên không phải là thể chất của ông, vì không lẽ hiện nay Như lai thấy mặt ông cũng là thân của ông hay sao? Và như thế thì con mắt đã biết, thân ông lẽ phải không biết. Nếu ông chấp rằng thân và con mắt đều có biết thì ông phải có hai tính biết, rồi chính một thân ông sẽ thành hai đức Phật hay sao? Vậy nên biết rằng ông nói thấy tối là thấy bên trong thân, thật không có lẽ nào như vậy".
Trích “Kinh Thủ Lăng Nghiêm” - Việt dịch: Cư sĩ Tâm Minh
- 930 reads