Tính “Thấy” không phải là con mắt | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tính “Thấy” không phải là con mắt

1109
11/12/2020 - 06:08

Phật bảo ông A nan: “Trong thế gian, tất cả những người tu học, hiện tuy đã tu đến chín bậc định, nhưng không diệt hết được mê lầm, thành A la hán, đều do chấp cái vọng tưởng sống chết, lầm nó là tính chân thật, vậy nên nay ông tuy được học rộng nghe nhiều, không thành chính quả”.

Ông A nan nghe rồi, lại đau xót khóc lóc, năm vóc gieo xuống đất, quỳ dài chắp tay mà bạch Phật rằng: “Từ khi tôi theo Phật phát tâm xuất gia, ỷ thị oai thần của Phật, thường tự mình suy nghĩ, không cần phải tu, hầu như cho rằng đức Như lai sẽ ban cho phép Tam muội, không biết thân tâm vốn không thay thế nhau được; bỏ mất bản tâm của tôi; thân tuy xuất gia nhưng tâm không đi vào chính đạo, cũng như người con cùng khổ, bỏ cha trốn lánh. Ngày nay mới biết, tuy được nghe Phật pháp nhiều, nếu không tu hành thì chẳng khác gì người không nghe, cũng như người ta nói ăn mà không ăn, rốt cuộc không thể no được.

Thưa Thế tôn, chúng tôi hiện nay còn bị hai chướng ràng buộc, do vì không biết tâm tính yên lặng thường trụ, xin đức Như lai thương xót kẻ nghèo khó rách rưới, phát khởi tâm nhiệm mầu sáng suốt, mở đạo nhãn cho chúng tôi”.

 


Lúc ấy đức Như lai từ chữ Vạn trước ngực, phóng ra hào quang báu, hào quang ấy rực rỡ có trăm nghìn sắc, sáng khắp một lúc tất cả thế giới chư Phật mười phương số như vi trần. Hào quang soi khắp trên đỉnh các đức Như lai Thập phương bảo sát, xoay về soi đến ông A nan và cả đại chúng”, rồi Phật bảo ông A nan rằng: “Nay tôi vì ông dựng pháp tràng lớn, đồng thời khiến cho tất cả thập phương chúng sinh được tâm tính nhiệm mầu sâu kín, trong sạch, sáng suốt và đạo nhãn thanh tịnh.

A nan, trước ông trả lời rằng thấy nắm tay chói sáng, cái chói sáng nắm tay ấy do đâu mà có, làm sao thành ra nắm tay, ông đem cái gì mà thấy?”

 


Ông A nan bạch: “Toàn thân Phật như vàng Diêm phù đàn, sáng ngời như núi báu, do đức tính thanh tịnh sinh ra nên có hào quang chói sáng. Thật tôi lấy con mắt mà thấy năm ngón tay Phật co nắm lại, giơ cho người xem, nên có tướng nắm tay”.

Phật bảo ông A nan: “Như lai ngày nay xác thật bảo ông. Những người có trí cần do ví dụ mà được khai ngộ. A nan, ví như nắm tay tôi, nếu không có bàn tay tôi thì không thành nắm tay tôi, lại nếu không có con mắt ông, thì không thành cái thấy của ông. Lấy cái thấy của ông mà so sánh với nắm tay của tôi, ý nghĩa có cân nhau không?”

Ông A nan bạch Phật: “Đúng vậy, thưa Thế tôn, đã không có con mắt của tôi thì không thành cái thấy của tôi, đem cái thấy của tôi so với nắm tay Như lai, sự nghĩa giống nhau không khác”.

 


Phật bảo ông A nan: “Ông nói giống nhau, nghĩa ấy không đúng. Vì sao? Như người không có bàn tay thì tuyệt nhiên không có nắm tay; chứ người không có con mắt kia, không phải hoàn toàn không thấy. Là vì làm sao? Ông thử ra đường hỏi những người đui: Anh thấy cái gì? Thì những người đui kia chắc sẽ trả lời: Hiện nay trước mắt tôi chỉ thấy tối đen, không thấy gì khác. Lấy cái nghĩa ấy mà xét thì tiền trần tự tối, chứ cái thấy nào có hao kém gì”.

Ông A nan bạch Phật: “Những người đui trước mắt chỉ thấy tối đen, sao gọi là thấy được”.

Phật bảo ông A nan: “Các người đui không có con mắt chỉ thấy tối đen, so với người có con mắt ở trong nhà tối thì hai cái tối đen ấy khác nhau hay không khác nhau?

- Thật vậy, thưa Thế tôn, người ở trong nhà tối với những người đui kia, so sánh hai cái tối đen thật không thể khác nhau.

-  A nan, nếu người không có con mắt, thấy trước hoàn toàn tối đen, bỗng nhiên được con mắt sáng, trở lại thấy các thứ sắc nơi tiền trần mà gọi là con mắt thấy; thì người ở trong nhà tối kia, thấy trước hoàn toàn tối đen, bỗng nhiên được cái đèn sáng, cũng thấy các thứ sắc nơi tiền trần, lẽ ra phải gọi là cái đèn thấy. Nếu như cái đèn thấy thì đèn đã thấy được, tự nhiên không thể gọi là đèn; lại cái đèn nó thấy thì dính líu gì đến ông. Vậy nên biết rằng đèn làm tỏ các sắc, nhưng thấy như vậy là mắt chứ không phải đèn; mắt làm tỏ các sắc, nhưng thấy như vậy là tâm chứ không phải mắt”.

 


Ông A nan tuy được lời Phật dạy như vậy, cùng với đại chúng, miệng tuy im lặng, tâm chưa khai ngộ, còn mong đức Như lai từ tâm chỉ bày, chấp tay sạch lòng, đợi Phật dạy bảo.

 

Trích “Kinh Thủ Lăng Nghiêm” - Việt dịch: Cư sĩ Tâm Minh

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,138,660
Số người trực tuyến: