Tâm chẳng ở chỗ nào? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tâm chẳng ở chỗ nào?

989
24/10/2022 - 19:18

Chấp Tâm ở chặng giữa


Ông A-nan bạch Phật: "Thưa Thế-tôn, trong khi Phật nói thật tướng với các vị pháp-vương-tử như ngài Văn-thù, tôi có nghe đức Thế-tôn cũng dạy rằng: Tâm không ở trong, cũng không ở ngoài. Theo ý tôi nghĩ: Tâm ở trong thân, sao lại không thấy bên trong; tâm ở ngoài thân thì thân và tâm không cùng biết. Vì tâm không biết bên trong nên không thể nói tâm ở trong thân, vì thân và tâm cùng biết nên nói tâm ở ngoài cũng không đúng lý. Nay thân và tâm cùng biết, lại tâm không thấy được bên trong thân thì tâm phải ở chặng giữa".
 


Phật bảo ông A-nan: "Ông nói "ở chặng giữa" thì cái giữa ấy chắc không lẫn lộn và không phải không có chỗ. Nay ông nhận định cái giữa ấy ở chỗ nào, ở nơi cảnh hay ở nơi thân? Nếu ở nơi thân mà ở một bên thì không phải là giữa; còn nếu ở giữa thân thì cũng như ở trong thân. Nếu cái giữa ở nơi cảnh thì có thể nêu ra được hay không thể nêu ra được? Không nêu ra được thì cũng như không có cái giữa, còn nêu ra được thì lại không nhất định ở giữa. Vì sao? Ví như có người lấy một cây nêu, nêu một chỗ làm cái giữa, thì phương Đông trông qua, cái nêu lại ở phương Tây; phương Nam nhìn ra, cái nêu thành ở phương Bắc. Cái giữa nêu ra đã lẫn-lộn thì tâm phải rối bời, không rõ ở đâu".

Ông A-nan bạch Phật: "Cái giữa của tôi nói, không phải hai thứ ấy. Như đức Thế-tôn thường dạy: Nhãn căn và sắc trần làm duyên, phát sinh nhãn thức. Nhãn căn có phân biệt, sắc trần không hay biết, nhãn thức sinh ra ở giữa thì tâm ở chỗ đó".

 


Phật dạy: "Nếu tâm ông ở giữa căn và trần thì cái thể tâm ấy gồm cả hai bên hay không gồm cả hai bên? Nếu gồm cả hai bên thì ngoại vật và tâm thể xen lộn, còn biết tâm là gì? Ngoại vật không phải có biết như tâm thể; bên có biết, bên không biết, trái hẳn lẫn nhau thì lấy cái gì làm cái ở giữa? Gồm cả hai bên cũng không được và nếu không phải có biết và cũng không phải không biết thì tức là không có thể tính, lấy gì làm cái tướng ở giữa. Vậy nên biết rằng ông nói cái tâm phải ở chặng giữa, thật không có lẽ nào như vậy".
 

Chấp Tâm không dính dáng vào đâu


Ông A-nan bạch Phật: "Thưa Thế-tôn, trước đây tôi thấy Phật cùng chuyển pháp luân với 4 vị đại đệ-tử là Đại-mục-liên, Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na, Xá-lỵ-phất, Phật thường dạy: Cái tính của tâm hay biết cũng chẳng ở trong, cũng chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở chặng giữa, chẳng ở chỗ nào cả, không dính dáng vào đâu tất cả thì gọi là tâm. Vậy tôi lấy cái không dính dáng của tôi mà gọi là tâm, có được chăng?".
 


Phật bảo ông A-nan: "Ông nói tính của tâm hay biết, không ở đâu cả. Vậy các vật tượng thế gian như hư không và các loài thủy, lục, không, hành, gọi là tất cả sự vật mà ông không dính dáng vào, là có hay là không có? Không, thì đồng như lông rùa, sừng thỏ, còn gì mà không dính dáng? Đã có cái không dính dáng thì không thể gọi là không. Không có tướng thì là không, không phải không thì có tướng; có tướng thì có chỗ ở, làm sao lại không dính dáng được. Vậy nên biết rằng ông nói cái không dính dáng vào đâu tất cả gọi là tâm hay biết, thật không có lẽ nào như vậy".

 

Trích “Kinh Thủ Lăng Nghiêm” - Việt dịch: Cư sĩ Tâm Minh

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,112,463
Số người trực tuyến: