Bạn đang ở đây
Đức Phật dùng cái thấy nơi chúng sinh để gạn hỏi về Tâm
Nương cái thấy, gạn hỏi cái tâm
A nan, nay ông muốn biết đường tu Xa ma tha ra khỏi sống chết, tôi lại hỏi ông. Liền đó đức Như lai giơ cánh tay kim sắc, co năm ngón tay, bảo ông A nan : “Ông có thấy không?”
Ông A nan bạch Phật : “Thấy”.
Phật bảo: “Ông thấy cái gì?”
Ông A nan bạch: “Tôi thấy Như lai giơ cánh tay, co ngón tay thành nắm tay sáng ngời, chói tâm và con mắt của tôi”.
Phật bảo: “Ông đem cái gì mà thấy?”.
Ông A nan bạch: “Tôi cùng đại chúng đều đem con mắt mà thấy”.
Phật bảo ông A nan: “Ông trả lời tôi rằng Như lai co ngón tay làm thành nắm tay sáng ngời, chói tâm và con mắt của ông; con mắt ông thì thấy được, còn ông lấy cái gì làm tâm để đối với cái nắm tay chói sáng của tôi?”.
Ông A nan bạch: “Như lai hiện nay gạn hỏi tâm ở chỗ nào, tôi thì dùng tâm suy nghĩ tìm xét: Tức cái biết suy nghĩ ấy, tôi lấy nó làm tâm”.
Chỉ cái biết suy xét có thể tính
Phật bảo: “Sai rồi, A nan, cái ấy không phải là tâm của ông”.
Ông A nan giật mình, rời chỗ ngồi, chắp tay đứng dậy bạch Phật: “Cái ấy không phải là tâm tôi thì gọi là cái gì?”
Phật bảo ông A nan: “Cái ấy là cái tưởng tượng những tướng giả dối tiền trần, nó làm mê lầm chân tính của ông. Do từ vô thủy cho đến đời này, ông nhận tên giặc ấy làm con, bỏ mất tính bản lai thường trụ nên phải chịu luân hồi”.
Ông A nan bạch Phật: “Thưa Thế tôn, tôi là em yêu của Phật, vì tâm yêu Phật nên tôi xuất gia. Tâm tôi chẳng những cúng dường đức Như lai, mà còn trải qua hằng sa quốc độ, thừa sự chư Phật và các vị thiện tri thức; phát lòng đại dũng mãnh, làm tất cả những pháp sự khó làm, là đều dùng cái tâm ấy. Dầu cho hủy báng Phật pháp, rời bỏ hẳn thiện căn, cũng nhân cái tâm ấy. Nay Phật phát minh cái ấy không phải là tâm thì tôi thành không có tâm, như cây như đất, vì ngoài cái hay biết ấy ra, tôi lại không còn gì nữa. Sao đức Như lai lại bảo cái ấy không phải là tâm? Tôi thật kinh sợ và cả trong đại chúng này không ai là không nghi hoặc, xin Phật rủ lòng từ bi, chỉ dạy cho những chỗ chưa giác ngộ”.
Khi bấy giờ đức Thế tôn chỉ dạy ông A nan và cả đại chúng, khiến cho tâm được vô sinh pháp nhẫn, nơi sư tử tọa, xoa đầu ông A nan và bảo ông rằng: “Như lai thường nói: Các pháp phát sinh là duy tâm biến hiện, tất cả nhân quả, thế giới, vi trần, đều nhân cái tâm thành có thể tính. A nan, như trong các thế giới, hết thảy sự vật hiện có, cả đến ngọn cỏ lá, cây, sợi dây, thắt nút, gạn xét cỗi gốc, đều có thể tính, dầu cho hư không cũng có tên, có tướng; huống chi cái tâm sáng suốt thanh tịnh nhiệm mầu, làm cho hết thảy sự vật có thể tính mà tự mình lại không có thể tính.
Nếu ông quyết chấp cái tính hay biết suy xét phân biệt là tâm của ông thì cái tâm ấy phải rời sự nghiệp các trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, riêng có toàn tính; chứ như hiện nay ông vâng nghe pháp âm của tôi, đó là nhân cái tiếng mà có phân biệt: dầu cho diệt hết tất cả cái thấy, nghe, hay, biết, bên trong nắm giữ cái u nhàn, không biết, không nghĩ thì đó cũng còn là sự phân biệt bóng dáng pháp trần mà thôi.
Chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm, nhưng ông phải, chính nơi tâm ông, suy xét chín chắn, nếu rời tiền trần có tính phân biệt, thì đó mới thật là tâm của ông. Nếu tính phân biệt, rời tiền trần, không còn tự thể thì nó chỉ là sự phân biệt bóng dáng tiền trần. Tiền trần không phải thường trụ, khi thay đổi diệt mất rồi, thì cái tâm nương vào tiền trần ấy cũng đồng như lông rùa sừng thỏ và pháp thân của ông cũng thành như đoạn diệt, còn gì mà tu chứng vô sinh pháp nhẫn”.
Trích “Kinh Thủ Lăng Nghiêm” - Việt dịch: Cư sĩ Tâm Minh
- 1459 reads