Bám chấp | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Bám chấp

1225
18/11/2016 - 08:00

Bám chấp dẫn đến cách nghĩ “tôi phải…”

 

Việc bám chấp vào một cách sống nhất định có thể khiến chúng ta hạn chế chính mình. Các bậc cha mẹ thậm chí thường ép con cái vào một lối sống phù hợp với những chuẩn mực nhất thời. Không có gì lạ nếu kiểu sống này tạo nên áp lực và stress với các em, chúng cảm thấy bị đè nặng dưới những kỳ vọng và so sánh. Mặc dù đôi khi chúng ta cảm thấy thật tuyệt khi có thể phấn đấu vì một trách nhiệm hoặc lý tưởng vĩ đại, nhưng dần dần, việc cứ mãi bám chấp vào nghĩa vụ “tôi phải” sẽ khiến bạn cảm thấy nặng nề, cảm giác nuối tiếc tự do và trách nhiệm trước nghĩa vụ “phải hoàn thành” bắt đầu giằng xé tâm trí bạn.
 

 

Trên thực tế, những kỳ vọng kiểu này sẽ hủy hoại vẻ đẹp tự nhiên của cuộc sống. Kỳ vọng khiến bạn luôn bận rộn, chúng kéo ta xa rời hoàn cảnh thực tại, khiến ta lo lắng bất an và luôn cảm thấy không được thỏa mãn cho đến phút cuối cùng, ngay cả khi mọi thứ vẫn đang diễn ra như hoạch định. Bạn thực sự đã không cho mình một cơ hội để hạnh phúc. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng đừng kỳ vọng và bạn sẽ vẫn ổn cho dù kết quả có thế nào. Điều đó không có nghĩa là bạn không có phương hướng hay động lực trong cuộc sống. Bạn cũng không nên đánh mất sự lạc quan hay niềm tin vào tương lai. Thông điệp tôi muốn nhắn nhủ là đừng cố gắng khổ sở dự trù cho tương lai hoặc cứ ép một kịch bản nào đó của tương lai phải xảy ra. Hãy dừng áp đặt các điều kiện lên hạnh phúc của mình và tự giải phóng mình để hân hưởng cuộc sống hiện tại. Chúng ta không cần thay đổi ngoại cảnh, sự giải phóng này nằm ở thái độ và cách ta nhìn nhận sự việc! Bạn thoải mái, là chính mình, biết buông bỏ mọi trách nhiệm mình tự gán và mặc cảm tội lỗi để sống thanh thản hơn.

 

Giải phóng các ràng buộc chắc chắn sẽ giúp bạn phát triển trí tuệ hiểu biết. Ngay cả khi đối diện với một vấn đề quan trọng hoặc thách thức lớn, tình hình sẽ bớt nghiêm trọng hơn khi bạn đã biết xả bỏ, tháo gỡ các vướng mắc hay bám chấp không cần thiết ngay bên trong mình. Bạn sẽ lắng nghe kỹ lý lẽ trái tim trước khi đưa ra quyết định tốt nhất, nhưng đồng thời cũng ý thức được rằng mình đã cố gắng hết sức. Khi có được thái độ thoải mái và linh hoạt như vậy, bạn sẽ thích ứng với các thay đổi của hoàn cảnh; bạn cảm thấy mình có sự chủ động và thoải mái hơn. Bạn nhìn nhận mọi việc từ các góc độ khác nhau chứ không bị chấp vào một quan điểm bảo thủ, cứng nhắc. Mọi thứ sẽ trở nên bình an hơn!

 

Sở hữu

 

Sở hữu vật chất ẩn tàng nhiều cạm bẫy cho sự an lạc nội tâm. Việc sở hữu điều gì đó tạo cho chúng ta cảm giác rằng mọi thứ là bất biến thường hằng, trong khi trên thực tế dưới tác động của quy luật vô thường, từng phút từng giờ tất cả sự vật hiện tượng trên thế gian này đều đang đổi thay dịch chuyển. Tương tự như vậy, việc bám chấp vào những vật dụng hay đối tượng mình “sở hữu” sẽ hạn chế suy nghĩ và cảm nhận của chúng ta về cuộc sống. Chúng ta xây nhà và nói rằng “đây là nhà tôi”, rồi mắc kẹt với điều này. Bạn gần như không thể tách rời khỏi ngôi nhà, tin rằng nó là một phần của bản thân, như thể chúng ta có thể đem nó sang kiếp sau. Tất nhiên, chẳng có gì sai khi bạn sở hữu nhà cửa và của cải nhưng chắc chắn đó không phải là một phần của bạn. Xu hướng của chúng ta quá thiên về chiếm hữu trong khi thứ duy nhất chúng ta thực sự sở hữu không phải là của cải vật chất hay danh vọng, địa vị mà nằm trong tâm chính mình!
 

(Cúng dường) 


Một trong những đệ tử cư sĩ của tôi từng làm việc trong ngành tài chính ngân hàng. Tôi không biết chính xác công việc của anh ta ngoài đời nhưng đây là một hành giả có kinh nghiệm. Vài năm trước, anh và đối tác gặp những rắc rối lớn trong kinh doanh. Ngân hàng của họ phá sản và họ đã mất tất cả tiền của. Mọi người đều tuyệt vọng cùng cực. Giám đốc ngân hàng nhảy lầu tự tử, nhiều đối tác của anh lên cơn nhồi máu cơ tim, số khác khủng hoảng tinh thần. Ngay đến bây giờ, anh ấy vẫn là người duy nhất trong số họ còn ở tình trạng “ổn”. Tôi gặp anh vài tuần sau khi ngân hàng phá sản và ngạc nhiên khi thấy đệ tử của mình vẫn an nhiên tự tại. Tất nhiên là anh lo lắng cho công việc và gia đình, nhưng vì đã rèn luyện tâm xả chấp nên tai họa này không tác động tới anh giống như người khác. Thành thật mà nói tôi đã ngần ngừ khi gặp vì tôi nghĩ anh sẽ không vui khi nói về những sóng gió biến dịch cuộc đời. Nhưng không, đệ tử của tôi vẫn an nhiên và giữ tâm chí thành cung kính với bậc Thầy như thường lệ.


Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Phật tử Việt Nam tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa chụp ảnh cùng Phật tử Drukpa Việt Nam tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên)


Nếu việc tu tập của bạn xuất phát từ tận sâu thẳm trái tim, bạn sẽ dũng cảm đương đầu mọi rắc rối dù chúng nghiêm trọng đến mấy. Bạn hiểu rằng vũ trụ chưa sụp đổ, mọi sóng gió sẽ qua và mình phải tiếp bước. Điều này đòi hỏi một quá trình rèn luyện lâu dài nhưng chúng ta luôn có thể bắt đầu từ những điều rất nhỏ.
 

Trích ấn phẩm "Giác ngộ mỗi ngày" ~ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,129,587
Số người trực tuyến: