Bạn đang ở đây
Học cách quán niệm để phá vỡ những vòng xoáy tiêu cực trong cuộc sống
Với tâm rộng mở, bạn có thể nhìn sự việc từ góc độ mới mẻ hay tìm thấy bài học trong mọi khó khăn thách thức.
Cuộc sống luôn tiếp diễn. Đôi khi bạn là nguyên nhân, có khi là nhân chứng, lúc khác lại là kết quả của ngoại cảnh. Trong cuộc sống, ai cũng trải qua khó khăn thử thách. Khi đó chúng ta phải làm gì? Than vãn? Bi quan? Lo lắng? Hay thờ ơ? Đó không phải là những cách phản ứng thông minh. Tôi cho rằng, tốt hơn hết chúng ta nên học hỏi từ những gì đang xảy ra quanh mình. Hãy bắt đầu bằng cách đơn giản là làm quen với mọi sự vật xung quanh. Bạn nên dành chút thời gian để từng bước thực hiện bài tập này.
Hãy thử quan sát kỹ những con người và cảnh vật xung quanh
Ví dụ thay vì ngồi trên xe khách và vùi đầu vào một tờ báo tẻ nhạt, hãy thử quan sát kỹ những con người và cảnh vật xung quanh mà trước đây bạn chưa từng để ý. Có thể một phụ nữ lớn tuổi sẽ rất biết ơn nếu bạn nhường chỗ ngồi cho bà. Nếu chỉ chăm chăm nhìn tờ báo theo thói quen thường lệ, bạn hẳn chẳng bao giờ để ý đến người phụ nữ đó.
Quán niệm là hỷ lạc
Đối với tôi, quán niệm là hỷ lạc. Quán niệm giúp tôi thư giãn, giống như được bơi giữa đại dương bao la vậy. Tôi thấy an lạc, đó chính là sự gia trì và là dấu hiệu cho thấy tâm đang rộng mở. Tôi không đề cập đến sự thỏa mãn các giác quan, nhưng nhờ có quán chiếu, suy ngẫm mà tôi cảm nhận được sự thấu hiểu sâu sắc, an lành và thâm diệu. Chỉ cần quan sát cuộc sống xung quanh cũng khiến tôi tràn đầy hứng khởi. Điều đó xảy ra gần như tức thì.
Quán niệm không là gì khác mà chính là hướng vào nội tâm. Thiền định là một hành trình sâu sắc hơn trên cùng con đường ấy, siêu việt các vọng tưởng nhị nguyên. Vì vậy, bạn hãy thiền định và quán chiếu về những tình huống mà mình gặp phải, những thăng trầm trong cuộc sống của mình.
Bạn không cần chôn giấu bí mật này hay cố kìm nén cảm xúc. Hãy mở lòng với chính mình để có thể quán chiếu, nhận diện những cảm xúc ấy và học hỏi được một điều gì đó.
Chúng ta có nhiều lớp vỏ bọc của bản ngã
Nghe thì đơn giản nhưng thực tế không dễ dàng. Bởi chúng ta có nhiều lớp vỏ bọc của bản ngã và hiểu biết sai lầm về bản thân nên đôi khi tự lừa dối bản thân mình còn dễ hơn. Bạn phải thành thực công khai mọi bí mật với chính mình và thực sự khám phá chúng từ nhiều khía cạnh khác nhau.
Ví dụ, nếu thấy lo lắng hay sợ hãi điều gì đó, bạn đừng vội xem mình là ngớ ngẩn, ích kỷ hay yếu đuối. Hãy suy ngẫm điều gì ẩn giấu phía sau những cảm xúc ấy, đâu là điểm cốt lõi, liệu bạn có thể nhìn nhận chúng từ một góc độ tích cực hơn hay không?
Vâng, bạn lo sợ, nhưng nếu e ngại một điều gì đó tồi tệ xảy ra thì điều này cũng có nghĩa bạn đang sẵn có cơ hội làm điều gì đó tích cực, ý nghĩa.
Giả sử bạn lo sợ một việc tốt đẹp sẽ kết thúc. Thay vì tập trung vào nỗi sợ mất mát này, liệu bạn có nên đưa tâm trở về hiện tại và tìm lại cảm hứng?
Thiền định và quán chiếu giúp bạn phá bỏ những vòng xoáy tiêu cực một cách hữu hiệu
Với tâm rộng mở, bạn có thể nhìn sự việc từ một góc nhìn mới mẻ, hay rút ra được bài học trong mọi khó khăn, thách thức của đời sống. Mỗi khi tự nhủ “Ôi, mình lại thế rồi” hay “Tại sao những chuyện này cứ xảy ra với tôi?”, hãy dành một chút thời gian để an tĩnh và suy nghĩ tỉnh táo. Khi đó, có thể bạn sẽ nhận ra mình không cần phải đi theo lối mòn ấy nữa và bạn có cảm hứng để tìm một hướng đi mới.
Bằng việc thực hành thiền định và quán chiếu, chúng ta sẽ dần buông bỏ được tâm lăng xăng vọng tưởng cũng như những thứ gây phân tâm, thường lấp đầy tâm trí mình. Thay vì mường tượng ra đủ thứ tiêu cực có thể xảy ra rồi lo lắng, bạn sẽ tri ân cuộc sống ngay trong giây phút hiện tại.
Bạn chỉ có thể thấu hiểu tường tận những phản ứng của mình khi soi xét chúng
Khá nhiều kinh sách đã nói về lòng từ bi và tình yêu thương, rằng phải biết yêu thương mình rồi mới có thể yêu thương người khác. Nhưng để có được khả năng đó đòi hỏi chúng ta phải thực hành thiền định và quán chiếu. Mỗi chương của cuộc đời là một dấu mốc quan trọng đối với con người và nhân cách của bạn. Bạn chỉ có thể thấu hiểu tường tận những phản ứng của mình khi soi xét chúng - đó chính là ý nghĩa của việc thực hành quán chiếu.
Khi một sự việc xảy ra, chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao việc đó lại xảy ra? Tại sao nó lại kết thúc như vậy? Liệu kết quả có thể khác đi? Ta có thể làm gì để thay đổi kết quả? Đây là đề mục để chúng ta quán chiếu, suy ngẫm, là thực hành thiền quán. Ít nhất, đó cũng là sự khám phá mới mẻ về bản thân. Quán chiếu giúp bạn hiểu mọi khía cạnh của con người mình, và sẽ là bước đệm giúp bạn trở thành một con người mới, tỉnh thức, an nhiên tự tại hơn.
(Trích ấn phẩm: "Sống Trí Tuệ"
Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Drukpa Việt Nam biên soạn và phát hành 2/2019)
- 383 reads