Bạn đang ở đây
KIÊN NHẪN LÀ CHẤT XÚC TÁC CHO SỰ THAY ĐỔI
Học cách xả ly là pháp thực hành tốt để trưởng dưỡng lòng kiên nhẫn, và nhờ đó trưởng dưỡng được từ bi và trí tuệ.
Phát triển tính kiên nhẫn
Phần lớn thời gian chúng ta muốn tự do làm những gì mình thích còn mọi người và mọi thứ phải tuân theo ý muốn của ta. Có thể nói chúng ta rất cố chấp, không dễ nghe theo những lời khuyên hay bài pháp, những sự việc xảy ra hàng ngày cũng khó ảnh hưởng tới mình. Nhưng có lý do gì để ta ích kỷ, ngạo mạn đến vậy? Xét cho cùng ai biết việc gì sẽ xảy ra trong giây phút tiếp theo?
Học cách xả ly là một trong những thực hành tốt nhất để có được tính kiên nhẫn và nhờ đó trưởng dưỡng được từ bi và trí tuệ.
Khi dành thời gian suy ngẫm về cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ nhớ về cách mình ứng xử. Từ đó, bạn rút ra bài học và biết phải cư xử ra sao trong các tình huống tương tự. Suy ngẫm kỹ về các tình huống này sẽ giúp mọi việc, mọi thứ thêm sáng tỏ, tâm bạn sẽ bớt những loạn động và bạn sẽ phát triển được tính kiên nhẫn.
Làm quen với cảm xúc của mình
Hãy thực sự nghĩ kỹ về cảm nhận của bạn đối với một việc vừa diễn ra. Hôm nay có người khiến bạn bực mình và mất bình tĩnh. Ngay lập tức, bạn muốn người đó biết mình đã bực đến mức nào. Nhưng sau đó bạn cũng không thấy khá hơn và bắt đầu suy ngẫm xem mình nên ứng xử thế nào nếu tình huống tương tự diễn ra. Bạn không muốn là người thụ động, bị lờ đi, nhưng bạn cũng muốn truyền tải thông điệp của mình theo cách hiệu quả nhất.
Khi trưởng dưỡng được tính kiên nhẫn, mọi người sẽ thấy bạn là người biết cảm thông. Bạn thoải mái đón nhận mọi việc, không hề lớn tiếng. Qua thực hành thiền định và quán chiếu, bạn có thể khiến cơn giận tan biến. Pháp thiền định này thực ra là phương pháp làm quen với những cảm xúc và trải nghiệm sâu sắc trong tâm bạn và nơi mọi người.
Tiến trình trưởng dưỡng tâm linh sẽ giúp bạn phát triển tất cả phẩm chất tốt đẹp sẵn có. Kiên nhẫn sẽ thay đổi tính cách của bạn, giúp bạn thành người năng động, can đảm và thành công hơn.
~ Trích ấn phẩm “Sống trí tuệ” của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
- 975 reads