Học Cách Quý Trọng Bản Thân | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Học Cách Quý Trọng Bản Thân

890
07/08/2021 - 18:52

Để thực sự hiểu thế nào là tình yêu thương và lòng từ bi, đầu tiên bạn cần biết yêu thương chính mình.

 

Yêu thương bản thân đúng nghĩa như thế nào?

Nhiều truyền thống tôn giáo thường dạy chúng ta phải biết đối xử với mọi người bằng sự tử tế và tình yêu thương, phải “thương người như thể thương thân”. Tuy vậy, nhiều người dường như sợ yêu thương chính mình, họ cho rằng như vậy là ích kỷ và nuông chiều bản thân. Thực ra, để yêu thương người khác, đầu tiên chúng ta phải biết cách yêu thương chính mình. Điều tôi muốn nói ở đây không phải sự chiều chuộng, vuốt ve bản ngã, mà là sự suy ngẫm về cuộc sống, về động cơ của mình cũng như trân trọng tri ân cuộc sống quý giá nhiệm màu.

Một khi đã hiểu bản thân, chúng ta sẽ nhận ra rằng mọi người đều có những cảm xúc giống nhau. Hiểu biết ấy sẽ giúp chúng ta cảm thông và mở lòng với người khác. Nếu biết cách cải thiện cuộc sống bản thân, bạn sẽ biết cách chăm sóc người khác. Đây là một việc tích cực và có tính sáng tạo. Tôi gọi đó là sự tận tâm.

 

Thực hành yêu thương là thực hành chia sẻ và cho đi

Hãy nhớ đến những khoảnh khắc bạn hoàn toàn vô ngã vị tha, sống lại cảm xúc đó để cảm nhận sự ấm áp tràn ngập tâm hồn. Việc khơi dậy cảm xúc yêu thương vô điều kiện sẽ giúp tâm chúng ta rộng mở và hạnh phúc hơn. Cho đến giờ, tình yêu mà chúng ta lầm tưởng gắn liền với bản ngã chưa phải tình yêu đích thực. Chúng ta dễ đồng hóa tình yêu với dục vọng, tham muốn, nhưng thực ra tình yêu là sự thấu hiểu. Nếu có sự cảm thông với ai đó, bạn sẽ giúp đỡ hoặc đối xử một cách tử tế, chân thành với họ mà không cần đền đáp. Sâu thẳm trong tâm, tất cả chúng ta đều có thể nhận diện được tình yêu thương đích thực. Chúng ta đều từng trải nghiệm điều này, nếu không phải ở kiếp sống này thì cũng từ một thời điểm nào đó ở kiếp trước.

Để mang lại lợi ích cho người khác, bạn phải có những phẩm chất tốt đẹp để chia sẻ. Tình yêu là để sẻ chia, còn thực hành yêu thương là thực hành chia sẻ và cho đi. Bằng việc trưởng dưỡng tình yêu thương, bạn sẽ nhận được vô biên hạnh phúc. Bởi vậy, hãy mỉm cười, sống tử tế và quan tâm đến mọi người. Nhưng tất cả phải xuất phát từ trái tim chân thành và bạn phải thực sự hạnh phúc. Khi hạnh phúc, bạn sẽ quan tâm và từ ái hơn. Bạn chia sẻ nụ cười, lan tỏa ánh hào quang của tình yêu thương. Bởi vậy, trước tiên chúng ta phải hạnh phúc vì chỉ khi đó chúng ta mới có thể chia sẻ hạnh phúc.

 

Từ bi - tinh túy của giác ngộ

Tôi thường suy nghĩ về hai chữ “từ bi”, nghe có vẻ mang tính tôn giáo trong thời hiện đại này, nhưng tôi rất thích nói về “từ bi” bởi đó thực sự là một phẩm chất tốt đẹp. “Từ bi” có nghĩa là hoàn toàn thấu hiểu. Lòng từ bi là cha, là mẹ, là tinh túy của giác ngộ. Đức Phật cũng là hiện thân của lòng từ bi và tình yêu thương.

 

Khi có lòng từ bi, tôi sẽ trao tặng bạn vô điều kiện những gì bạn cần. Tôi sẽ không áp đặt những kỳ vọng đối với bạn mà sẽ để bạn được tự do. Tất cả những thiện hạnh lợi lạc đều bắt nguồn từ lòng từ bi. Đó là điều cốt lõi. Hơn thế nữa, từ bi là cốt lõi để có tình yêu thương, lòng nhân hậu và tất cả mọi điều tốt đẹp. Lòng từ bi là nền tảng của sự vận hành vũ trụ, con người và tình bằng hữu.

(Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara)

Để thực sự thấu hiểu tình yêu thương và lòng từ bi, đầu tiên bạn phải biết yêu thương chính mình. Nếu có thể vứt bỏ mọi định kiến, bạn sẽ khám phá được con người thật, sẽ hài lòng với bản thân và hạnh phúc khi được là chính mình. Hiểu biết ấy sẽ mang lại cho bạn hạnh phúc lớn lao và là nền tảng để bạn xây đắp tình yêu thương và lòng từ bi chân thật.

 

Mọi thứ đều bắt đầu từ bạn! Nếu thực sự yêu thương bản thân vô điều kiện và không phán xét thì bạn cũng có thể ban trải tình yêu đó đến với người khác. Không phải ngẫu nhiên mà Đức Phật dạy chúng ta học cách yêu thương chính mình trước khi yêu thương muôn loài. Điều đó có thể chuyển hóa cuộc sống, thay đổi các mối quan hệ, thái độ và cách ứng xử của bạn. Tình yêu thương là con đường hai chiều và cần xuất phát từ chính bạn.

 

~ Trích ấn phẩm “Sống trí tuệ”, tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,115,992
Số người trực tuyến: