Bạn đang ở đây
QUÁN CHIẾU VÀ ĐIỀU CHỈNH BẢN THÂN
Trong kỷ nguyên của Facebook và Twitter, mọi người liên tục kiểm tra các thiết bị để xem những thông tin cập nhật mới nhất. Nếu tự biết nhìn nhận lại động cơ của mình trong từng hành động, chúng ta có thể tránh được khiếm khuyết trong các mối quan hệ và kịp thời điều chỉnh lại chính mình.
Hãy mở lòng và bớt phê phán
Để không bị lạc lối trong thế giới ngày càng cạnh tranh này, chúng ta cần thường xuyên kiểm chứng bản thân. Ví dụ, nếu bạn luôn lấy người khác làm thước đo cho bản thân mình, thì cái “tôi” sẽ khiến bạn thấy mình hơn người này rồi kém người khác, dẫn đến cảm giác kiêu mạn hoặc tự ti. Cạm bẫy này vô cùng khó tránh, nhưng hãy nghĩ tới những lúc bạn so bì hơn kém với mọi người, thì thực sự bạn có thấy vui hay không?
Thế giới hiện đại khiến ta hay phê phán, chỉ trích, cả với bản thân lẫn với người khác. Cái “tôi” bản ngã ưa thích chỉ trích vì đó là một cách để không phải thay đổi. Sự phê bình bản thân dễ dàng trở thành thói quen hay đánh giá người khác. Bản ngã thích mọi việc diễn ra đúng như vậy, và bạn luôn cảm thấy sợ hãi vì mọi thứ chẳng thể hoàn hảo như ý. Ví dụ ngày còn đi học, bạn là học sinh giỏi và luôn được điểm mười. Và rồi khi nhận điểm chín, bạn có cảm giác thất vọng muộn phiền như thể trái đất ngừng quay. Đến giờ bạn thấy việc đó thật buồn cười, nhưng những cảm giác nuối tiếc thất vọng đó cứ âm ỉ bên trong, và lại trỗi lên mỗi khi bạn không đạt được kỳ vọng.
Đúng là bạn nên cố gắng hết khả năng trong mọi việc, nhưng một khi bản ngã bám chấp vào sự thành bại hơn thua, nó trở thành xiềng xích trói buộc, khiến bạn lúc nào cũng chỉ chú ý tới phía trước, không bao giờ an lạc trong hiện tại. Cái “tôi” thôi thúc ta luôn nghĩ tới vị trí Số Một, lo sợ người khác trở thành trung tâm. Cái “tôi” bám chấp vào những danh hiệu, tô vẽ câu chuyện về bản thân, nhưng quan trọng nhất là ngăn cản không cho ta có cuộc sống tự do, sống thật với chính mình.
Tính cạnh tranh có thể mang tới cho bạn sự thành công về vật chất hoặc tri thức, nhưng nếu vì thế mà bạn không biết hoan hỷ với sự thành công của người khác thì bạn đang bỏ lỡ mất một phần của cuộc sống. Biết thừa nhận người khác là điều quan trọng nhất giúp bạn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hãy mở lòng, vui với thành công của người khác và bớt phê phán. Mọi người đều có những khả năng riêng, vì thế ta không nên dèm pha, chỉ trích hay đánh giá làm gì.
Giữ chính niệm bằng cách quán chiếu bản thân
Bạn cần rèn luyện khả năng nhìn lại bản thân và bản chất của mình, để hiểu mình là ai, để hàng ngày nỗ lực hết khả năng, để biết mình có thể cải thiện những gì cho hôm nay và ngày mai. Đừng phí thời gian và năng lượng quý báu để hối tiếc về quá khứ, hay xét nét xem mình có thành công trong công việc, trong cuộc sống hay không. Hãy sống thật với bản thân mình. Khi thực sự biết chấp nhận điều này, bạn sẽ bắt đầu thấy lời khuyên này cũng đúng với tất cả mọi người.
Một số người có thể hiểu qua suy ngẫm, số khác lại hiểu biết qua hành động. Một số người nhạy cảm hơn người khác, thường phấn khích hơn nhưng cũng dễ bị lo âu, trầm cảm hơn. Bởi thế ta phải nhìn lại bản thân để hiểu rõ thêm về mình. Ngày nay, chúng ta theo biết bao nhiêu lớp học về kỹ năng sống, như thể đi mua sắm trong siêu thị. Ta thử mọi phương pháp, và nhận thấy phần lớn những phương pháp đó không phù hợp với mình. Cũng như việc chữa bệnh - một loại thuốc có thể chữa khỏi cho người này nhưng lại không chữa được cho người khác. Điểm mấu chốt là ta phải chẩn đoán đúng bệnh. Cách tốt nhất là phải luôn quán chiếu bản thân, luôn xem xét lại động cơ - sự chính niệm này sẽ giúp bạn có bước đi đúng đắn.
~ Trích ấn phẩm “Sống trí tuệ” của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
- 1653 reads