ĐỪNG ĐỂ CÁI “TÔI” THỐNG TRỊ | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

ĐỪNG ĐỂ CÁI “TÔI” THỐNG TRỊ

1346
11/08/2021 - 18:32

Nếu cứ để sự hối tiếc dằn vặt, bạn sẽ mất đi sự tự tin, và sẽ không rút ra được bài học từ những lỗi lầm của mình.

Đừng nhầm lẫn việc nhận lỗi với việc nhận trách nhiệm

Bản ngã rất tinh quái. Nó có thể khiến bạn có những hành động vô thức và không nhận ra động cơ hay nguyên nhân của hành động đó. Bản ngã có nhiều cái đầu và nhiều giọng nói. Hãy xem xét một vài tình huống mà cái “tôi” thay đổi cách cư xử của bạn trong khi bạn không hề nhận ra. 

Lấy ví dụ bạn có cảm giác tội lỗi khi nghĩ mình chưa đáp ứng được sự mong đợi của bản thân hay người khác. Cảm giác tội lỗi đó chiếm lĩnh tâm trí và bạn rơi vào một vòng xoáy do mình tự tạo ra. Nếu cứ giữ cảm giác tội lỗi đó trong tâm, bạn sẽ dần mất đi sự tự tin, và không thể rút ra bài học nào từ những lỗi lầm và trải nghiệm của mình được. Cảm giác hối tiếc làm bạn thấy thật chán chường và khiến bạn muốn buông bỏ tất cả. Những bậc làm cha mẹ thấy có lỗi khi không dành đủ thời gian cho con cái của mình, nhưng nhiều khi họ bị đắm chìm trong cảm giác tội lỗi đó thay vì làm một điều tích cực để thay đổi tình hình.

Hoặc ở cơ quan, bạn cảm thấy có lỗi khi lỡ một cuộc gọi, nhưng thay vì thôi thúc bạn nhấc điện thoại lên, cảm giác đó khiến bạn bị tê liệt, khiến bạn cả ngày chỉ nghĩ đến lỗi lầm đó và những hậu quả có thể xảy ra. Bạn trốn tránh dù trong sâu thẳm bạn biết rằng tốt nhất là đương đầu với sự thật đó.

Bởi bản ngã luôn kiếm tìm những gì có lợi cho bản thân, nó khiến ta hay đổ lỗi cho người khác. Sự trách móc chỉ mang lại khổ đau và không đem đến lợi ích gì. Tự trách móc bản thân khiến ta có cảm giác mình bất tài, vô dụng. Ta để những lỗi lầm chi phối tâm mình thay vì rút ra được kinh nghiệm và bước tiếp. Trên thực tế, việc tự dằn vặt mình hay phiền trách người khác đều không đi đến đâu và không đem lại kết quả gì cả.

Điều quan trọng là bạn sẽ làm gì sau đó để xử lý vấn đề. Ta thường nhầm lẫn việc nhận lỗi với việc nhận trách nhiệm. Đúng là chúng ta cần có trách nhiệm với hành động của mình, nhưng nếu đã cố hết sức rồi thì ta có thể làm được gì nữa?

Sự trách mắng có thể khiến người ta bị tê liệt, làm gián đoạn công việc và lo sợ sẽ mắc phải lỗi lầm đó lần nữa. Có người lại có thói quen đổ lỗi cho người khác để bản thân được tôn lên hay đơn giản là thoát tội. Thực sự việc đổ lỗi này có mang lại kết quả hay giải quyết được vấn đề gì của bạn hay không? Nhưng bản ngã hoạt động theo cách thật kỳ bí, nó tạo ra ảo tưởng và che mờ thực tại chân thật của chúng ta. 

Ngoài việc bị người khác đổ lỗi, chính bản thân chúng ta cũng có cảm giác xấu hổ. Ta hổ thẹn với hành động của chính mình, chìm đắm trong suy nghĩ về lỗi lầm của bản thân thay vì việc nghĩ “Bây giờ mình nên làm gì?”

Cũng như những cảm xúc do bản ngã thôi thúc, sự xấu hổ khiến bạn mắc kẹt trong ký ức quá khứ và trở nên thụ động thay vì có thái độ tích cực để giải quyết vấn đề. Ai cũng từng mắc lỗi, nhưng sự thật là bạn không thể quay ngược thời gian. Tất cả những gì bạn có thể làm là rút ra những kinh nghiệm có ích cho hôm nay và ngày mai. 

Kiêu mạn không bao giờ là tử tế

Đôi khi, bản ngã khiến ta thu mình lại, ví dụ khi ta thấy hổ thẹn và muốn lánh mặt mọi người; đôi khi, bản ngã lại thổi phồng cái “tôi” lên quá mức. Trông bề ngoài thì sự kiêu mạn có vẻ giống như là sự tự tin, nhưng thực chất nó chỉ là một chiếc mặt nạ che giấu cảm giác tự ti bên trong bạn.

Kiêu mạn không bao giờ là tử tế, và nếu không thể tử tế với người khác, làm sao bạn có thể đối xử tốt với bản thân được? Trong khi những người hay lo âu sẽ nghĩ các khiếm khuyết của họ là rất lớn, sự ngạo mạn sẽ đánh lừa bạn, khiến bạn nghĩ rằng mọi thứ đều ổn thỏa.

Ít ai dám công nhận sự kiêu mạn của mình, bởi thế nó là cảm xúc ưa thích của bản ngã. Nó là tính cách ta thường liên tưởng tới nhất mỗi khi nhắc đến cái “tôi”.

~ Trích ấn phẩm “Sống trí tuệ” của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,130,014
Số người trực tuyến: