Xác định cấp độ tu tập của mình đang ở đâu? (Phần 1) | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Xác định cấp độ tu tập của mình đang ở đâu? (Phần 1)

6422
22/11/2022 - 19:24
(Trích Khai thị của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa trong chuyến viếng thăm Việt Nam, 2013)

Chúng ta cần xác định căn cơ, cấp độ tu tập của mình đang ở đâu
Trước khi nói về mối liên hệ giữa Thượng Sư và đệ tử, bạn cần phải biết thực ra chúng ta thuộc về thừa nào, hay nói cách khác, chúng ta cần xác định căn cơ, cấp độ tu tập của mình đang ở đâu. Thí dụ khi động cơ tu tập, thực hành pháp của chúng ta chỉ mong cầu hạnh phúc trong đời này hay đời sau, thì cơ bản chúng ta không cần tới Thượng Sư. Tất nhiên bạn có thể có Thượng Sư cũng không sao, nhưng điều quan trọng nhất để đạt được mong nguyện là tôn trọng và thuận theo luật nhân quả, vậy cũng đủ. Tránh xa nghiệp ác, làm nhiều việc thiện, bạn sẽ được tái sinh giàu có, cao sang hoặc sinh vào cõi Thiên. Lẽ đương nhiên khi mãn phần phúc báo, bạn sẽ lại trôi lăn trong luân hồi. Như vậy, chúng ta sẽ cần tới một bậc Thầy có thể dạy chúng ta kỹ lưỡng về nhân quả. Như vậy, bạn cũng vẫn là một Phật tử thông thường, bạn có nhận thức đúng đắn, trong Phật Giáo chúng ta gọi là có chính kiến. Bạn chưa hẳn theo một Thừa nào mà chỉ đơn thuần là một Phật tử có chính kiến.
(Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa)
Sau đó, bạn bắt đầu thực sự muốn thực hành Pháp. Trước hết bạn cần hiểu mục đích chính của cả Tam Thừa đều là sự rèn luyện tâm, thông qua các phương tiện khác nhau, các cách tiếp cận khác nhau, song tựu chung đều nhằm điều phục tâm. Chẳng hạn đối với  Nguyên Thủy Phật giáo, đối với tâm, quan trọng nhất là xả ly, về thực hành, quan trọng nhất là trì giới. Hai điều này vô cùng quan trọng đối với các hành giả Nguyên Thủy Phật giáo. Khi nói tới giới luật trong pháp thực hành Phật giáo Nguyên thùy, tức là nói tới sự trì giới tinh nghiêm của thân và khẩu. Thí dụ, một bậc tu sỹ trong Phật giáo Nguyên thủy trì giới rất tinh nghiêm từ cách đi lại, cách nói chuyện. Giới của bậc Tỳ kheo không được nhìn sắc nữ, không được sờ vào vàng hoặc nắm giữ tiền bạc, không được đi giày dép, các Ngài luôn đi chân đất và phải khất thực. Trong các tự viện không được phép có bếp nấu ăn. Khi đi khất thực, các Ngài chỉ được phép tới 3 ngôi nhà, nếu không được cúng dường thức ăn các Ngài cũng phải chịu đói bụng quay về.

Tóm lại công hạnh của các Ngài là trì giữ giới luật: không sờ vào vàng, luôn đi chân đất, luôn khất thực, cạo đầu… Khi trì giữ tinh nghiêm trọn vẹn giới luật đối với thân và khẩu, tự nhiên tâm sẽ được điều phục, kiểm soát. Sao có thể không hạnh phúc khi được đi khắp nơi với đôi chân trần, chỉ dùng thực phẩm cúng dường? Sao có thể bám chấp khi chỉ được có 2 bộ y? Bởi lẽ bạn sẽ chẳng có gì phải lo lắng. “Quần áo mình trông xấu xí, mình cần có nhiều tiền để mua quần áo, mình cần đồng hồ xịn, làm thế nào để có được bây giờ?” Không có bếp để nấu ăn, bạn sẽ chẳng phải lo lắng về thức ăn ngon dở. Nếu có người cúng dường đồ ăn ngon, cũng tốt, nhưng bạn sẽ không quá vui mừng. Nếu ai đó cúng dường đồ ăn không ngon, cũng không sao. Mọi xúc tình như bám chấp, kiêu mạn, sân giận, chung quy là do khi bạn có nhiều tiền, đôi khi bạn dễ nổi sân, khi ai đó lấy đi tiền của bạn, hoặc bất cứ thứ gì bạn cho là của bạn, vậy là tự nhiên bạn nổi sân.
Tóm lại trong Nguyên Thủy  Phật giáo, tuy có thực hành thiền định, song chủ yếu vẫn tập trung giữ giới của thân và khẩu, nhờ đó tâm người tu dần dần được chuyển hóa. Như vậy điểm mấu chốt vẫn là điều phục tâm.

(còn tiếp)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,129,430
Số người trực tuyến: