Vài suy ngẫm về việc làm Tình nguyện viên | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Vài suy ngẫm về việc làm Tình nguyện viên

1197
04/05/2016 - 21:00
 "Tôi chỉ là tình nguyện viên thôi, tôi không thể làm việc chăm chỉ như các bạn"
~ Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa

Tôi rất vui khi thấy có nhiều người mong muốn tham gia tình nguyện và do có rất nhiều tình nguyện viên mới tham gia trong chuyến đi của tôi, tôi thấy cần thiết phải bày tỏ một số điều mà tôi cho là quan trọng trong hoạt động tình nguyện.

Có thể một số người trong các bạn sẽ nghĩ, "Liệu Đức Nhiếp Chính Vương có hiểu biết gì về hoạt động tình nguyện?". Vài người bạn của tôi từng nói đùa, "Làm ơn nhớ rằng tôi chỉ là tình nguyện viên và tôi không thể làm việc chăm chỉ như các Phật tử’. Tôi thường đáp lại rằng ‘bạn không phải là người duy nhất là tình nguyện viên ở đây. Thực tế, các Rinpoche như chúng tôi và thậm chí Đức Pháp Vương cũng là một tình nguyện viên. Chư Phật và chư Bồ tát cũng đều là các tình nguyện viên – chúng ta đều là những tình nguyện viên trong việc giúp đỡ hết thảy hữu tình.’ Từ quan điểm này tôi có thể nói rằng mình cũng có một số trải nghiệm và suy ngẫm về vai trò của tình nguyện viên và thái độ mà một tình nguyện viên cần có.

Trước năm 2014, tôi chỉ phải chăm lo cho Drukpa Việt Nam và Drukpa Singapore. Nhưng đến cuối năm đó, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã yêu cầu tôi chăm lo cho cả Drukpa châu Á và Drukpa châu Mỹ. Khi Đức Pháp Vương giao trọng trách to lớn này cho tôi, tôi không cảm thấy tự hào hay quyền lực, cũng không cảm thấy do dự vì tôi biết Ngài thực ra đang cho tôi được thực hành tâm linh bằng hình thức trao thêm trách nhiệm. Đối với tôi, chăm lo cho Drukpa châu Á và Drukpa châu Mỹ là thực hiện hai loại nhiệm vụ.

(Đức Nhiếp Chính Vương trong chuyến hoằng Pháp tại Peru, 2014)

Đầu tiên, tôi có trách nhiệm về  hạnh phúc tâm linh của tất cả mọi người thuộc Drukpa châu Á và Drukpa châu Mỹ, bao gồm tình nguyện viên và đệ tử; tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng trong đời này họ có những hướng đạo tâm linh và sự hỗ trợ cần thiết để trở thành những người có trí tuệ thấu hiểu, cho phép bản thân có một cuộc sống hạnh phúc và bình an và quan trọng hơn cả là hướng dẫn và phát triển sự tự tin về tâm linh để đối mặt với những khó khăn chướng ngại trên đường đời.

Thứ hai, đó là để nhắc nhở mọi người rằng các Trung tâm hay Tự viện Drukpa ở các nơi vốn không thuộc về một cá nhân hay một nhóm Phật tử nào, mà thuộc về Phật Pháp nói chung và Truyền thừa Drukpa nói riêng.

(Đức Nhiếp Chính Vương trong chuyến hoằng Pháp tại Mexixo, 2014)

Vì thế mà nhiệm vụ của các bậc Thượng sư không phải là sở hữu một Trung tâm hay tự viện nào mà thực tế, chúng tôi giống như những người trông nom hay người chăm sóc, những người không sở hữu thứ gì mà phải bảo đảm rằng mọi người, mọi vật, v.v… thuộc trách nhiệm của họ được chăm sóc tốt với sự giáo dưỡng cẩn thận để khi tới thời điểm bàn giao cho người chăm sóc khác thì con người, địa điểm, đồ vật đều ở trong tình trạng tuyệt vời để tiếp tục tiến bước trong tương lai.

Những bậc Trì giữ Truyền thừa, tình nguyện viên, đệ tử và tất cả chúng ta có sứ mệnh chăm lo cho Truyền thừa, để đảm bảo ngay cả khi chúng ta đã đi xa, thì di sản tâm linh của Truyền thừa 1000 năm quang vinh cùng với pháp thực hành và giáo lý đã đem lại cho chúng ta hạnh phúc, giúp chúng ta vượt qua khổ đau, đem lại cho chúng ta sự tự tin để đối mặt với những kiếp sau, sẽ không biến mất với chúng ta, mà sẽ được truyền lại cho những thế hệ tương lai để tới lượt họ trở thành người chăm sóc cho những thế hệ sau nữa.


(Đức Nhiếp Chính Vương trong chuyến hoằng Pháp tại New York, 2014)

Đây là quan điểm cá nhân nên tôi không cảm thấy có sự kiêu hãnh hay trọng đại nào, mà chỉ cảm nhận từ đáy lòng mình rằng Đức Pháp Vương rất từ bi đã ban cho tôi trọng trách tâm linh lớn hơn trong đời này. Biết ơn vì Ngài đã cho cơ hội thực hành tâm linh dưới hình thức trách nhiệm và cơ hội hướng dẫn người khác hướng tới hạnh phúc và giáo pháp,  cho phép tôi được góp phần trì giữ và tăng huy di sản tâm linh của Truyền thừa hướng đến các thế hệ tương lai.

 “Không được cho rằng chúng ta đang ban ơn cho người khác khi làm công việc tình nguyện.”

Tôi muốn chia sẻ những suy ngẫm của mình để các bạn có thể hiểu được phần nào cảm nghĩ cũng như cách tôi nhìn nhận trách nhiệm của mình trong đời này.

Tôi cũng tin rằng, khi một người làm tình nguyện viên thì thái độ của họ là điều rất quan trọng. Chúng ta không được cho rằng mình đang ban ơn cho người khác: ‘Tôi đang giúp Đức Pháp Vương. Tôi đang giúp cho Truyền thừa và tôi đang giúp bậc Thầy này, bậc Thầy kia’. Điều này làm tăng trưởng bản ngã và quan kiến về ‘cái tôi’ không có lợi cho tinh thần tình nguyện viên. Cái tôi vị kỷ sẽ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc như: “Tôi đang giúp vị Rinpoche/Truyền thừa/Dự án này và không có sự tri ân nào của các Ngài với những nỗ lực lớn lao của tôi. Tôi đã làm việc rất chăm chỉ và những ý kiến/việc làm của tôi không hề được đánh giá cao.’ Ý thức về sự vinh quang của việc ‘giúp đỡ’ sẽ khiến bạn không thể làm tình nguyện viên lâu dài. Khi thiếu vắng sự hiện diện của tâm chí thành và động cơ chân chính của lòng từ bi vô ngã vị tha, bạn sẽ không thể  tiến xa trên hành trình phụng sự chúng sinh. Bạn sẽ chỉ làm tình nguyện viên được một thời gian rồi sẽ thấy mình mệt mỏi, giận dữ, chán nản, oán hận và cuối cùng bạn sẽ từ bỏ. Với thái độ như thế thì sẽ không có nhiều chuyển hóa tích cực bên trong chúng ta.

(Đức Nhiếp Chính Vương thăm bảo tàng nghệ thuật Dallas, trong chuyến hoằng Pháp tại New York, 2014)

Như vậy tốt nhất là phải hiểu rằng, là những tình nguyện viên, chúng ta không ‘giúp đỡ’ cũng không ‘ban ơn’ cho ai mà chúng ta phải hiểu và coi đó là việc thực hành pháp cho chính mình. Cốt tủy của việc thực hành Pháp là để giảm thiểu việc nuông chiều bản ngã và quan kiến về ‘cái tôi’. Chúng ta sẽ trưởng dưỡng được tâm mình qua quá trình này, khai mở không gian tâm vô hạn để chứa đựng nhiều tình yêu thương, lòng bi mẫn và sự đồng cảm thấu hiểu nỗi khổ đau, hoàn cảnh của mọi hữu tình, cho dù họ ở địa vị cao hay thấp hay thậm chí chỉ đơn giản là loài động vật hay côn trùng. Vì vậy nếu bạn có thể hiểu rằng việc bạn làm tình nguyện thực tế là việc thực hành trưởng dưỡng sự cam kết và tâm chí thành vô ngã để phụng sự cho lợi ích của hết thảy hữu tình – đó chính là thực hành tâm linh thực sự. Khi đó kiêu mạn, mệt mỏi, chán nản và oán hận, tất cả sẽ hòa tan vì quan kiến sai lầm về bản ngã hay cái ‘tôi’ đã hoàn toàn bị hóa giải. Thái độ đúng đắn, về lâu dài, sẽ dẫn tới niềm hạnh phúc bên trong, trưởng dưỡng trí tuệ hiểu biết về tự tính tâm và tự tính vũ trụ bên ngoài, tất cả chỉ thông qua công tác tình nguyện.

Một điểm nữa cần biết là đôi khi có khá nhiều tình nguyện viên làm việc chăm chỉ, nhưng họ làm như vậy là do cảm thấy có lỗi hoặc đôi khi vì lo sợ bậc Thượng sư của họ sẽ phiền lòng. Theo một cách nào đó, tôi cho rằng điều đó cũng tốt bởi nó có nghĩa rằng bạn kính trọng Thượng sư, quan tâm đến ý kiến của Ngài và không muốn làm Ngài phiền; tuy nhiên tôi thực sự tin rằng sẽ tốt hơn nếu động cơ của bạn dựa trên mong nguyện thúc đẩy thực hành tâm linh.

(Đức Nhiếp Chính Vương giảng Pháp cho sinh viên trong một khóa chuyên tu tại vương quốc Bhutan)

Một số người khác lại cảm thấy có lỗi khi gặp các bậc Thượng sư vì cảm thấy mình làm không đủ hoặc không phụng sự hết khả năng của mình. Theo ý kiến của tôi, thật không đúng khi phải chịu căng thẳng do cảm giác rằng Thượng sư sẽ khó chịu. Bạn đã có đủ căng thẳng ở bên ngoài, từ gia đình, công việc, các mối quan hệ và cuộc sống. Tôi chắc chắn không muốn cộng thêm căng thẳng vào những căng thẳng sẵn có đặc biệt là sự căng thẳng mà bạn có thể gọi là ‘Căng thẳng Drukpa’! Tôi thà khuyên bạn bỏ hết qua một bên những lỗi liên quan đến việc Thượng sư sẽ vui hay không, nhưng tốt hơn là lương tâm của chính chúng ta phải dẫn đường cho bạn và giúp bạn tìm cách thu xếp được thời gian cho việc thực hành tâm linh qua công tác tình nguyện. Tôi cũng đã nói chúng ta cần xem xét lại bản thân một cách thành thật để đánh giá chúng ta thực sự cần bao nhiêu thời gian cho gia đình, công việc bản thân và bao nhiêu thời gian, nỗ lực và khả năng chúng ta phải dành cho công việc tình nguyện.

Sau khi đã thành thật suy xét lương tâm, đánh giá được mình có đang thực sự dành thời gian rảnh rỗi theo hoàn cảnh cá nhân cho việc làm tình nguyện phụng sự Phật pháp, lợi ích hữu tình, bạn không được có cảm giác tội lỗi hay tiêu cực. Tốt nhất hãy để lương tâm của chúng ta phán xét xem chúng ta đang làm việc chăm chỉ thế nào hoặc tâm chí thành của chúng ta mạnh mẽ tới mức nào hơn là chờ Thượng sư của bạn hay người khác phán xét.

Nguồn: https://gyalwadokhampa.org/latest-news/item/1189-reflection-on-being-a-volunteer.html
https://www.facebook.com/notes/gyalwa-dokhampa/reflections-on-being-a-volunteer/1176375145720165
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,134,742
Số người trực tuyến: