Tình nguyện viên - giá trị và những phẩm chất | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tình nguyện viên - giá trị và những phẩm chất

4565
14/03/2023 - 21:11
Nghiệp lành không phải là gì khác mà chính là khi chúng ta biết mang hạnh phúc đến cho những người khác. Đây chính là cách nhìn nhận của tôi về hoạt động tình nguyện và ý nghĩa của cuộc sống.                                                                             ~ Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa

Là Phật tử chúng ta đều tin vào nghiệp, vì thế nếu chúng ta muốn tạo được những nghiệp tích cực cho tương lai, cho kiếp sau, chúng ta phải gieo những nhân lành và thiện duyên để có thể gặt hái những quả tốt lành trong kiếp này và kiếp sau. Vậy làm thế nào để tích lũy được nghiệp lành? Nghiệp lành không phải là gì khác mà chính là khi chúng ta biết mang hạnh phúc đến cho những người khác. Đây chính là cách nhìn nhận của tôi về hoạt động tình nguyện và ý nghĩa của cuộc sống. Tôi cũng xin chia sẻ thêm một chút với các bạn từ quan kiến của tôi về những giá trị mà hoạt động tình nguyện có thể mang lại? Những hướng đạo cần thiết cho hoạt động tình nguyện là gì?
 
(Phẫu thuật mắt miễn phí hàng năm do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khởi xướng tại tự viện Druk Amitabha, Nepal)
 
Tôi nghĩ rằng với hoạt động tình nguyện, các tổ chức thiện nguyện, các tình nguyện viên cần phải có ba giá trị cốt lõi. Thứ nhất là vô ngã. Bởi vì khi chúng ta làm điều gì đó cho hoạt động tình nguyện, thì điều gì làm cho chúng ta khác với các tổ chức khác? Ví dụ như các công ty kinh doanh họ đều làm truyền thông, vận chuyển, và hoạt động văn hóa. Vậy chúng ta khác họ ở điểm nào? Điểm khác biệt ở chỗ chúng ta làm tất cả những phương tiện thiện xảo này không phải vì lợi ích của bản thân, không phải vì lợi nhuận, danh tiếng mà vì chúng ta muốn Phật pháp được hoằng truyền, được nhiều người biết đến. Điều này giống như tôi thường nói đùa với những người bạn của mình rằng, cuộc sống có nhiều cái mũ, khi tôi về nhà, tôi có thể đội chiếc mũ vị kỷ, tôi có thể vì bản thân. Nhưng khi tôi làm tình nguyện viên, tôi phải đội chiếc mũ vị tha. Lúc này cho dù tôi nói gì, nghĩ gì và làm gì, đều phải vì lợi ích hết thảy hữu tình, và phụng sự cho truyền thừa. Vì thế động cơ vô ngã chính là sự khác biệt giữa chúng ta và các tổ chức khác. Nếu không thì chúng ta cũng giống họ, cũng sử dụng máy tính, internet, truyền thông. Và chúng ta trở thành Công ty Drukpa chứ không phải là tổ chức tâm linh Drukpa.
 
(Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa và các tình nguyện viên Bhutan)
 
Đó là lý do tại sao tôi tin chắc rằng các bạn cũng đang làm như vậy. Tôi cũng thường nhắc các tình nguyện viên thuộc trung tâm của tôi ở Bhutan và các trung tâm khác rằng mỗi khi có một cuộc họp liên quan đến hoạt động của truyền thừa, việc đầu tiên là chúng ta phải tụng quy y, phát bồ đề tâm. Khi bạn quy y và phát bồ đề tâm, bạn nhớ một cách nhậm vận rằng bây giờ bạn đang trong buổi họp, bạn sẽ thảo luận về việc truyền thông trên báo chí, kinh sách hay in ấn, nhưng với động cơ là mang lại lợi ích cho chúng sinh. Động cơ cuối cùng sẽ giúp chúng ta đi đúng hướng. Cho dù chúng ta không tu tập trì tụng và thiền định nhưng bất cứ điều gì chúng ta làm với động cơ mang lại lợi ích cho chúng sinh cũng có công đức vô lượng. Vì thế cuối buổi họp chúng ta phải luôn hồi hướng công đức của mình có được cho hết thảy hữu tình.
 
Nhưng khi tôi nói về vô ngã, ở đây không có nghĩa là chúng ta phải làm quá mức so với khả năng của mình. Chẳng hạn như mỗi chúng ta đều có gia đình, đều có vợ chồng, con cái, công việc nên chúng ta cũng phải cân nhắc cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình. Ví dụ nếu như bạn không chăm sóc con cái mà đến làm việc cho Drukpa, thì sau đó gia đình bạn có thể sẽ đến để phàn nàn với tôi. Lời khuyên của tôi cho các bạn là dù chúng ta làm gì thì cũng phải làm với tâm và động cơ thanh tịnh, vô ngã để cho dù bạn có mệt mỏi nhưng sẽ rất hạnh phúc vì đã làm được những việc có ý nghĩa trong cuộc sống, kiếp sống này đã không bị uổng phí. Cũng như tôi thường nói với các tình nguyện viên của tôi tại Hồng Kông rằng tôi không thể đảm bảo  cho họ có thù lao tốt nhưng tôi có thể đảm bảo rằng đó là công việc mang đến sự hài lòng cho họ.
 

 
Điều thứ hai là chúng ta phải có sự đồng tâm. Đồng tâm không có nghĩa là chúng ta không trao đổi ý kiến của mình. Bản thân tôi cũng luôn lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người. Bởi mỗi người đều có trí tuệ và khả năng chuyên môn riêng. Vì thế tôi nghĩ mọi người đều cần phải đưa ra ý kiến. Nhưng khi chúng ta đã đi đến quyết định thì  mọi người đều phải cùng nhau làm việc trong hòa hợp. Đồng tâm chính là nhất tâm theo sự hướng đạo của Đức Pháp Vương, của quý Thầy giáo thọ của các bạn tại Việt Nam. Đồng tâm là rất quan trọng. Một trăm người nhiệt tâm nhưng lại đi theo 1000 hướng thì không bằng 10 người mà nhất tâm đi theo một hướng.

Điều thứ ba tôi muốn nhấn mạnh là sự hòa hợp. Chúng ta ai cũng nói đến sự hòa hợp. Hòa hợp rất cần trong các mối quan hệ bạn bè và xã hội. Vấn đề mấu chốt là làm sao có được sự hòa hợp? Theo tôi hòa hợp không phải là do mọi người đều hoàn hảo. Nếu mọi người đều hoàn hảo thì không cần phải thực hành pháp nữa. Chúng ta đều thành Phật thì mọi người đều hoàn hảo, và tất nhiên là sẽ hòa hợp. Tôi nghĩ rằng ở cấp độ của chúng ta, sự hòa hợp đến từ lòng tri ân lẫn nhau, biết tha thứ, mở rộng lòng mình... Ví dụ chúng ta có 50 người trong phòng chật như thế này nhưng nếu hòa hợp, chúng ta có thể có đủ chỗ cho thêm 20 người nữa. Thậm chí là trước khi mọi người có thể phạm sai lầm, thì chúng ta đã cần phải có sẵn sự cảm thông và tha thứ ở trong tâm rồi. Bởi vì chúng ta không phải Phật nên không tránh khỏi mắc lỗi và có những sai lầm. Và lỗi lầm cần phải được tha thứ.
 
 
Sự hòa hợp cũng rất cần thiết trong mối quan hệ gia đình. Rất nhiều các bạn trẻ trước khi kết hôn đến gặp tôi để xin gia trì và lời khuyên. Thú thực là tôi cũng không có kinh nghiệm gì về chuyện hôn nhân gia đình cả nhưng tôi luôn luôn nói với họ một nguyên lý cơ bản là chúng ta cũng chưa phải là Phật, chúng ta vẫn là những phàm phu cho nên chắc chắn không thể hoàn hảo và không mắc lỗi lầm. Chỉ chư Phật mới như vậy. Vì thế, tôi hiểu rằng mối quan hệ hoàn hảo không phải là đặt hai người hoàn hảo với nhau, mà là hai người, hay một nhóm, hay một tăng đoàn cũng vậy, phải sẵn sàng tha thứ cho nhau, chấp nhận lỗi của nhau.  Đó là nguồn gốc của sự hòa hợp.

Nói về việc trân trọng lẫn nhau này giữa mọi người thì có một chuyện vui mà tôi rất thích nên muốn chia sẻ với các bạn. Có một cuộc tranh cãi giữa các bộ phận trong cơ thể xem ai là quan trọng nhất. Tim nói rằng: “Tôi là quan trọng nhất, vì nếu tôi không đập để bơm máu tới các bộ phận trong cơ thể thì chúng ta sẽ chết ngay”. Phổi thì nói rằng: “Không, tôi là quan trọng nhất vì nếu máu không có ô xi thì cũng không nuôi được cơ thể.” Thận cũng nói: “Không, tôi mới quan trọng nhất”. Và mọi người đều cho rằng bộ phận bài tiết là ít quan trọng nhất. Họ nói: “Ông là người ít quan trọng nhất, ông chẳng là ai cả, đừng có tham dự cuộc họp này, hãy ra khỏi đây”. Ông bài tiết rất tức giận và quyết định đình công. Ông  nói: “Từ ngày mai tôi sẽ không làm việc”. Sau 3, 4 ngày không bài tiết thì thận bắt đầu có vấn đề, tim có vấn đề, và phổi cũng có vấn đề. Mọi bộ phận đều có vấn đề. Ngay sau đó thì có một cuộc họp khác diễn ra để mọi người cùng nhìn nhận lại vấn đề: “Bây giờ chúng tôi đã nhận ra mọi người đều quan trọng. Chúng ta cần phải biết ơn, trân trọng tất cả mọi người trong cơ thể này”.Một tổ chức cũng tương tự như vậy, mỗi người có thể có cách làm việc riêng nhưng sự nỗ lực của họ cần được tri ân. Đó cũng là cách để duy trì sự hòa hợp.
 
 
Tôi cũng thường nói với các tình nguyện viên của mình rằng, đôi khi trong lúc họ làm việc thì lỗi lầm có thể xảy ra. Ví dụ trong khi chiếu phim, máy chiếu bị rơi vỡ thì tôi nói “Không sao. Không vấn đề gì”. Những tổn hại về mặt vật chất thì không có gì đáng để bận tâm, ngày mai có thể mua một cái khác để thay thế. Tuy nhiên trong tổ chức của chúng ta nếu không đảm bảo được ba giá trị mà tôi vừa nói đến, một là vô ngã vị tha, hai là sự đồng tâm, ba là sự hòa hợp, thì sẽ rất khó hoạt động và tổ chức sẽ bị tổn hại ngay lập tức. Bởi nếu hoạt động của chúng ta không còn mang tính vô ngã thì nó không khác gì một hoạt động thế gian thông thường. Chúng ta là diễn viên hài, chúng ta thực sự lừa dối chính mình, và khi cái chết đến, vào thời điểm đó chúng ta có thể nhìn lại chính mình, chúng ta thấy rằng mọi điều chúng ta đã làm đều với đông cơ tiêu cực và ích kỷ đáng hổ thẹn cho dù bạn đã làm việc rất vất vả nhân danh Phật pháp. Vì thế toàn bộ hoạt động của chúng ta sẽ trở thành những hoạt động thế gian và những trò đùa. Đó là điều thứ nhất.

Điều thứ hai, cho dù chúng ta có động cơ vô ngã nhưng nếu không có sự đồng tâm thì chúng ta cũng không đi đến đâu. Tương tự như vậy với sự hòa hợp, nếu không có hòa hợp, các bạn sẽ chỉ lo đấu tranh nội bộ thay vì làm việc phụng sự chúng sinh. Vì thế theo quan điểm của tôi, ba phẩm chất này là những giá trị cơ bản để trở thành một tình nguyện viên. Và đây là ba giá trị mà tôi cho là quan trọng nhất, là cột trụ cho các hoạt động thiện nguyện.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,141,325
Số người trực tuyến: