Những món quà kỳ diệu | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Những món quà kỳ diệu

640
02/09/2016 - 09:39
 

“Điều có ý nghĩa nhất trong đời người lại chính là những hành động yêu thương từ ái tưởng như nhỏ nhiệm vô danh”

~ William Wordsworth

 

Giống như hạnh phúc, tình yêu thương và lòng bi mẫn, Hạnh bố thí có nghĩa là càng ban phát, bạn lại càng nhận được nhiều hơn. Tuy vậy, điểm cốt lõi khi thực hành bố thí là bạn cho đi mà không mong đợi nhận lại được bất cứ thứ gì. Đây là điều thoạt nhiên không dễ dàng, vì thế, bạn có thể bắt đầu bố thí từ những việc nhỏ nhưng hãy làm điều này một cách chân thành, vô điều kiện. Hãy đừng mong chờ lời cám ơn và biết cho đi không đắn đo luyến tiếc!


(Chương trình thiện hạnh: "Từ bi trong hành động" với những món quà dành cho các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn được tổ chức tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên, Vĩnh Phúc)


Thực hành bố thí không nhất thiết nghĩa là phải là cho đi của cải vật chất. Việc chia sẻ, chỉ bảo hay truyền cảm hứng cho người khác cũng là một cách thực hành tuyệt vời. Cảm hứng là một trong những món quà lớn nhất. Che chở hay chăm sóc ai đó cũng là một hành động bố thí khác. Sự nhẫn nhịn, bao dung, tôn trọng, nụ cười, lòng tri ân, tình yêu thương bi mẫn… đều là những món quà kỳ diệu mà bạn có thể ban tặng hàng ngày cho mọi người.

 

“Quy luật kỳ diệu của vũ trụ, đó là ba điều được chúng ta mong muốn nhất trên đời - hạnh phúc, tự do và bình an - đều có thể đạt được bằng cách trao tặng chúng cho người khác”

~ Peyton Conway March

 

Tôi vừa trở về từ chuyến đi bộ hành hương tốt đẹp đến Maratika. Thật vui vì cứ mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, chúng tôi lại nhận được sự động viên hỗ trợ của dân chúng bên đường. Tôi không ngờ rằng, ở một nơi xa xôi như vậy, gần như tất cả những gì chúng tôi cần đều sẵn có. Mọi người cúng dàng thức ăn, nước uống và mọi loại phẩm vật lên tôi và Tăng đoàn. Đôi khi tôi thấy mình được cho quá nhiều vì ai trong số khoảng 200 người trong đoàn cũng muốn cúng dàng lên tôi những thực phẩm hay vật phẩm họ có. Tôi không từ chối vì không muốn ai buồn, nhưng rồi cũng nghĩ ra một cách rất hay: Tôi giữ lại những tặng phẩm này một vài giờ để tỏ lòng tri ân của mình rồi tặng lại cho họ. Như thế, tôi không phải mang theo mình tất cả và bản thân họ cũng rất hoan hỷ về điều này. Chỉ tiếc là tôi nghĩ ra giải pháp này hơi trễ một chút, nhưng giờ thì tôi đã có kinh nghiệm cho những chuyến đi sau.

 

Một số đại thành tựu giả  Ấn Độ từ ngàn năm trước đã dạy cách thực hành bố thí chỉ bằng việc chuyển phẩm vật từ tay phải sang tay trái họ rồi làm ngược lại. Đây là cách thực hành bố thí rất đơn giản và thú vị. Nghe thì có vẻ ngây ngô, nhưng lại rất hiệu quả - bắt đầu từ những việc nhỏ nhất rồi từng bước phát triển dần. Bằng cách này, khi bạn cho ai đó bất cứ thứ gì, có thể là tài thí (vật chất), pháp thí (truyền cảm hứng) hay vô úy thí (che chở), bạn đều thực hành một cách tự nguyện và không ép buộc. Bạn không hối tiếc cũng như không làm để thể hiện mình. Bạn có thể bắt đầu thực hành bằng việc chia đôi vật định bố thí, cho người một nửa và giữ cho mình một nửa. Rồi dần dần, động cơ bố thí của bạn trở nên thanh tịnh, vô điều kiện và bạn cũng không cần phải tuyên bố để tất cả mọi người biết việc bạn đã làm. Bản thân hành động bố thí đã là đủ rồi!

 

“Không có thiện hạnh nào là vô nghĩa cho dù là việc thiện nhỏ nhất”  ~ Aesop


(Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche chủ trì khóa lễ phóng sinh)


Mỗi khi làm một việc thiện từ đáy lòng, bạn đều cảm thấy tâm thanh thản, mát lành và an bình. Bạn không tự hào mà biết trân trọng và tri ân. Thực hành bố thí một cách chân thành chứ không phải vì cảm thấy tội lỗi, ép uổng sẽ mang lại cho ta niềm vui và mãn nguyện. Hãy sẵn sàng chia sẻ một cách tự nguyện, hoan hỉ. Ngay cả khi chẳng có gì đáng giá để bố thí cũng chẳng sao. Chỉ cần rộng mở trái tim và buông xả bám chấp, định kiến là bạn đã mang lại tự do cho chính mình và mọi người. Tất cả chúng ta đều là anh em, đều giống nhau về bản chất.Vậy nên hãy cùng nhau khóc, cùng nhau cười, cùng san sẻ nỗi buồn, nhân đôi niềm vui và giúp đỡ lẫn nhau trên hành trình cuộc sống!

 

Đức Phật Thích Ca trong rất nhiều tiền kiếp đã từng hy sinh thân thể mình vì lợi ích chúng sinh. Trong một kiếp quá khứ của Ngài ở Nepal, Ngài đã hiến thân mình cho mẹ con hổ đói. Khi thấy hổ mẹ đang định ăn thịt con mình vì quá đói, Ngài đã hiến thân mình để cứu cả hổ mẹ và đàn con. Thậm chí khi thấy hổ mẹ đã quá yếu không còn sức lực, Ngài tự cắt mạch máu để nó có thể liếm máu mình. Dấu tích nơi Ngài thí thân thời ấy là một địa điểm hành hương nổi tiếng cho đến ngày nay.


(CLB YDA Việt Nam hỗ trợ giải pháp cung cấp nước ngọt cho bà con vùng hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long)


Phần lớn chúng ta chỉ quan tâm đến hạnh phúc của riêng mình, làm mọi điều vị kỷ chỉ để thỏa mãn bản thân mà không hiểu rằng khi chia sẻ hạnh phúc cho người, chúng ta cũng sẽ đón nhận hạnh phúc trở lại. Bạn có thể tự mình kiểm chứng việc này. Nếu bạn có một trái tim quảng đại và chia sẻ công đức của mình, công đức đó sẽ không thuyên giảm mà còn nhân lên gấp bội. Khi biết sống và hành động với trái tim độ lượng bác ái, bạn sẽ nhận thêm nhiều điều lành. Khi biết giúp đỡ không toan tính, niềm hỷ lạc ta nhận được lại là vô hạn, rồi chúng ta cũng sẽ nhận được sự chia sẻ vô điều kiện. Đó thực sự là một quy luật rất công bằng của vũ trụ. Vậy nên hãy nói lời tạm biệt với những cố chấp, vị kỷ và suy nghĩ hẹp hòi. Hãy để chúng vĩnh viễn rời xa bạn!

 


~ Trích ấn phẩm “Giác ngộ mỗi ngày” - Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,128
Số người trực tuyến: