Trân trọng và lòng Từ bi | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Trân trọng và lòng Từ bi

832
09/11/2021 - 18:14
 
SỰ TRÂN TRỌNG VÀ LÒNG TỪ BI
 
Trong cuộc sống, việc chúng ta biết tôn trọng lẫn nhau là điều vô cùng quan trọng. Sự tôn trọng này không mang tính hình thức xã giao mà cần được xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc rằng bản thân mình và tất cả mọi người trên cõi đời này đều mong cầu hạnh phúc, không ai muốn có thêm khổ đau cả.
Hiểu được điều này, theo lẽ tự nhiên, chúng ta sẽ phát tâm muốn đối xử tốt và giúp đỡ thay vì mang đến đau khổ cho những người xung quanh. Chúng ta trở nên tốt bụng, biết hướng tình yêu thương và lòng từ bi đến với mọi người.
 
 
 
 
 
Không chỉ con người mà ngay cả các loài khác cũng muốn có được hạnh phúc. Các loài động vật cũng có cuộc sống riêng của chúng, cũng mong cầu hạnh phúc, cũng sợ hãi khổ đau và nhất là sợ bị giết hại. Bởi vậy, chúng ta cũng cần trân trọng sự sống của tất cả mọi loài. Hiện tại, loài người chúng ta sống thiếu hiểu biết, không trân trọng sự sống của mọi loài. Thí dụ, chỉ riêng ở đất nước Singapore nhỏ bé này, tôi không biết mỗi buổi sáng có bao nhiêu loài động vật, bao nhiêu gia súc, gia cầm bị giết hại. Thật tội nghiệp cho những con vật ấy, chúng không thể nói tiếng người, chúng có thể đau đớn, gào thét, song chúng ta rất nhẫn tâm, chúng ta vẫn lạnh lùng sát hại chúng. Chúng ta phớt lờ rằng các con vật ấy cũng mong cầu sự sống, hạnh phúc như chính loài người. Chúng ta tự cho loài người là văn minh, trí tuệ, song lại không chịu hiểu sự thật vô cùng đơn giản ấy. Vì không biết tôn trọng sự sống của mọi loài, nên chúng ta trở thành những kẻ nhẫn tâm, tự mình hoặc tiếp tay cho kẻ khác tàn sát sinh mạng loài vật.
 
Vì thiếu hiểu biết, chúng ta thờ ơ với khổ đau của loài vật, tiếp tục hành động thiếu trí tuệ và tích lũy bất thiện nghiệp. Theo thời gian, ác nghiệp ngày càng tăng trưởng, chúng ta có thể trở nên nhẫn tâm với mọi người, thậm chí cả những người thân của mình. Chúng ta vô tình hay cố ý mang lại bất an, đau khổ tới những người mình yêu thương, như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái. Chúng ta mang lại khổ đau cho chính mình cũng bởi sự thiếu hiểu biết này. Nói theo cách khác, chúng ta gieo nhân, tạo nghiệp và cứ thế tiếp tục trôi lăn trong sinh tử luân hồi.
 
 
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn trong chuyến viếng thăm Việt Nam, năm 2011)
 
Như vậy, sự hiểu biết về cách thức chấm dứt khổ đau, đạt được hạnh phúc, hay còn gọi là trí tuệ, là rất quan trọng và cần thiết. Để có được hiểu biết này, bạn cần cố gắng trưởng dưỡng tình yêu thương. Một trong những phương pháp giúp trưởng dưỡng tình yêu thương là thực hành Quán Từ bi. Bạn có thể thực hành pháp này ở bất kỳ nơi đâu. Bạn hãy ngồi thẳng lưng, giữ cho tâm tập trung, an tịnh, không căng thẳng và không bị chi phối bởi tham lam, tức giận, ganh ghét, si mê, vọng tưởng. Tâm bất kham thường được ví như một chú ngựa hoang, luôn chạy lăng xăng, dễ bị nhiễm ô bởi xúc tình phiền não khiến chúng ta mất kiểm soát. Khi thực hành quán từ bi, chúng ta giữ tâm mình an định bằng cách phát Bồ đê tâm, trải tình yêu thương bình đẳng của mình đến mọi người, mọi loài. Chúng ta hãy tư duy quán khổ, để thấy mỗi ngày có biết bao nhiêu người phải gánh chịu khổ đau, biết bao động vật bị giết hại, bị đe dọa.
 
Chúng ta quán nỗi khổ của chúng sinh nơi các cõi thấp như địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, nỗi khổ của biết bao con người được sinh ra trong thân người nhưng không biết đến Phật Pháp, không có cơ hội thực hành giải thoát. Giáo lý Đạo Phật chỉ ra rằng đây chính là ý nghĩa của “thân người khó được” với tám điều giải thoát (Thoát được cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cõi trời trường thọ, sinh thời có Phật, có Pháp, đầy đủ sáu căn, không tà kiến) và mười điều may mắn (sinh làm người, ở nới chính pháp, đủ 6 căn, không phạm ngũ nghịch, có đức tin, sinh thời có Phật, Phật có thuyết Pháp, giáo Pháp vẫn còn, tự do tín ngưỡng/hạnh ngộ Minh sư).
Pháp quán này không chỉ giúp chúng ta biết trân trọng hơn những may mắn của bản thân, mà còn có thể mở lòng mình, mở rộng trái tim, phát triển tình yêu thương và cũng nhờ vậy mà chúng ta có thể đón nhận năng lực gia trì mạnh mẽ từ chư Phật và chư Bồ Tát.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,136,138
Số người trực tuyến: