Nhân duyên cát tường giữa Truyền thừa Drukpa với miền đất Rồng thiêng | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Nhân duyên cát tường giữa Truyền thừa Drukpa với miền đất Rồng thiêng

768
04/01/2017 - 09:00

Vượt trên dòng thời gian một ngàn năm và khoảng cách xa xôi là mối giao cảm Phật pháp và nhân duyên cát tường giữa Truyền thừa Drukpa với miền đất Rồng thiêng và đặc biệt là Thủ đô Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Kinh điển dạy rằng khi Đức Phật đản sinh có chín rồng thiêng phun mưa nước tắm cúng dàng đón Đức Thế tôn ứng hiện cõi Sa bà, ban giáo pháp từ bi hỷ xả đem lại hạnh phúc cho muôn loài hữu tình. Gần 1.000 năm về trước, khi chứng kiến điềm cát tường chín rồng thiêng cuộn mình phi thiên, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I đã đặt tên Truyền thừa mệnh danh “Drukpa” nghĩa là Truyền thừa Rồng thiêng, nêu biểu giáo pháp giác ngộ từ bi trí tuệ trải khắp muôn phương phụng sự nhân loại và vũ trụ.
Việt Nam, đất nước với dải đất hình Rồng bay lên cũng là nơi lưu truyền nhiều truyền thuyết hào hùng về rồng thiêng như sự tích Lạc Long Quân - Âu Cơ, huyền thoại về Vịnh Hạ Long hay câu chuyện diệu kỳ về sự kiến lập Thủ đô Thăng Long - Hà Nội. Vượt trên dòng thời gian một ngàn năm và khoảng cách xa xôi là mối giao cảm Phật pháp và nhân duyên cát tường giữa Truyền thừa Drukpa với miền đất Rồng thiêng và đặc biệt là Thủ đô Thăng Long nghìn năm văn hiến.

 

Sử sách còn ghi lại rằng cách đây 1000 năm, khi đến vùng Đại La và chứng kiến điềm Rồng Vàng cát tường từ sông Hồng cuộn mình bay lên, vua Lý Thái Tổ, vị vua đầu tiên của triều đại nhà Lý, đã quyết định chọn linh địa này làm kinh đô mới và đặt tên là Thăng Long, có nghĩa là “Rồng bay lên”. Vua Lý Thái Tổ là một vị vua Phật tử tài giỏi, thuần thành và thuấn nhầm Phật Pháp. Ngay từ thuở thiếu thời, ông đã được Thiền sư Vạn Hạnh - một bậc Thượng sư chứng ngộ giáo dưỡng. Dưới thời trị vì của ông và các đời vua kế tiếp, đạo Phật trở thành quốc giáo của Việt Nam. Các vị vua thời Lý - Trần thường thỉnh mời các bậc Đại sư thực chứng đạo hạnh làm Quốc sư, cố vấn về các mặt chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa và tôn giáo, giúp việc trị quốc an dân thời bấy giờ được thấm nhuần tư tưởng từ bi, trí tuệ, vô úy hỷ xả của Phật pháp.
Phật pháp thịnh trị tới mức thủa ấy, “trong nước chỗ nào cũng có chùa chiền, nhân dân quá nửa là sư sãi”. Các giá trị minh triết và đạo đức Phật giáo được áp dụng rộng khắp trong thời kỳ này đã giúp đất nước được an bình, thịnh vượng dài lâu, để lại mốc son rực rỡ trong lịch sử Phật pháp và dân tộc.

 
(Logo Truyền Thừa Drukpa)

 Nhân duyên cát tường hội đủ, đúng 1.000 năm sau, trong Đại lễ kỷ niệm Thiên niên kỷ thành lập Thủ đô Thăng Long - Hà Nội, cũng là Đại lễ kỷ niệm Di sản Thiên niên kỷ Naropa 1.000 năm Phụng sự Nhân loại và Vũ trụ của Truyền thừa Drukpa, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, bậc được kính ngưỡng là hiện thân của Đức Quán Âm, là hóa thân chuyển thế của Đức Naropa, đồng thời là vị lãnh đạo tâm linh của Truyền thừa Phật giáo Đại thừa - Kim cương thừa Drukpa đã lần thứ ba đảo giá từ hàng quay trở lại mảnh đất Rồng thiêng, viếng thăm cử hành Pháp hội cầu nguyện quốc thái dân an và ban truyền Giáo pháp Quán đỉnh.  

"Năm nay là một năm đặc biệt kết hợp hai sự kiện quan trọng: Đại Pháp hội kỷ niệm 1000 năm Truyền thừa Drukpa và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Hôm nay, quý Phật tử có duyên lành vân tập về đây để kỷ niệm các sự kiện trên. Hãy cùng hân hưởng thời gian an lạc hạnh phúc bên nhau và nối lại mối thâm duyên sâu sắc này đã gieo trồng từ nhiều đời trước.
Lời đầu tiên, tôi xin bày tỏ niềm tri ân sâu sắc của mình tới Chính phủ Việt Nam đã đồng ý và ủng hộ tôi đến Việt Nam để chia sẻ những giáo pháp, thông điệp nhiệm mầu về tình thương yêu và lòng bi mẫn của Đức Phật. Tôi chân thành cầu nguyện và tin tưởng rằng, đất nước và con người Việt Nam sẽ đạt đến sự phát triển trọn vẹn, không những về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, mà còn đạt được niềm an lạc hạnh phúc chân thật nhất trên phương diện tâm linh.


(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tại buổi toạ đàm với báo điện tử VietNamNet, 2010)

Hôm nay, chúng tôi sẽ truyền Quán đỉnh và nghi quỹ tu trì về Đức Phật Dược Sư. Bài kệ đầu tiên là trì tụng Quy y Tam Bảo: Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng. Nếu không đón nhận và thực hành ba pháp Quy y này, chúng ta sẽ không thể tu tập trên con đường Phật pháp.

Thứ hai là phát Bồ đề tâm hay tâm cầu giác ngộ phát triển Từ bi và Trí tuệ.

Thứ ba là cúng dàng: Chúng ta dâng phẩm vật cúng dàng Phật - Pháp - Tăng. Khi cúng dàng với tâm thành như vậy, chúng ta mong nguyện rằng tất cả chúng sinh được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Vì nguyên nhân chính của ốm đau bệnh tật bắt nguồn từ ích kỷ nên trong bài kệ này, chúng ta cầu nguyện cho tất cả mọi người, tất cả chúng sinh được hạnh phúc an vui. Đây là phương pháp làm giảm bớt ích kỷ, bám chấp của mình. Thay vì cầu nguyện cho bản thân, từ giây phút này, bạn hãy phát tâm rộng lớn cầu nguyện cho tất cả mọi người, mọi loài cùng an vui hạnh phúc.
Chúng ta bắt đầu quán tưởng Đức Phật Dược Sư trên đỉnh đầu, hoặc có thể quán chính bản thân mình là Đức Phật Dược Sư, rồi quán tưởng mười phương ba đời chư Phật, chư Bồ tát đang vây quanh. Việc quán tưởng như vậy là cách tốt nhất để thiết lập sự kết nối tâm linh với các Ngài. Sự kết nối này đem lại cho chúng ta năng lượng bình an hạnh phúc. Muốn có được hạnh phúc chân thật, chúng ta cần phải phát triển được nguồn năng lượng miễn dịch có khả năng chống lại sự yếu đuối của tâm và sự suy kiệt của thân thể vật lý. Khi tâm không đủ mạnh, chúng ta luôn cảm thấy sợ hãi lo âu, rất dễ cáu giận, buồn phiền, tuyệt vọng. Ngược lại, nếu biết trưởng dưỡng sức mạnh nội tâm, chúng ta sẽ giảm bớt giận dữ, ưu phiền và hạnh phúc chân thật sẽ đến. Như vậy, điểm trọng yếu là chúng ta phải biết cách giữ cho tâm mình luôn cân bằng mạnh mẽ.

Chư Phật ứng hiện vô số hóa thân, mỗi vị có một sắc thân, hình tướng khác nhau để phù hợp thời điểm, căn cơ vì lợi ích chúng sinh. Ví dụ, Đức Phật A Di Đà có sắc thân đỏ tượng trưng cho năng lực của tình thương yêu, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có sắc thân vàng ròng tượng trưng cho sự thành tựu viên mãn. Đức Phật Dược Sư có sắc thân xanh dương chính là biểu trưng cho sức mạnh của năng lượng chữa lành thân tâm mà tất cả chúng ta đều cần đến!
Bạn hãy quán tưởng ở ba vị trí luân xa trán, cổ và tim Ngài an trí ba chữ chủng tử OM, AH, HUNG tượng trưng cho năng lượng Thân - Khẩu - Ý giác ngộ. Chữ “OM” tượng trưng cho năng lượng giác ngộ của Thân, chữ “AH” là năng lượng giác ngộ của Khẩu, chữ “HUNG” là năng lượng giác ngộ của Tâm. Trong ba năng lượng này thì năng lượng giác ngộ của Tâm là quan trọng nhất.
Khi thiền định về chân ngôn Dược Sư, chủng tử “HUNG” nằm ở giữa đĩa mặt trăng, chuỗi chân ngôn của Đức Phật Dược Sư: “TAYATHA OM BENKANZE BENKANZE MAHA BENKANZE RADZA SAMUDGATE SOHA" bao quanh. Chuỗi chân ngôn này xoay quanh chữ HUNG theo chiều kim đồng hồ, chuyển động trong thứ ánh sáng nhẹ nhàng, trong suốt. Việc quán tưởng ánh sáng là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Chúng ta tiếp tục quán tưởng mình trong hình tướng Phật Dược Sư để nhận ra bản chất Phật, bản chất Như Lai tạng Nguyên thủy bên trong mình chính là Phật. Đức Phật Dược Sư, Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni,... tất cả chư Phật bản lai ở trong Như Lai tạng tính. Thông qua sự quán tưởng, ta có thể chứng ngộ bản chất Phật tính từ vô thủy kiếp vỗn sẵn có nơi mình. Chúng ta quán tự thân là Đức Dược Sư, và đặc biệt cần quán tưởng bậc Thượng sư đang trao truyền quán đỉnh cho mình chính là Đức Phật Dược Sư vì bản chất tâm của Ngài là Phật. Chúng ta không nên nhìn Ngài như một người phàm tình, mà nên tuyệt đối tin rằng bậc Căn bản Thượng sư của mình chính là hiện thân của mười phương chư Phật.


(Thangka Đức Phật Dược Sư)

Các truyền thống Phật giáo thường được chia thành hai Thừa là Nguyên thủy Phật giáo và Đại thừa Phật giáo. Đại thừa Phật giáo lại được chia thành Kinh thừa và Mật thừa. Lý thuyết cơ bản của cả Mật thừa và Kinh thừa đều tin chắc rằng mỗi chúng sinh đều có sẵn Phật tính hay Như Lai Tạng. Như vậy cả hai thừa đều giống nhau về đức tin vào Phật tính, nhưng đặc biệt trong Mật thừa có những phương pháp tu tập thiện xảo, giúp hành giả dễ dàng nhận ra Phật tính của mình một cách nhanh chóng, đó chính là phương pháp quán tưởng tự thân mình là Phật, Bồ tát, bên cạnh các phương tiện thiện xảo đặc trưng khác như Quán đỉnh, cúng dàng Hỏa tịnh, các Yoga của Naropa,...
Nếu không phải là Phật tử, không có sự hiểu biết chân chính về Phật tính như trên, chúng ta luôn cho rằng Đức Phật ở bên ngoài và không phải là bản chất thật của mình. Chính vì cách nghĩ này mà sự chứng ngộ trở nên rất khó khăn. Đức Phật Thích Ca đã dạy rằng: “Đức Phật chân thật không ở bên ngoài mà ở nơi Tâm mỗi chúng ta”. Để chứng ngộ Phật tính, chúng ta không cần thay đổi bất cứ điều gì bên ngoài. Chứng ngộ chỉ là sự chuyển hoá tâm ở mức độ cần thiết để nhận ra được bản chất Phật của chính mình. Ngay thời điểm đó, chúng ta trở thành Phật, còn nếu cứ nhọc công tìm cầu Phật như đối tượng bên ngoài, bạn sẽ chỉ uổng phí thời gian, ngày càng xa rời tự tính Phật nơi mình và không bao giờ đạt được giác ngộ.

Đức Phật Thích Ca cũng dạy mỗi người nên phát triển trí tuệ của chính mình, khi phát triển được trí tuệ này, chúng ta sẽ đạt được toàn tri và chứng ngộ được vạn pháp. Song trước đó, nếu muốn biết tâm người khác, bạn cần tự hiểu tâm mình. Hiện giờ, chúng ta chưa có trí tuệ hiểu rõ về bản thân mình và mọi người. Mặc dù có đủ sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhưng chúng ta lại rất vô minh, luôn sống bằng sự ước đoán, với những hy vọng mong cầu. Tất cả điều này rốt cuộc cũng chỉ là suy đoán viển vông vì xa rời với thấu hiểu Phật tính. Nếu nhận ra Phật tính, chúng ta sẽ không cần suy đoán mà vẫn biết mọi chuyện một cách rõ ràng bằng trí tuệ toàn tri. Lúc đó hiển nhiên chúng ta sẽ không còn trải nghiệm khổ đau. Nhờ có trí tuệ toàn tri mà nguyên nhân của đau khổ, tất cả mọi lỗi lầm bất thiện nghiệp sẽ được tiêu trừ. Tất cả mọi bệnh tật khổ đau đều bắt nguồn từ vô minh. Khi vô minh không còn thì tất cả bệnh tật khổ đau cũng không còn để nhường chỗ cho hạnh phúc chân thật.

Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều bệnh tật khác nhau thuộc về thân thể và tâm lý. Một số bệnh ngay khoa học hiện đại cũng không tìm ra nguyên nhân. Sự thực là tất cả chúng ta không ai muốn tật bệnh, nhưng theo quan kiến Phật giáo, chúng ta vẫn cứ ốm đau dưới ảnh hưởng của vô minh và những bất thiện nghiệp đã tích lũy từ nhiều kiếp. Dù không muốn tạo nên những nghiệp xấu, do năng lực của vô minh, chúng ta vẫn tiếp tục tích lũy bất thiện nghiệp. Đó có thể là những nghiệp xấu như sát sinh đoạt mạng các sinh vật sống để mưu cầu sự khoái khẩu của bản thân. Nếu có thể hỏi những con vật tội nghiệp là chúng muốn gì, chắn hẳn chúng sẽ trả lời: “Không, chúng tôi không muốn chết, chúng tôi muốn sống, muốn có hạnh phúc”. Phương pháp chân thật để đạt được hạnh phúc là sự ban tặng, như chăm lo mang đến niềm vui hạnh phúc cho người khác hoặc phóng sinh để cứu sống các loài. Theo cách này, chúng ta sẽ đạt được chân hạnh phúc, sức khỏe và sự trường thọ. Như thế, điều quan trọng nhất chúng ta cần làm là loại bỏ vô minh, là nguồn gốc căn nguyên của mọi đau khổ. 

Đức Phật Dược Sư là một bậc Giác ngộ, nghĩa là có Trí tuệ hay sự hiểu biết rốt ráo. Chúng ta quán tưởng mình trong hình tướng của Ngài để có được tam mật tương ứng, trưởng dưỡng được năng lực trí tuệ, từ bi như Ngài. Tay phải của Ngài duỗi trên đầu gối trong thế Thí nguyện ấn và trì giữ cây thảo dược. Thế ấn Thí nguyện tượng trưng cho sự cứu hộ độ trì chúng sinh của chư Phật, Bồ tát. Cây thảo dược biểu trưng khi chứng ngộ Phật tính, bạn sẽ không còn bất kỳ một loại thân bệnh và tâm bệnh nào. Tay trái của Ngài đặt trong tư thế thiền định ngay giữa trung tâm của thân, để ngửa cầm bình bát chứa đựng cam lồ diệu dược. Thế ấn thiền định thể hiện khi thành Phật chúng ta không còn bị phiền nhiễu bởi những trạng thái tiêu cực như tham lam, giận dữ,... và tâm của ta sẽ luôn an trụ trong trạng thái thiền định. Cam lồ tượng trưng khi chứng ngộ Phật tính, ta có thể đáp ứng viên mãn mọi mong cầu, ước nguyện của chúng sinh. Đức Phật an tọa trong tư thế kiết già tượng trưng khi chứng ngộ Phật tính, chúng ta sẽ không còn chịu bất kỳ khổ đau nào trong luân hồi. Như tất cả chư Phật, Đức Dược Sư cũng an tọa trên tòa sen, tượng trưng khi thành Phật, cho dù đang ở cõi Sa bà uế trược, chúng ta cũng không bị ảnh hưởng bởi những nhiễm ô, phiền não. Tất cả những trang sức, bảo báu xung quanh tòa của Ngài tượng trưng khi thành Phật, bạn sẽ hân hưởng mọi điều tốt đẹp trên thế giới này mà không bị phiền nhiễu khổ đau.
Có thể giờ đây bạn cũng có vài điều tốt đẹp như tiền bạc, nhà cửa, bạn bè, gia đình,... nhưng những thứ này luôn gắn liền với khổ đau. Còn khi thành Phật, những thứ tốt đẹp lộng lẫy và huy hoàng hơn thế sẽ đến một cách nhậm vận tự nhiên mà không có bản chất khổ đau đi kèm. Bởi vậy, điều quan trọng nhất là bạn phải nhận ra được bản chất Phật tính của mình và thành tựu được từ bi, trí tuệ như Đức Phật!


(Trích ấn phẩm Mandala - Sự hợp nhất từ bi và trí tuệ theo quan kiến Kim cương thừa *, Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành, 2010)
(* Ấn phẩm giới thiệu các kỳ Pháp hội Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn viếng thăm Việt Nam qua các năm cùng tập hợp các giáo Pháp tôn quý được Đức Pháp Vương chia sẻ trong những kỳ Pháp hội này)

File âm thanh

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,130,086
Số người trực tuyến: