Nhân duyên Đức Phật thuyết kinh Thủ Lăng Nghiêm | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Nhân duyên Đức Phật thuyết kinh Thủ Lăng Nghiêm

2870
05/07/2018 - 17:36

 

Pháp giới tính là tính chung của các loài vô tình như cây, như đá và của các loài hữu tình như động vật; nhưng chỉ các loài hữu tình, đặc biệt các loài có trình độ nhận thức khá cao như loài người, mới có khả năng chứng được Pháp giới tính và thành Phật đạo. Do đó nên Pháp giới tính nơi các loài hữu tình cũng gọi là Phật tính. Các loài hữu tình chủ yếu là những cái tâm làm cho có sống, có cảm giác, có nhận thức, có suy nghĩ, có ghi nhớ, vân vân... Cái tâm là một sự vật nên bản tính vẫn là Pháp giới tính như các sự vật khác.

 

 

Phật thuyết pháp theo căn cơ của chúng sinh, nên pháp của Phật, khi thấp, khi cao, khi quyền, khi thật, khác nhau. Nhưng dầu Phật dạy "tam quy, ngũ giới, thập thiện", dạy "tứ đế, thập nhị nhân duyên" hay dạy về pháp tính, pháp tướng, tâm tính, chân như, chân không, thật tướng,... Phật luôn luôn nhằm mục đích chỉ bày cho chúng sinh chứng ngộ trí tuệ của Phật, nghĩa là chứng ngộ Pháp giới tính.

 

Kinh Thủ lăng nghiêm là một kinh Đại thừa, chính nơi thấy nghe thông thường của chúng sinh mà chỉ ra tâm tính, rất thích hợp với căn cơ hiện nay.

 

Duyên khởi của Kinh Thủ Lăng Nghiêm

 

Khi ấy vua Ba-tư-nặc, nhân ngày kỵ phụ vương, mở tiệc chay mời Phật thụ trai nơi cung cấm; vua sắm đủ các món ăn quý báu, rồi thân đến rước Phật và các vị Đại-Bồ-Tát. Trong thành lại có các trưởng giả cư sĩ đồng thời cùng trai tăng, chờ Phật đến chứng. Phật khiến ngài Văn-thù chia lãnh các vị Bồ-Tát và A-la-hán đi đến các nhà trai chủ.

 

Duy có ông A-nan trước đã nhận lời mời riêng, đi xa chưa về, không kịp dự hàng tăng chúng. Ông về một mình, không có Thượng tọa và A-xà-lê cùng đi và ngày ấy cũng không được ai cúng dường. Lúc bấy giờ ông cầm bình bát vào trong một thành trên đường đi, theo thứ lớp khất thực; tâm ông trước hết cầu được một người tối hậu đàn việt làm trai chủ, không kể sang hèn, phát tâm làm sao cho tất cả chúng sinh được viên thành vô lượng công đức. Ông A-nan đã biết đức Phật Thế Tôn quở ông Tu-bồ-đề và ông Đại-ca-diếp làm A-la-hán mà tâm không công bằng. Ông kính vâng lời dạy vô giá của Phật độ thoát mọi điều chê bai nghi hoặc. Ông đến bên thành, thong thả vào cửa, uy nghi nghiêm chỉnh, kính giữ phép hóa trai.

 

 

Trong khi khất thực, ông A-nan đi qua nhà người dâm nữ Ma-đăng-già, bị phép huyền thuật. Nàng ấy dùng tà chú Tiên phạm thiên đạo Sa-tỳ-ca-la bắt vào phòng riêng, dựa kề vuốt ve làm cho ông A-nan gần phá giới thể.

 

Đức Như lai biết ông A-nan mắc phải dâm thuật, nên dùng trai rồi, liền trở về tịnh xá. Vua cùng đại thần, trưởng giả cư sĩ đều đi theo Phật, mong nghe những pháp chủ yếu của đạo Phật.

 

Khi ấy trên đỉnh đức Thế tôn, phóng hào quang bách bảo vô úy; trong hào quang hiện ra tòa sen báu nghìn cánh, có hoá thân của Phật kiết già ngồi trên, tuyên đọc thần chú, khiến ngài Văn thù đem chú này đến giúp đỡ, tiêu diệt tà chú, đưa ông A-nan cùng nàng Ma-đăng-già đều về chỗ Phật ở.

 

 

Ông A-nan thấy Phật, đỉnh lễ khóc lóc, giận mình từ vô thủy đến nay, một bề học rộng nhớ nhiều, chưa toàn đạo lực, tha thiết xin Phật dạy cho những phép xa-ma-tha, tam ma, thiền na, là những phương tiện tu hành đầu tiên để thành đạo Bồ đề của thập phương Như lai. Lúc ấy lại có hằng sa Bồ-tát, Đại A-la-hán và Bích chi Phật, từ mười phương đến, thảy đều mong nghe Phật dạy, lui về chỗ ngồi, yên lặng lĩnh thụ thánh chỉ của Phật.

 

Nguyên do của Thường trụ và Lưu chuyển

 

Phật bảo ông A-nan : "Tôi với ông đồng phái, tình như anh em ruột; lúc ông mới phát tâm thì ở trong Phật pháp, thấy những tướng tốt gì mà bỏ được những ân ái sâu nặng thế gian?"

 

Ông A-nan bạch Phật: "Tôi thấy 32 tướng của Như lai tốt đẹp lạ thường, hình thể sáng suốt như ngọc lưu ly, thường tự suy nghĩ: Tướng ấy không thể do dục ái sinh ra, vì sao? giống dâm dục nhơ nhớp, tanh hôi kết cấu, máu mủ xen lộn, làm sao sinh được thân vàng thắm chói trong sạch sáng suốt như vậy, nên tôi ước mong, cắt tóc theo Phật tu học".

 

 

Phật dạy: "Hay thay, A-nan, các ông nên biết hết thảy chúng sinh từ vô thủy đến nay sống chết nối luôn, đều do không biết thể tính trong sạch sáng suốt của thường trụ chân tâm mà lại chỉ dùng các vọng tưởng, vì vọng tưởng đó không chân thật nên mới có luân hồi. Nay ông muốn học đạo vô thượng Bồ đề, phát minh chân tính thì nên lấy tâm ngay thẳng mà đáp lại những câu hỏi của tôi. Thập phương Như lai đều do một đường thoát ly sinh tử là dùng tâm ngay thẳng. Tâm mà nói là ngay thẳng thì cứ như vậy, từ địa vị đầu đến địa vị cuối cùng, chặng giữa, hẳn không có những tướng quanh co.

 

A-nan, nay tôi hỏi ông : "Đương khi ông do 32 tướng của Như lai mà phát tâm thì ông đem cái gì mà thấy và cái gì ưa muốn?"

 

Ông A-nan bạch Phật: "Thưa Thế-tôn, ưa muốn như vậy là dùng cái tâm và con mắt của tôi. Do mắt thấy tướng tốt Như lai, tâm sinh ưa muốn nên tôi phát tâm muốn tu hành thoát khỏi sống chết".

 

 

Phật bảo ông A-nan: "Như lời ông nói: Thật do tâm và con mắt mà có ưa muốn. Nếu không biết tâm và con mắt ở đâu thì không thể hàng phục được trần lao; ví như ông vua một nước bị giặc xâm lấn, phát bệnh đánh dẹp, thì bệnh ấy cần biết giặc ở chỗ nào mới đánh dẹp được. Hiện ông còn mắc phải luân hồi là lỗi tại tâm và con mắt của ông". Nay tôi hỏi ông: "Tâm và con mắt ấy hiện ở chỗ nào?"

 

Trích “Kinh Thủ Lăng Nghiêm” - Việt dịch: Cư sĩ Tâm Minh

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,396
Số người trực tuyến: