Cái gì tồn tại mãi, bất sinh bất diệt? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Cái gì tồn tại mãi, bất sinh bất diệt?

5491
17/12/2020 - 18:47

 

Khi bấy giờ ông A nan cùng cả đại chúng nghe lời Phật dạy, thân tâm thư thái, nghĩ mình từ vô thủy đến nay, bỏ mất bản tâm, lầm nhận sự phân biệt bóng dáng tiền trần làm tâm, ngày nay được khai ngộ như em bé mất sữa, bỗng gặp mẹ hiền, chắp tay lễ Phật, xin đức Như lai, ở nơi thân tâm, chỉ ra chỗ chân chỗ vọng, chỗ hư chỗ thật, ở nơi hiện tiền phát minh ra hai tính sinh diệt, và không sinh diệt.

 

 

Khi ấy vua Ba tư nặc đứng dậy bạch Phật: “Trước tôi chưa được vâng nghe lời Phật dạy bảo, tôi thấy bọn Ca chiên diên, Tỳ la chi tử đều nói thân này chết rồi là mất hẳn và gọi đó là Niết bàn; nay tuy được gặp Phật nhưng tôi vẫn còn hồ nghi, xin Phật chỉ rõ thế nào chứng biết tính không sinh diệt nơi tâm này. Hiện nay các hàng hữu lậu trong đại chúng cũng đều trông mong được nghe điều ấy.”

 

Phật bảo: “Đại vương, thân ông hiện đó, nay tôi hỏi ông: Cái nhục thân đó của ông có như kim cương thường còn, không hư hỏng hay lại cũng biến đổi và tan rã?

- Bạch Thế tôn, thân tôi hiện nay rốt cuộc về sau cũng thay đổi và tiêu diệt”.

Phật bảo: “Đại vương, ông chưa hề bị diệt, làm sao lại biết được là phải diệt?

- Bạch Thế tôn, cái thân vô thường thay đổi của tôi đây, tuy chưa hề bị diệt; song tôi xét nó hiện nay niệm niệm dời đổi, mãi mãi không thôi như lửa thành tro, lần lần tiêu mất; vì tiêu mất, mãi mãi không dừng nên tôi biết chắc thân này rồi phải diệt mất”.

Phật dạy: “Đúng thế, Đại vương, tuổi tác của ông nay đã già yếu, vậy mặt mày của ông so với lúc còn bé thì như thế nào?

- Bạch Thế tôn, lúc tôi bé nhỏ, da thịt mớn mơ, đến khi trưởng thành, huyết khí sung túc; nay thì tuổi già, ngày thêm suy yếu, hình sắc khô gầy, tinh thần lẫn lộn, tóc bạc mặt nhăn, chừng sống không được bao lâu nữa, so sánh sao được với lúc đương còn trẻ mạnh!”

 

 

Phật bảo: “Đại vương, hình dung của ông, nào phải đương trẻ mà già liền đâu?”

Vua bạch: “Thưa Thế tôn, sự biến hóa thầm thầm dời đổi, tôi thật không hay; nắng mưa thấm thoát, lần đến thế này. Vì sao? Khi 20 tuổi, tuy gọi là trẻ, nhưng mặt mày của tôi đã già hơn khi 10 tuổi; khi 30 tuổi lại sút hơn lúc 20 tuổi và đến nay đã 60 lại thêm hai tuổi, trông lại lúc 50 tuổi, còn khỏe mạnh hơn nhiều. Bạch Thế tôn, tôi thấy thầm thầm dời đổi như thế; thân này đến nay tuy đã suy yếu, nhưng trong sự thay đổi, còn chia từng 10 năm. Nếu tôi suy xét chín chắn hơn nữa thì cái biến đổi ấy đâu phải từng một kỷ, thật là mỗi năm mỗi thay đổi; lại đâu mỗi năm mỗi thay đổi mà cũng là mỗi tháng mỗi biến hóa; lại không những mỗi tháng mỗi biến hóa mà còn mỗi ngày mỗi đổi thay; xét cho cùng, nghĩ cho kỹ, trong mỗi sát na, trong mỗi niệm, nó không thể đứng yên, vậy nên tôi biết thân tôi rốt cuộc phải biến đổi và tiêu diệt”.

Phật bảo: “Đại vương, ông thấy biến hóa dời đổi không ngừng, ngộ biết là phải diệt; vậy trong lúc diệt đó, ông có biết trong thân có cái gì không diệt chăng?”

Vua Ba tư nặc chắp tay bạch Phật: “Thật tôi không biết”.

Phật bảo: “Nay tôi chỉ cho ông cái tính không sinh diệt, Đại vương, khi ông mấy tuổi, mới thấy nước sông Hằng”.

Vua bạch: “Khi tôi ba tuổi, mẹ tôi dắt đi yết lễ thần Kỳ bà thiên thì đã đi qua sông ấy; lúc đó tôi liền biết là nước sông Hằng”.

Phật bảo: “Đại vương, như lời ông nói: Lúc 20 tuổi thì sút hơn lúc lên 10, cho đến nay đã 60 tuổi, từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ, dời đổi mãi mãi; vậy khi ông 3 tuổi thấy nước sông ấy, rồi đến khi 13 tuổi thì nước ấy thế nào?”

Vua bạch: “Tôi thấy nước ấy cũng giống khi 3 tuổi, như nhau không khác và đến nay tuổi đã 62, cũng vẫn không khác”.

 

 

Phật bảo: “Nay ông xét mình đầu bạc mặt nhăn, mặt ông chắc là nhăn hơn lúc trẻ; vậy cái thấy hiện nay của ông thấy sông Hằng so với cái thấy lúc nhỏ thấy sông Hằng, có già trẻ gì không?”

Vua bạch: “Thưa Thế tôn, không”.

Phật bảo: “Đại vương, mặt ông tuy nhăn, nhưng cái thấy đó chưa hề bị nhăn; cái bị nhăn thì thay đổi, còn cái không bị nhăn thì không có thay đổi. Cái thay đổi thì phải diệt, còn cái không thay đổi kia, vốn không sinh diệt, làm sao trong ấy, lại nhận sống cái chết của ông, mà ông còn dẫn những thuyết của bọn Mạt già lê kia bảo rằng thân này chết rồi diệt hẳn”.

Vua nghe lời Phật dạy như vậy, tin biết về sau bỏ thân này qua thân khác, cùng với đại chúng nhảy nhót vui mừng, được cái chưa từng có.

Trích “Kinh Thủ Lăng Nghiêm” - Việt dịch: Cư sĩ Tâm Minh

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,620
Số người trực tuyến: