Sắc màu chân thực của giáo pháp | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Sắc màu chân thực của giáo pháp

88
24/06/2019 - 06:08

Khi hiểu hạnh phúc là hành trình, bạn sẽ có một cuộc sống tươi đẹp và trải nghiệm niềm hạnh phúc sâu lắng, chân thật trong mọi phút giây

Trong những năm tháng bận rộn với nhiều hoạt động, gặp gỡ giao tiếp với nhiều người, tôi thấy có những người cho rằng khi trở thành Phật tử, cuộc sống của bạn sẽ trở nên ảm đạm. Họ nghĩ rằng bạn không được phép có những niềm vui thú, không được theo đuổi những thành công thế tục, không cần chú trọng đến hình thức bề ngoài như mặc quần áo đẹp và phải thực sự từ bỏ những tiện nghi vật chất, sống kham khổ khắc kỷ với bản thân cho dù cho bạn đủ điều kiện. Phật pháp nhấn mạnh lối sống “giản dị”, “khiêm cung”, và dĩ nhiên là “xả ly”, “buông bỏ”, và “tính không”, cùng với yếu tố quan trọng là hiểu biết về “khổ đau”. Tất cả những điều này khiến người khác hiểu nhầm rằng cuộc sống của một Phật tử có vẻ chán chường, tẻ nhạt, tựa như một cuộc sống lạnh lẽo, vô cảm, thiếu đi nhịp đập trái tim.

Vậy người Phật tử có thể sống một cuộc đời thường phong phú và thú vị hay không? Nếu câu trả lời là có, thì người Phật tử phải làm thế nào để vẫn sống đúng Pháp, hòa nhập Đạo và đời? Trên thực tế, Phật pháp không là gì khác mà chính là con đường thay đổi, tu sửa bản thân, làm cho cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp và tích cực hơn. Thậm chí tôi có thể nói rằng, thực hành Phật pháp chính là cách để làm cuộc sống của bạn phong phú, thú vị, nhiều sắc màu hơn. Tôi không có ý nói rằng bạn có thể buông thả muốn làm gì tùy thích, hay làm những chuyện điên rồ mà cuối cùng bạn sẽ gây tổn hại cho chính mình và người khác. Tôi muốn nói về một cuộc sống phong phú, nhiều màu sắc đích thực, những sắc màu bền vững có thể đem lại lợi ích cho bạn và mọi người. Chúng ta gọi đó là tình huống “đôi bên cùng có lợi”. Điều này có thể thực hiện như thế nào?

Trước tiên, chúng ta cần hiểu rằng mình không thể tồn tại tách biệt với thế giới, bởi sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bên ngoài như không khí, nước, môi trường, cộng đồng xã hội,… Nếu không có bầu không khí trong lành, nguồn nước sạch, những láng giềng thân thiện, không có bạn bè chân thành và người thân, chúng ta không thể có một cuộc sống vui vẻ, dễ chịu.


Chư ni Tự viện Druk Amitabha (Nepal) và các tình nguyện viên tham gia bảo vệ môi trường

Bởi vậy, nếu mọi người quanh ta vui vẻ, mọi thứ xung quanh ổn thỏa, tích cực thì chúng ta sẽ là người hưởng lợi. Ngược lại, nếu ngoại cảnh trục trặc hay mọi người bị đau khổ, phiền toái, thì dù nhờ phúc báo quá khứ hay nguồn lực sẵn có, ta có thể vẫn ổn thỏa trong hiện tại, nhưng về lâu dài, chắc chắn chúng ta sẽ không thể có cuộc sống hạnh phúc suôn sẻ như ý. Hiểu được như vậy, chúng ta cần làm cho cuộc sống bản thân phong phú và ý nghĩa hơn bằng cách đóng góp cho xã hội, bằng việc sống tích cực, hạnh phúc thực sự với tấm lòng cởi mở bao dung.

Cuộc sống hạnh phúc đích thực bằng tấm lòng rộng mở mà tôi đang nói tới không phải là đích đến, mà đó chính là con đường, là toàn bộ quá trình sống của bạn. Một khi bạn có thể khiến cho hạnh phúc trở thành hành trình xuyên suốt của cuộc đời, thì chẳng có lý do gì mà bạn không thể có một đời sống đẹp đẽ, giàu ý nghĩa. Cũng chẳng có lý do gì bạn không thể sống hạnh phúc thực sự, sâu sắc trong mọi lúc, mọi nơi. Niềm hạnh phúc của bạn có thể lan tỏa ra ngoài, tới bất cứ người nào bạn gặp hay nơi nào bạn đến.

Bởi vậy, nếu bạn còn nhìn những giáo pháp của Đức Phật là ảm đạm, tiêu cực, thì chắc chắn bạn đã bị sai lầm. Người Phật tử chân chính chắc chắn phải có một cuộc sống tốt đẹp, tràn đầy ý nghĩa, dù cách thức thể hiện có thể khác nhau.

(Trích ấn phẩm: "Sống Trí Tuệ"

Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Drukpa Việt Nam biên soạn và phát hành 2/2019)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,609
Số người trực tuyến: