Bạn đang ở đây
Cho đi để đón nhận lại
Bố thí không chỉ là cho đi những vật chất. Nếu bạn có thể giảng dạy tâm linh hay truyền cảm hứng cho một người khác, đó cũng là sự thực hành bố thí.
Thế giới ngày càng có sự phân biệt bất bình đẳng hơn bao giờ hết. Thứ ta có thể thấy rõ nhất là sự phân biệt giàu nghèo: ta thường xuyên nghe kể rằng người giàu thì ngày càng giàu lên còn người nghèo lại càng nghèo đi. Có thể đó là lý do một số tỉ phú và người giàu có bắt đầu sử dụng tài sản của mình cho các hoạt động xã hội và từ thiện. Đây là một dấu hiệu tốt. Sự sẻ chia này là minh chứng cho tính nhân văn, mối liên kết sẵn có giữa người với người - là động lực khiến ta biết chia sẻ, hào phóng cho đi. Đạo Phật gọi sự chia sẻ hào phóng đó là hạnh bố thí. Nhưng bố thí không chỉ thể hiện qua hành động từ thiện chia sẻ vật chất.
Biết cho đi sẽ nhận lại rất nhiều
Nếu bạn có thể giảng dạy tâm linh hay truyền cảm hứng tích cực cho người khác, đó cũng chính là sự thực hành bố thí. Trong xã hội còn nhiều tiêu cực, việc có được cảm hứng tích cực thực sự là một món quà tuyệt vời.
Nếu bạn có thể quan tâm, bảo vệ người khác, đó cũng là hạnh bố thí. Sự kiên nhẫn, khoan dung, tôn trọng, tiếng cười, niềm tri ân, tâm từ bi và tình yêu thương cũng là món quà đầy ý nghĩa mà ta có thể gửi tới mọi người mỗi ngày.
Khi mang lại hạnh phúc cho người khác, bạn luôn nhận lại hạnh phúc lớn lao cho bản thân mình. Thực hành bố thí cũng vậy: khi biết cho đi bạn sẽ nhận lại rất nhiều. Điều mấu chốt khi thực hành bố thí là không mong đợi được đáp trả lợi ích gì, và đây thường là điều khó nhất. Từ nghìn năm trước, có những hành giả yogi tại Ấn Độ học cách thực hành hạnh bố thí bằng phương pháp dùng tay trái trao một vật sang tay phải. Các ngài đã dùng phương pháp rất đơn giản này để luyện tập khả năng cho đi của mình. Nghe thì có vẻ hơi ngây ngô, nhưng đó là một phương pháp hiệu quả vì ta sẽ bắt đầu từ hành động nhỏ nhất, rồi từ đó phát triển dần lên. Theo cách này, khi cho đi một thứ, sự cảm hứng hay sự bảo hộ, bạn cho đi theo cách tự nhiên, không miễn cưỡng, không thể hiện phô trương và không hối tiếc.
Hạnh bố thí thực sự
Một phương pháp rất tốt để bắt đầu thực hành là bạn hãy chia sẻ - cái gì bạn muốn giữ cho mình nhưng có thể cho đi, hãy chia nửa cho người khác và giữ một nửa cho bản thân. Bằng cách này, bạn sẽ tìm lại sự chân thành trong động cơ của mình, bạn làm việc tốt mà không đòi hỏi được đáp trả, cũng không cần phải cho cả thế giới biết việc mình làm.
Điều quan trọng là bạn cần hành động. Ngay cả khi bạn bắt đầu từ những việc nhỏ, tập thói quen bố thí những thứ đơn giản, nếu bạn có thể đem cho bằng cả trái tim mà không có điều kiện ích kỷ thì đó là hạnh bố thí thực sự.
Tất nhiên nếu được nghe lời cảm ơn của mọi người, ta sẽ thấy hoan hỷ, nhưng nếu không nhận được lời cảm ơn, bạn cũng hãy cứ hoan hỷ bố thí. Khi hành động từ trái tim như vậy, bạn trải nghiệm sự an lạc, ngọt lành và hạnh phúc. Đó không phải là cảm giác tự mãn, mà là lòng trân trọng tri ân. Sự thực hành chân thành cho ta cảm giác thật vui sướng và mãn nguyện, khác với hành động miễn cưỡng. Vì thế, hãy biết cho đi với tâm hoan hỷ.
Ngay cả khi bạn không có thứ gì để cho đi thì cũng không sao. Bạn chỉ cần rộng mở trái tim và xả bỏ những bám chấp vào sự vật, con người. Cho người khác sự tự do và chính bạn cũng sẽ được tự do. Tất cả chúng ta phải trở thành bạn hữu. Bạn có thể giàu, tôi có thể nghèo. Điều đó không quan trọng. Bạn nói ngôn ngữ nào cũng không quan trọng. Bất kể bạn là ai, tất cả chúng ta đều như nhau. Chúng ta đều đi qua cuộc đời, gặp những việc khác nhau, nhưng khi tới cuối con đường, ta không còn gì trên tay. Bởi thế ta cùng nhau cười, cùng nhau khóc, cùng chia sẻ niềm vui, tương trợ lẫn nhau. Ta cùng trân quý những gì mình có, chia sẻ những gì mình đang có và thế là đủ để tiếp tục thực hành hạnh bố thí.
Đôi khi ta quá đắm chìm trong việc kiếm tìm những niềm vui ích kỷ, làm những điều vô bổ để thỏa mãn bản thân, mà không nhận ra rằng khi ta làm người khác hạnh phúc, bản thân ta cũng được hạnh phúc. Đó là “niềm vui nhân đôi”.
Khi đem lại hạnh phúc cho người khác, bạn cũng sẽ thấy hạnh phúc. Bạn có thể tự kiểm chứng điều này. Trên thực tế, trái tim càng rộng mở sẻ chia những điều tốt đẹp thì càng dễ dàng đón nhận thêm những điều tốt đẹp. Vì thế, nếu bạn có trái tim rộng mở, sẵn sàng sẻ chia với mọi người mà không mong chờ sự đền đáp thì những phúc đức có được của bạn sẽ nhân lên gấp bội. Sự giúp đỡ và cho đi vô điều kiện, không mong được đền đáp chính là một thực hành vĩ đại và cũng là niềm vui to lớn không cách gì đo đếm được. Khi chúng ta giúp đỡ, cho đi hay làm một việc lợi ích mà không kèm theo điều kiện, chúng ta cũng nhận lại những lợi ích vô điều kiện.
~ Trích ấn phẩm “Sống trí tuệ” của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
- 1604 reads