Hai loại đức tin cần có để bắt đầu thực hành Phật pháp | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Hai loại đức tin cần có để bắt đầu thực hành Phật pháp

1129
23/10/2021 - 18:57

Có hai loại đức tin. Đức tin thứ nhất là căn tín, có nghĩa là niềm tin trong sạch, đơn giản những gì đức Phật dạy, không đòi hỏi quá tư duy, tìm tòi, học vấn. Loại đức tin thứ hai gọi là căn trí, có nghĩa là dựa trên kiến thức, dựa trên sự tìm tòi. Cả hai đức tin này đều gọi là đức tin và tâm chí thành, đều tốt. Khi có đức tin và tâm chí thành trong sạch thì cả hai loại này đều rất tốt đối với những hành giả thực hành pháp tu Phowa hay đối với những hành giả thực hành Đại Thừa hay ngay cả Kim Cương Thừa đều cần một trong hai loại đức tin này.
 
Và đối với những trường hợp các Phật tử là cư sĩ tại gia chúng ta không có thời gian để cho việc tìm hiểu sâu sắc về Phật pháp thì theo tôi đức tin do căn tín là tốt hơn. Chúng ta tin một cách chắc thật vào kinh điển những gì đức Phật nói, bởi đức Phật là một bậc giác ngộ, Ngài đã nhìn thấu tỏ những chân lý của vũ trụ. Bởi vậy những gì Ngài nói trong Kinh là chân lý của vũ trụ. Thông qua tâm giác ngộ của Ngài, Ngài đã tuyên thuyết cho chúng ta các chân lý không bao giờ sai. Ví dụ như Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang là những bộ kinh nói về cảnh giới Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà. Ngài đã nói rằng có 6 phương chư Phật tướng lưỡi rộng dài ấn chứng, bởi vậy chúng ta cứ đơn giản tin vào những gì kinh nói, không cần phải nghi ngờ, không cần phải tìm hiểu nguyên nhân, không cần dùng đến trí thức. Bởi tôi nghĩ rằng sử dụng đến trí thức đôi khi rất là mệt mỏi và phức tạp. Chúng ta vốn không có trí tuệ hơn được đức Phật Thích Ca,  bởi vậy hãy tin vào những gì đức Phật nói trong kinh điển. Đức tin bằng căn tín này sẽ là đức tin giản đơn, trong sạch và bớt sự rắc rối, mệt mỏi. Theo tôi khuyên thì chúng ta tốt hơn là nên có loại đức tin này để bắt đầu sự thực hành Phật Pháp.

 
Cảnh giới Tịnh Độ Tây Phương

Trừ khi nếu như chúng ta tin chắc rằng mình có trí tuệ hơn đức Phật, mình giỏi hơn đức Phật thì chúng ta cũng có thể dành thời gian để kiểm tra lại những gì đức Phật dạy. Chúng ta có thể dành thời gian, dùng kiến thức của mình để xem xét lại những gì đức Phật dạy. Chính đức Phật Thích Ca cũng đã dạy rằng “Đừng vội tin những gì ta giảng dạy, hãy tự trải nghiệm, hãy kiểm tra lại”. Đức Phật Thích Ca là một bậc giác ngộ nhưng Ngài là một bậc thầy rộng lượng và đầy lòng từ bi tha thứ. Ngài cho chúng ta sự tự do, Ngài muốn chúng ta tự trải nghiệm bằng khả năng của chính mình. Nhưng chúng ta có thể kiểm tra lại hoặc nghi ngờ, tìm hiểu giáo lý của Ngài nếu thực sự mình là người có trí tuệ hơn. Bởi vậy, điều quan trọng là hãy thực sự nhìn lại mình xem, mình có trí tuệ hơn Phật hay không.
 
Nếu chúng ta không thực sự có trí tuệ hơn đức Phật, chúng ta không nên tự cho rằng mình có quyền phản bác lại những gì đức Phật đã nói trong kinh điển chẳng hạn như chúng ta tự tuyên bố rằng không có cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói rất nhiều kinh điển về cõi Tịnh độ của 10 phương Phật, của đức Phật A Di Đà, của đức Phật Dược sư, của đức Phật A Súc Bệ hay của ngũ trí Như lai. Ngài giảng ở khắp trong hư không có vô lượng, vô số cõi Tịnh độ. Thế nhưng nếu như chúng ta không có trí tuệ, chúng ta tuyên bố rằng không có cõi Tịnh Độ của 10 phương Phật, không có đức Di Đà, không có đức Quan Âm, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải xem lại chính mình. Bởi nếu chúng ta nói như vậy, chúng ta phản bác lại kinh điển, tạo nên tội ác vô gián địa ngục bởi vì chúng ta đã phá cả pháp luân của Ngài, tự gây cho mình vô lượng trọng tội. Và không những thế chúng ta còn mắc tội dẫn dắt vô số người vào đường tà, hàng trăm người, nghìn người, hàng triệu người họ sẽ bước theo sự tà kiến lầm lạc của chúng ta. Đó có thể gọi là đại chướng ngại hay là thảm họa cho đức tin, tâm chí thành của chúng ta.

 
Đức Phật A Di Đà

Nếu so sánh hai loại đức tin: Loại căn tín hay căn trí, chúng ta muốn nói xem, tìm hiểu xem đức tin đơn giản vào những gì đức Phật giảng trong kinh điển hay đức tin vào những gì hiểu biết, tìm hiểu, tìm tòi của mình cái nào tốt hơn, thì có thể nói rằng đương nhiên đức tin dựa trên sự hiểu biết là đức tin dựa trên sự tìm tòi là tốt hơn, đáng quý hơn. Bởi vì sao? Bởi vì khi chúng ta đã có đức tin sâu sắc dựa trên sự hiểu biết, dựa trên học vấn của mình thì đức tin ấy trở nên vô cùng chắc chắn, không thể dễ dàng bị lay động, không dễ dàng bị phá hủy bởi vì đức tin dựa trên sự hiểu biết.
 
Nhưng loại tâm chí thành dựa trên sự hiểu biết điều đó là cũng quý hóa. Nhưng chúng ta phải biết rằng những gì chúng ta tìm tòi, suy nghĩ hay trải nghiệm phải đảm bảo giống như đức Phật Thích Ca đã giảng dạy. Những người như vậy sẽ không bao giờ tuyên bố rằng không có đức phật A Di Đà, không có cõi Tịnh Độ, không có đức Quán Thế Âm bởi mặc dù họ chưa từng học trong kinh điển, họ chưa từng đọc sách nhưng sự hiểu biết của họ giống hệt như những gì đức Phật Thích Ca đã nói trong kinh điển về cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà hay của đức Phật A Súc Bệ. Nếu chúng ta dùng kiến thức học vấn mà hiểu sai lệch tuyên bố rằng không có cõi Tịnh Độ, không có đức Phật A Di Đà, không có đức Quan Âm, kiểu đức tin như vậy là tà kiến, là nguy hiểm, không được gọi là đức tin hay tâm chí thành, không được gọi là đức tin của căn trí. Bởi vậy, theo tôi như tôi đã gợi ý, đối với cư sĩ phật tử chúng ta gặp rất nhiều chướng ngại của kiến thức, học vấn bởi vì chúng ta không có nhiều thời gian, chúng ta không có trải nghiệm về Phật pháp. Bởi vậy đức tin chân thành vào những gì mà đức Phật Thích Ca đã giảng dạy là điều quan trọng. Đức phật Thích Ca Mâu Ni rất là từ bi, Ngài đã tu chứng tất cả các chân lý và giảng dạy các chân lý thông qua các kinh điển, hệ phái của Nguyên Thủy Phật giáo, Đại Thừa Phật Giáo hay Kim Cương Thừa.


Ngũ Trí Phật

Chúng ta chỉ cần tin chắc chắn và thực hành theo những gì trong kinh điển nói, chúng ta sẽ tin những bậc thầy nào nói đúng theo những gì kinh điển nói. Còn những bậc thầy nào tuyên bố trái với những gì kinh điển nói thì chúng ta cần phải thận trọng. Đức tin này gọi là đức tin trong sạch. Tin trong sạch không cần nghi ngờ, không cần biện luận, không cần đặt nhiều câu hỏi vào những gì trong kinh điển nói, đó gọi là căn tín. Tôi nghĩ rằng phù hợp với các phật tử khi mình thuộc dạng căn cơ là căn tín, tức là đức tin chân thật vào giáo pháp chân lý của đức Phật.
 

(Trích nội dung Đức Pháp Vương khai thị về Pháp tu Chuyển Di Tâm Thức Phowa)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,348
Số người trực tuyến: