Bạn đang ở đây
Giá trị đích thực nơi mỗi người
“Đừng quá bận tâm phân biệt đúng sai” ~ Đức Phật
Khi thực hành buông xả bám chấp vào sở hữu của cải, người thân, thói quen hay cả thế giới quan bảo thủ của mình, đó là lúc lòng tự tôn của bạn sẽ được thay thế bởi đức tính khiêm nhường. Chừng nào còn bám chấp vào hình tướng, tuổi tác, tiền tài hay bất cứ thứ gì, bạn sẽ chẳng muốn nhún nhường ai trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tâm buông xả và cởi mở sẽ giúp bạn sẵn sàng đón nhận những bài học tuyệt vời của cuộc sống. Bạn cởi bỏ lớp áo phòng thủ và nhận ra tất cả đều là cơ hội thực hành giáo pháp, chẳng có gì có thể làm bạn tổn thương hay hổ thẹn. Nếu biết chấp nhận chính mình, mọi phút giây trong cuộc sống sẽ trở thành cơ hội trải nghiệm.
Tiếng nói của lòng kiêu mạn tự hào luôn ồn ào, lấn lướt, ngăn cản ta lắng nghe tâm sự của mọi người. Sự ngạo mạn khiến ta nghĩ rằng mình là kẻ hiểu biết, thông minh, giỏi giang hơn. Nó cũng khiến tâm ta đóng chặt cửa và tự đánh mất cơ hội của mình. Đức tính khiêm nhường giúp ta có khả năng lắng nghe, thấu hiểu, biết cởi mở đón nhận kiến thức mới mẻ, nhờ đó bạn sẽ có cơ hội mau chóng trưởng thành.
“Mãi đến cuối đời tôi mới khám phá được rằng: thật ra, để nói “Tôi không biết” không hề khó!”
~ Somerset Maugham
Bạn không nên tự mãn với các kỹ năng và thành quả của mình. Mặc dù về tương đối chúng có vai trò quan trọng, nhưng đây chỉ là những công cụ giúp bạn làm tốt công việc nhất định chứ không giúp xác định giá trị đích thực của bạn. Ví dụ, có thể bạn rất giỏi máy tính, bạn là chuyên gia công nghệ, nhưng cũng chớ vội tự mãn vì đến lúc phải thể hiện tài năng ca hát thì việc bạn là phù thủy máy tính chẳng có ý nghĩa gì. Ta nên biết rằng trong nhiều lĩnh vực mình hoàn toàn là kẻ vô dụng. Chúng ta cần hiểu rằng mọi giá trị, địa vị đều có tính tương đối, tất cả mọi người đều như vậy. Hiểu biết này giúp sự tự mãn của ta dần lắng xuống.
Nhiều người dễ buồn lòng khi thấy mình kém cỏi trên nhiều phương diện. Tôi nghĩ rằng đó là vì chúng ta đã quá đề cao bản thân. Bản ngã của ta bị tổn thương, nó khiến ta bực tức, chống chế trước những yếu kém của bản thân hoặc tự cảm thấy mình như kẻ vô dụng. Nếu có thể làm mọi việc với tâm buông xả, việc ta có là chuyên gia hay không sẽ không còn quan trọng nữa. Chúng ta có thể đem hết khả năng của mình vì lợi ích mọi người, đồng thời cũng không e ngại rụt rè vì những khiếm khuyết nhược điểm. Chúng ta không quá bận tâm và để cảm xúc này trôi đi.
~ Trích ấn phẩm “Giác ngộ mỗi ngày” - Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Viết bình luận
- Viết bình luận
- 1377 reads