Bạn đang ở đây
Thiền định và trí tuệ Văn Thù
“Đức Bản tôn Văn Thù phải được hành giả quán không phân tách với Bậc Căn bản Thượng sư. Nếu chúng ta không có trí tuệ để thấy sự hợp nhất bất nhị giữa Đức Bản tôn Văn Thù và bậc Căn bản Thượng sư thì kết quả của sự thực hành sẽ đến rất chậm, có thể kéo dài hàng trăm, hàng nghìn năm và không biết bao giờ mới đến đích”
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khẩu truyền và hướng dẫn thực hành Trí tuệ Văn Thù, Tịnh thất Tây Thiên, Vĩnh Phúc, tháng 4/2012)
Mặc dù thường thị hiện trong hình tướng một vị Bồ tát nhưng Đức Văn Thù được kính ngưỡng là Đức Phật của Trí tuệ Căn bản và nêu biểu cho Trí tuệ của mười phương ba đời chư Phật. Năng lực gia trì của Đức Văn Thù, chân ngôn trí tuệ, sự bảo hộ và phương tiện thiện xảo của Ngài là vô cùng cần thiết giúp đối trị sự vô minh sâu dầy của chúng ta. Do vô minh, chúng ta không ngừng tạo tác vô số hành động tiêu cực, tích lũy vô vàn ác nghiệp mà không hề hay biết. Chư Ni Tây Thiên và các Phật tử nơi đây cần tu học, trau dồi hiểu biết và thực hành pháp tu này để có thể lợi ích trụ xứ Tây Thiên nói riêng và rộng khắp hơn là vô lượng hữu tình trên đất nước Việt Nam.
Khi thực hành pháp tu của Đức Văn Thù, chúng ta cần quán tưởng Ngài hiện diện sống động trước mặt mình. Đức Bản tôn Văn Thù có rất nhiều pháp tướng như vàng, đỏ, trắng,... nhưng phổ thông nhất là Đức Văn Thù sắc vàng cam, tay phải Ngài cầm Kiếm báu, tay trái đỡ Kinh báu. Kiếm tượng trưng cho trí tuệ có thể cắt đứt tất cả phiền não, khổ đau, Kinh báu tượng trưng cho giáo pháp của chân lý vũ trụ, những sự thật tự nhiên của toàn bộ vũ trụ. Sắc vàng cam tượng trưng cho sự hàng phục, chấm dứt tất cả những hiểu biết sai lạc, những hành động vô minh do thiếu trí tuệ, thiếu hiểu biết, ví dụ những ác nghiệp như sát sinh, trộm cắp,... mà chúng ta phạm phải vì vô minh. Những ác nghiệp này cần được hàng phục chuyển hóa. Hàng phục tượng trưng bằng sắc đỏ, tăng ích tượng trưng bằng sắc vàng. Hai sắc đỏ và vàng hòa vào nhau thành sắc vàng cam là sắc thân Đức Văn Thù tượng trưng cho sự hợp nhất của hai công hạnh hàng phục và tăng ích. Thực hành hai công hạnh này là mục đích của pháp tu Văn Thù. Đức Bản tôn Văn Thù phải được quán không phân tách với Bậc Thượng sư của mình. Nếu chúng ta không có trí tuệ này, thấy rằng Đức Bản tôn Văn Thù khác biệt với Bậc Thượng sư, thì kết quả của sự thực hành sẽ đến rất chậm, có thể kéo dài hàng trăm năm và không biết bao giờ mới đến đích. Bởi vậy ta phải tin tưởng và quán tưởng Bậc Thượng sư của mình luôn bất khả phân với Đức Bản tôn Trí tuệ Văn Thù.
Chúng ta quán ở luân xa tim của Đức Thượng sư Văn Thù an trú chữ chủng tử “Dhi”, quay xung quanh là chuỗi chân ngôn “Om Ah Ra Pa Tsa Na Dhi” sắc vàng cam. Chuỗi chân ngôn từ luân xa tim của Bậc Thượng sư tuôn qua miệng của Ngài tới luân xa trán của chúng ta, đi dọc cơ thể xuống luân xa tim. Và từ luân xa tim của chúng ta phóng hào quang chiếu đến luân xa tim của Bậc Thượng sư. Hào quang này là tâm chí thành, khi nó chạm đến và cúng dàng lên Bậc Thượng sư, ta quán tưởng Bậc Thượng sư tràn đầy sự toàn giác, và từ thân giác ngộ của Ngài tỏa sáng hào quang khắp vũ trụ pháp giới. Giống như chiếc bóng đèn tỏa ánh sáng tràn ngập khắp căn phòng, toàn thân Ngài tỏa sáng và phóng ánh hào quang khắp mười phương. Vậy là chủng tử tự “Dhi” sắc vàng cam chiếu sáng lan rộng tràn ngập toàn thân Thượng sư Văn Thù và sau đó ánh sáng lan tỏa tràn khắp vũ trụ.
Lúc này, toàn bộ vũ trụ tràn ngập trí tuệ. Hào quang này không phải là ánh sáng thông thường mà thực chất đó chính là trí tuệ, đôi khi chúng ta gọi là “trí quang”. Khi hào quang chiếu khắp vũ trụ, vũ trụ tràn ngập trí tuệ thì tất cả mọi người, toàn bộ chúng sinh trong vũ trụ đều trở nên thông minh, trí tuệ và thành tựu giác ngộ. Tiếp đến, chúng ta quán tưởng ánh sáng từ vũ trụ, từ tất cả chúng sinh chiếu trở lại cúng dàng Bậc Thượng sư như một sự tri ân, tan vào chủng tử tự “Dhi” ở luân xa tim của Ngài.
Sau đó, hào quang đó chiếu trực tiếp vào hành giả như ánh sáng của ngọn đuốc tuệ, gia trì cho chúng ta. Hào quang tràn đầy khắp thân khẩu ý chúng ta, thân ta như quả cầu ánh sáng tỏa hào quang rực rỡ và từ ta ánh sáng trí tuệ lại chiếu rọi khắp vũ trụ. Lúc này, mỗi chúng sinh đều chuyển thành Đức Bản tôn Trí tuệ Văn Thù.
Cứ như vậy, ta quán tưởng nhiều lần. Có thể quán 3, 4 lần sau đó thư giãn, an trụ trong tâm vô niệm không thủ không xả vài phút, sau đó lại thực hành 3, 4 lần rồi lại thư giãn,... cứ như vậy trong khoảng một tiếng mỗi sáng.
Trước khi hồi hướng ta quán hòa tan. Quán tưởng Đức Thượng sư Văn Thù tan vào chủng tử tự “Dhi”. Và từ chủng tử tự này, một chuỗi chủng tử tự “Dhi” nhỏ sẽ liên tục tràn đầy thành một dòng ánh sáng như ngọn lửa rực rỡ, đi vào luân xa trán của chúng ta, tràn ngập toàn thân ta. Trong khi quán tưởng, ta trì chủng tử tự “Dhi”, cố gắng trì 108 lần trong một hơi thở, hoặc cố gắng trì càng nhiều càng tốt.
Sau đó, quán tưởng chúng ta trở thành Đức Bản tôn Văn Thù và an trụ năm phút trong tự tính tâm. Kế đến, ta quán Đức Bản tôn Văn Thù chính là Bậc Thượng sư ở trước mặt hòa tan vào chúng ta. Lúc này, ta tiếp tục an trụ trong tự tính tâm, không vọng tưởng, không phân tích suy nghĩ càng lâu càng tốt rồi kết thúc với phần hồi hướng công đức.
Đây là pháp tu dành cho tất cả mọi người. Nhiều hành giả đã đạt giác ngộ nhờ pháp tu này từ hàng ngàn năm nay kể thời Đức Phật Thích Ca. Phần quán tưởng và trì tụng là quan trọng nhất, và nếu thực hành, chúng ta sẽ trưởng dưỡng trí tuệ quán chiếu được mặt tích cực và cả tiêu cực của những gì mình làm. Chúng ta sẽ tiến hành nhiều thiện hạnh hơn, giảm bớt những ác nghiệp do đã trưởng dưỡng được trí tuệ tỉnh thức này, và nhờ đó giúp đời sống bản thân trở nên tốt đẹp. Đây cũng là lý do Đức Phật đã từ bi chỉ dạy pháp tu Văn Thù, điều này được Ngài truyền dạy không chỉ trong Kim cương thừa mà cả trong giáo lý Đại thừa hay Kinh thừa.
(Trích ấn phẩm "Mandala - Sự hợp nhất từ bi và trí tuệ theo quan kiến Kim cương thừa" giới thiệu các kỳ Pháp hội Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn tại Việt Nam qua các năm cùng tập hợp các giáo Pháp tôn quý được Đức Pháp Vương chia sẻ trong những kỳ Pháp hội này, Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành)
Viết bình luận
- 1180 reads