Bạn đang ở đây
Thánh địa linh thiêng của Đức Quan Âm
Sáng 8/12, trong lần đầu quang lâm chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội), Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, chư Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa,Drukpa Thuksey Rinpoche và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa đã nhận được sự đón tiếp đầy thành kính nhiệt thành từ Đại đức Trụ trì cùng khoảng 2.000 Tăng Ni Phật tử thuộc sơn môn Hương Tích. Trong hoạt động đầu tiên nơi trụ xứ này, Đức Pháp Vương đã viếng thăm động Hương Tích làm lễ gia trì cầu nguyện, trì tụng chân ngôn, thực hành nghi quỹ Quan Âm, Lục Độ Phật Mẫu Tara và Kim cương Thượng sư Liên Hoa Sinh.
Sau đó, Ngài trở lại Pháp hội bắt đầu truyền pháp quán đỉnh Quan Âm. Sở dĩ Ngài truyền quán đỉnh Quan Âm vì Động Hương Tích là Thánh địa linh thiêng của Đức Quan Âm, vị Phật biểu trưng cho tình yêu thương và lòng bi mẫn, và Đức Pháp Vương cũng là chân hóa thân của Đức Quan Âm. Pháp môn thực hành chính của Ngài là tâm Từ bi và Truyền thừa Drukpa cũng là Truyền thừa tâm Đại từ bi, được truyền trao xuyên suốt lịch sử 800 năm từ Đức Pháp Vương Tsangpa Gyare đời thứ I trải qua 12 đời hóa thân chuyển thế cho đến tận ngày nay để phụng sự nhân loại và vũ trụ.
(Đức Pháp Vương cùng hai Nhiếp Chính Vương quang lâm chùa Hương)
Đức Pháp Vương nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của quần thể Hương Tích và khai thị rằng: “Theo truyền thống Đại thừa, nơi đây là cảnh giới linh thiêng của Đức Quan Âm Đại từ bi. Theo truyền thống bản lai Kim cương thừa, nơi đây là cảnh giới Tịnh độ của Yidam Chakarsambhava (Thắng Lạc Kim Cương) và là thánh địa của hằng sa chư Phật, Bồ tát, Bản tôn, Daka và Dakini”. Hàng năm, rất nhiều Phật tử và người dân hành hương tới đây mang theo tâm nguyện tìm cầu hạnh phúc. Việc hành hương triều bái thánh địa là truyền thống tốt đẹp, song Đức Pháp Vương cũng khai thị kỹ thêm về tầm quan trọng của việc cầu nguyện đúng đắn qua sự thấu hiểu nguyên nhân sâu xa của hạnh phúc và đau khổ. Khi thấu hiểu điều này, chúng ta sẽ phát tâm tu tập để chuyển hóa thân tâm cùng những ác nghiệp vô minh nơi mình thành cuộc sống tràn ngập tình yêu thương minh triết tuệ giác. Đó là ý nghĩa mục đích của quán đỉnh và cũng là điều thiết yếu nhất các hành giả thực hành cần quan tâm phát triển để chứng đạt hạnh phúc chân thật và ban trải trí tuệ, lòng bi mẫn tới vạn loài hữu tình.
(Bảo tháp Chân Tịnh)
Cũng trong chuyến thăm này, Đức Pháp Vương và Tăng đoàn đã viếng thăm Chân Tịnh Bảo tháp, nơi lưu giữ nhục thân cố Viện Chủ Chùa Hương, Hòa thượng Thích Viên Thành. Đức Pháp Vương đã gia trì, cầu nguyện chân giáo pháp Truyền thừa Drukpa sẽ phát triển thịnh vượng trường tồn, và đất nước Việt Nam sẽ có vô số Đại thành tựu giả như thời hoàng kim của Đức Pháp Vương đời thứ I vì lợi ích hết thảy pháp giới chúng sinh. Đây là tâm nguyện cát tường vô cùng quý giá bởi Đức Pháp Vương Tsangpa Gyare là bậc sáng lập Truyền thừa Drukpa và hôm nay chân hóa thân của Ngài lại hiển diện trước Bảo tháp Chân Tịnh, cảm ứng bất khả tư nghì với tâm nguyện của cố Hòa thượng Thích Viên Thành đem giáo pháp thực hành bi tâm của Truyền thừa Drukpa lợi ích cho Tăng Ni Phật tử Việt Nam. Với hạnh nguyện từ bi này, cố Hòa thượng đã dành trọn vẹn cuộc đời để lợi ích hữu tình chúng sinh. Hôm nay, sự hiển diện và tâm nguyện của Đức Pháp Vương là một điềm tiên tri cát tường rằng giáo pháp Truyền thừa của lòng Đại bi sẽ giúp đỡ vô số khổ não chúng sinh nơi đây đạt đến giác ngộ.
Trên đường trở về, từ bàn tay vạn hạnh trang nghiêm, Đức Pháp Vương, chư Nhiếp Chính Vương và Tăng đoàn đã cúng dàng liên hoa đăng trên suối Yến, cầu nguyện ánh sáng quang minh tuệ giác đại bi của Đức Quan Âm xua tan bóng đêm vô minh si ám của chúng sinh, tịnh hóa những nhiễm ô ám chướng của khổ não hữu tình. Ánh sáng của vô số ngọn đèn lung linh bồng bềnh đan xen với bóng hàng ngàn ngôi sao lấp lánh trải dài trên suối Yến tạo nên không gian diệu kỳ huyền ảo, tâm thức như trôi đi giữa Pháp giới mênh mông vô tận, thăng hoa rồi hòa nhập trong cảnh giới bất nhị. Những ánh sáng này như hàng ngàn công hạnh của Bồ tát xua tan màn đêm vô minh sinh tử, đem lại trường thọ, an bình thịnh vượng và tuệ giác quang minh vô thượng.
(Trích ấn phẩm Mandala - Sự hợp nhất từ bi và trí tuệ theo quan kiến Kim cương thừa *, Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành, 2010)
(* Ấn phẩm giới thiệu các kỳ Pháp hội Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn viếng thăm Việt Nam qua các năm cùng tập hợp các giáo Pháp tôn quý được Đức Pháp Vương chia sẻ trong những kỳ Pháp hội này)
Viết bình luận
- 1405 reads