Tâm khác với tự tính tâm như thế nào ? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tâm khác với tự tính tâm như thế nào ?

1307
13/08/2022 - 17:18

Ngoài việc để mặc vạn pháp bên ngoài - để chúng tồn tại như vẻ bề ngoài của chúng, một số hành giả còn giả bộ thiền về Giai đoạn Thành tựu, tính không, Đại Toàn Thiện hay Đại Thủ Ấn như thể có những đối tượng cần tiêu trừ và, trong lúc đóng tất cả các căn, họ thiền về tính không của tâm. Tôi cho rằng việc này giống như câu thành ngữ “cầm đèn chạy trước ô tô”, và đây không phải là cách thực hành đúng đắn đối với các hành giả, mặc dù cách thiền này có thể có tác dụng đối với một số chúng sinh. Như tôi luôn nhấn mạnh, khi nói rằng vạn pháp duy tâm tạo, chúng ta không cần phải nghĩ rằng toàn bộ môi trường bên ngoài và chúng sinh hữu tình và vô tình trong môi trường đó, ví dụ như núi non, những tảng đá, tòa nhà… được một “nhà máy” gọi là tâm “chế tạo” ra. Tương tự như vậy, như tôi vừa trình bày ở trên, việc nhắm mắt và khép tất cả các căn còn lại và thiền mạnh mẽ về tính không, để mặc vạn pháp như thể chúng chẳng có mối liên hệ nào với tâm, là điều không đúng đắn. Vậy thì hành giả cần thực hành như thế nào? Có nhiều nội dung cần trình bày, song ở đây tôi không muốn đi vào chi tiết cặn kẽ. Tôi đã trình bày một chút về chủ đề này trong phần trước phù hợp với căn cơ hành giả chúng ta.

Tâm khác với tự tính tâm ở chỗ tâm cần được hiểu là vọng tưởng. Vọng tưởng về điều gì? Đầu tiên tâm vọng tưởng về một cái “tôi” không có thực, và sau đó vọng tưởng này dẫn đến khái niệm “của tôi”, khái niệm vọng tưởng này lại dẫn đến tham, sân, si và mọi thiện nghiệp và bất thiện nghiệp.

Trên bức tường bên phải hoặc bên trái của phần lớn các cửa chùa đều có vẽ bức tranh Bánh xe luân hồi quen thuộc. Nếu nhìn kỹ vào phần chính giữa bức tranh, chúng ta thấy có ba con vật là con gà, con lợn, và con rắn đang cắn đuôi nhau. Chúng ta cần hiểu được ý nghĩa của những con vật này. Con lợn nêu biểu cho sự vô minh, nguồn gốc của luân hồi sinh tử, vì coi cái “tôi” không thực chắc là thứ thường còn. Con gà trong bức tranh nêu biểu tham muốn, là nguyên nhân tạo ra mọi huyễn ảo trên thế gian. Con rắn nêu biểu sân giận. Ba con vật trong bức tranh nêu biểu cho tam độc. Chúng nêu biểu cho ba phiền não căn bản.

(Bảng luân hồi)

Chúng ta có thể xếp tất cả các vọng tưởng vào một trong ba loại độc kể trên - tất cả các suy nghĩ tích cực thuộc về tham muốn, tất cả các suy nghĩ tiêu cực thuộc về sân giận, và tất ca các suy nghĩ trung tính thuộc về vô minh. Đây là một thuật ngữ tâm linh độc đáo được các hành giả yogi chứng ngộ sử dụng. Không có giây phút nào chúng sinh trong luân hồi không chịu tác động của ba loại suy nghĩ này, ngày cũng như đêm.

Khi chịu tác động của suy nghĩ tích cực, chúng ta bám chấp vào nhận thức tích cực, khi chịu tác động của suy nghĩ tiêu cực, chúng ta bám chấp vào nhận thức tiêu cực và trở nên sân giận, và khi chịu tác động của những suy nghĩ trung tính, chúng ta bám chấp vào nhận thức vô minh, mê lầm. Như vậy, với sự khởi đầu từ vô minh, toàn bộ vòng xoay luân hồi tiếp tục không ngừng nghỉ. Nếu suy ngẫm kỹ về điều này, chúng ta sẽ nhận ra vô minh là căn bản phiền não đáng sợ nhất.

Ví dụ, tất cả kẻ cướp đều như nhau nhưng kẻ đứng đầu băng đảng là kẻ có ảnh hưởng lớn nhất và đáng sợ nhất, mọi tên cướp trong băng đảng đều phải tuân lệnh của kẻ đứng đầu. Nếu không có thủ lĩnh thì những tên cướp trong băng đảng sẽ không còn nguy hiểm như trước. Tương tự như vậy, tham, sân, si đều là căn nguyên khiến chúng sinh phải trôi lăn trong luân hồi sinh tử, nhưng tham và sân đến từ vô minh, và nếu chỉ có tham và sân thì sẽ chúng không thể tự tiếp tục gây tác hại.
(Trích ấn phẩm "Tự Truyện Pháp Ký" - Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,564
Số người trực tuyến: