Bạn đang ở đây
Bảo báu tâm linh
Chúng ta giống như những tấm vải trắng ướt rất dễ bị ố bẩn. Vì vậy, không thể thiếu bạn hữu thiện tri thức trong cuộc sống. Xét theo khía cạnh tâm linh, mỗi người cần nương tựa vào một người bạn tốt để có thể thành tựu tất cả những phẩm chất tốt đẹp, từ chín phẩm chất tuyệt hảo như sự uyên bác, tinh tấn, lòng từ ái, cho đến những phẩm chất của Phật. Do đó, một bậc thầy tâm linh với lòng đại từ đại bi hướng đạo cho chúng ta, chính là “Bảo báu tâm linh” và là bậc thiện tri thức vĩ đại nhất. Suy ngẫm về điều này, bạn sẽ hiểu tại sao một bậc thầy tâm linh được xem hiện thân của Phật, Pháp, Tăng.
Có nhiều cách định nghĩa một bậc thiện tri thức, nhưng đối với những người còn hiểu biết hạn hẹp thì thiện hữu tri thức là bậc trợ giúp và làm lợi lạc cho chúng ta. Khi chúng ta trải nghiệm những rung động trong thân tâm, tâm ngập tràn an bình, như tia nắng ấm áp, bạn nhận ra rằng bậc Thầy tâm linh chính là bậc thiện tri thức và những lời dạy vô ngã vị tha của Ngài chuyển hóa tâm và giúp bạn thấm nhuần chân giáo pháp.
Bậc thầy truyền trao giáo pháp khi đệ tử tha thiết thỉnh cầu. Nếu tìm hiểu xem trí tuệ nào có thể giúp thành tựu đạo giải thoát, bạn sẽ thấy trí tuệ hiểu biết về thực tại hay tự tính tâm sẽ mở ra con đường giác ngộ thậm thâm vi diệu, và trí tuệ phàm tình, bị trói buộc bởi chân lý thế gian thông thường, sẽ không thể làm được điều đó. Quán chiếu theo cách như vậy, ngay cả khi không thông thạo kinh điển, bạn vẫn có thể hiểu được ý nghĩa căn bản.
Cúng dàng đèn
Nhờ lòng từ bi vô lượng của các bậc Thượng sư mà tôi có thể nhận ra khuyết điểm của mình và bớt tập trung vào điểm yếu của người khác. Tôi tự nhủ rằng những phẩm chất hay khiếm khuyết tôi nhìn thấy nơi thân, khẩu, ý của bậc Thầy chính là sự phản chiếu tâm mình. Ba phẩm chất bí mật thân, khẩu, ý của Thượng sư là chuyện không thể nghĩ bàn. Cố gắng phân tích đánh giá những phẩm chất tích cực và tiêu cực nơi thân, khẩu, ý của Thượng sư cũng giống như cố gắng đo trời cao đất rộng. Chúng ta có thể tự rèn luyện tâm mình.
Tôi đã rèn luyện tâm mình bằng cách nào? Khi nhìn thấy lỗi lầm của bạn hữu hay những người xung quanh, tôi thường tự hỏi đó có phải là sự phóng chiếu của chính những lỗi lầm nơi bản thân mình hay không, và đôi khi tôi cố gắng nghĩ rằng họ không đáng trách. Đa phần tôi giảm thiểu thói quen tìm lỗi của người khác bằng cách im lặng và bỏ qua, trừ trường hợp nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng bạn cũng nên thử làm như vậy. Kết quả sẽ khiến bạn ngạc nhiên.
Thật tuyệt vời thay “chính kiến” này,
Nhưng hiếm lắm người thực hành đúng pháp.
Đó là lý do Phật pháp đang suy vi
Chỉ dài thêm danh sách những kẻ bể giới nguyện.
Tôi luôn cố gắng trưởng dưỡng chính kiến với thái độ cởi mở như đã giải thích ở phần trên. Nếu không, bức tường định kiến kiên cố chỉ chấp nhận những gì mình nhận thức được bằng tư duy thông thường là sự thật, sẽ ngăn chặn chúng ta trưởng dưỡng được quan kiến thanh tịnh như kinh sách đã dạy. Đó là lý do chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, chướng ngại. Rất ít người thực hành “chính kiến” và áp dụng từng huấn từ giáo pháp vào mọi khía cạnh của đời sống. Nhiều người thậm chí còn không buồn bận tâm đến điều này. Những thừa thực hành khác không chấp nhận điều này. Tuy nhiên, đối với chúng ta, những hành giả Kim Cương Thừa, dù sơ cơ hay thượng thừa, đều cần quán chiếu chính kiến này. Một số người tự vỗ ngực cho mình có tài biện luận, cố gắng dùng tư duy lập luận để diễn giải, nhưng đó quả là điều khó khăn. Phần lớn bị mắc kẹt trong định kiến vô minh cho rằng chỉ những gì nhìn thấy mới là sự thật, nhưng bản thân họ cũng không có lý lẽ sâu sắc thuyết phục đối với quan niệm của bản thân.
Bằng việc không có quan kiến sai lệch về Thượng sư tối thắng, cho dù chỉ thoáng chốc,
Trưởng dưỡng tín tâm chính kiến,
Nguyện con đón nhận ân đức gia trì từ bậc Thượng sư.
Viết bình luận
- 569 reads