Bạn đang ở đây
Tại sao bạn thực hành tâm linh mà tham và sân vẫn gia tăng ?
Kinh điển dạy rằng: “Vô minh bám chấp vào sự thường còn” có nghĩa là chính vô minh coi thứ không thực chắc là có thực. Tâm vô minh bám chấp vào một đối tượng, vốn không hề tồn tại từ bản lai, coi đối tượng đó là có thực, và kết quả là toàn bộ nhận thức nhị nguyên về lớn - nhỏ, cao - thấp, hạnh phúc - khổ đau, tốt - xấu xuất hiện. “Xuất hiện” không có nghĩa là một đối tượng giống như mặt trời mọc hay hoa đang nở bông, mà có nghĩa là sự bám chấp vào nhận thức, cho rằng đối tượng đó là thực chắc. Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu được nội dung này. Không những hiểu mà chúng ta còn cần thực hành bằng cách áp dụng hiểu biết này vào các trải nghiệm trong đời sống thường nhật. Dường như có những người cả đời thực hành giáo pháp nhưng cuối cùng vẫn phải tái sinh vào luân hồi do không hiểu được điểm vô cùng quan trọng này.
Việc mô tả về nhận thức là vô tận. Lấy một ví dụ về một nhận thức cụ thể, hai người nam có thể nhận thức về sắc tướng của một người nữ theo hai cách khác nhau. Một người có thể thấy người nữ xinh đẹp nhưng người kia lại thấy người nữ xấu xí. Sở dĩ có điều này là do nhận thức của mỗi người. Điều này tương tự như việc nói rằng: “Tâm tôi đã nhận thức rằng cô ấy xấu xí”. Trên thực tế, người nữ đó chẳng hề tự tạo ra thứ gì xấu xí cả. Tương tự như vậy, người nam thứ nhất thấy người phụ nữ xinh đẹp và chính tâm người đó nhận thức người phụ nữ đó là xinh đẹp. Tại sao hai người nam có hai nhận thức khác nhau về một người nữ? Đó là vì tâm của hai người nam đó đã nhận thức người nữ là xinh đẹp hay xấu xí, trong khi người nữ đó chẳng hề tạo ra vẻ đẹp hay sự xấu xí của cô ấy.
Chúng ta sẽ dần dần hiểu ra rằng tất cả những khái niệm nhị nguyên đối đãi như dài và ngắn, cao và thấp, ngon và không ngon, ngọt và đắng đều chỉ là những nhận thức, và tự tính của chúng cũng vậy. Như Thượng sư Dharmakirti (Pháp Xứng) lập luận trong cuốn Lượng Thích Luận (Pramanavartika): “Tiêu trừ mạng lưới các nhận thức nhị nguyên, có hình thức thâm diệu và rộng khắp, ánh sáng Phổ Hiền soi rọi khắp muôn nơi”, nguyên nhân chính gây ra mọi khổ đau là nhận thức bám chấp này, và nếu các nhận thức vọng tưởng được tiêu trừ thì chúng ta đạt được Pháp thân Phật. Thượng sư Tilopa đã khai thị cho Đại thành tựu giả Naropa như sau: “Đệ tử, con không bị các sắc tướng mà bị tâm bám chấp xích xiềng. Naropa, con hãy xả ly bám chấp”. Theo khai thị của Thượng sư Tilopa, chúng ta cần phá vỡ xiềng xích của bám chấp vào nhận thức. Những hành giả thượng thủ không cần bám chấp vào sự vô ngã của nhận thức và ngăn chặn nó, và trong thực hành thiền các vị cũng không bám chấp vào tính không. Dù xuất gia hay tại gia, nếu hành giả không hiểu được rằng vạn pháp đều chỉ là huyễn ảo, do tâm tạo tác, mà vẫn giữ tà kiến hay nhận thức mê lầm rằng vạn pháp bên ngoài đều thực chắc như vẻ bề ngoài của chúng, thì cảm giác vui và buồn, tham và sân, xuất hiện từ việc thực hành tâm linh vẫn gia tăng.
(Trích ấn phẩm "Tự Truyện Pháp Ký" - Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)
- 1962 reads