Bạn đang ở đây
Tứ diệu đế - nền tảng của Niềm tin vào Tam bảo
Trong điều kiện thông thường, sẽ rất khó để nói rằng chúng ta có chút hiểu biết nào về trí tuệ Trung đạo và Đại Toàn Thiện…, về quan kiến vô ngã hay chưa. Nhưng vì lòng từ bi mà bậc Căn bản Thượng sư đã truyền trao cho chúng ta các khai thị tựa như viên ngọc như ý để chúng ta thực hành theo tâm nguyện. Nếu có năng lực, chúng ta có thể thực hành trí tuệ bản lai về vô ngã, cắt đứt bám chấp vô minh cho rằng vạn pháp là chắc thực và chứng ngộ tự tính tâm ngay trong một đời. Nhờ đó, chúng ta đạt được niềm tin mình có khả năng chứng ngộ được Diệt đế, tiêu trừ mọi khổ đau. Tự tính của vạn pháp không giống như vẻ bề ngoài, vậy mà tâm mê lầm lại coi vạn pháp là thực chắc. Ví dụ, tâm vô minh thấy con người là con người, động vật là động vật, thần thánh là thần thánh, ma quỷ là ma quỷ. Khi hiểu rằng chấp ngã do duyên khởi, chúng ta đi đến chỗ hiểu được nhân và quả của luân hồi và từ đó quyết tâm mạnh mẽ xả ly luân hồi.
Có nhiều nội dung giảng về nguồn gốc của luân hồi, nhưng theo tôi hiểu và trình bày ở trên, chúng ta có thể tiêu trừ nhận thức mê lầm do vô minh che chướng bằng cách sử dụng chân lý của Đạo Phật làm pháp đối trị. Ví dụ, khi chúng ta dập tắt nguồn lửa thì không còn khói nữa. Tương tự như vậy, nếu chúng ta tiêu trừ ác nghiệp, cùng với xúc tình và phần dư, vốn là nhân, thì cuộc sống sẽ không còn khổ đau. Vì thế chúng ta có niềm tin kiên cố là có thể chứng đắc cực lạc nhờ tịnh hóa nhân và quả. Niềm tin kiên cố đó khiến chúng ta có tâm nguyện và thực hành tu tập thâm sâu để chứng đắc giải thoát và toàn tri. Từ việc có niềm tin vững chắc, chí thành với giáo pháp tôn quý, chúng ta có niềm tin vững chắc vào Đức Phật - bậc giảng pháp và Tăng đoàn - cộng đồng Tăng Ni thực hành các giáo pháp. Niềm tin này giúp chúng ta thực hành với quan kiến thanh tịnh thay vì đi tìm khuyết điểm của các đạo hữu - những người đang hỗ trợ chúng ta thực hành tâm linh.
Như Đức Di Lặc đã chỉ ra, nếu có niềm tin kiên cố vào Nhị Đế, Tứ Diệu Đế, Pháp Bảo, Phật Bảo và Tăng Bảo, thì chúng ta không phải quy y nơi Đức Phật lịch sử hay hành động như những người tin vào thần thánh và ma quỷ trong lúc phát nguyện: “Con nguyện quy y Tam Bảo”. Chúng ta sẽ vượt qua tất cả những khiếm khuyết như vậy và hiểu được ý nghĩa của câu nói “Phật tử luôn quy y”. Đến lúc đó, chúng ta có thể tự gọi mình là Phật tử. Khi Thượng sư Atisha đến vùng Himalaya, Ngài đã thể hiện sự ưu phiền khi nói: “Ngay cả những vị tăng được đại chúng gọi là cao niên cũng chưa đủ phẩm chất của Phật tử”. Câu nói này có nghĩa là các vị tăng đó chưa thực hành quy y thanh tịnh. Không có chuyện những hành giả đang cùng lúc thực hành Tam thừa Phật giáo lại không thể quán tưởng một Đức Phật với bốn thân - Pháp giới thể tính thân, Pháp thân, Báo thân và Hóa thân - và chúng ta không chỉ quy y nơi Hóa thân Phật. Chúng ta cần hiểu rõ tiến trình của bốn thân Phật và có thể tức thời quán về bốn thân này khi niệm Phật.
- 1529 reads